Những hệ quả tích cực đối với nền kinh tế và xã hội:
Giúp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo biện pháp thị trường: Số lượng ngân hàng giảm bớt sau mỗi vụ M&A. Các ngân hàng mới sẽ tập trung phát triển về chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường phòng ngừa rủi ro, từ đó cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng và nền kinh tế. Biện pháp này hạn chế được nhiều tác động tiêu cực từ mệnh lệnh hành chính đến các ngân hàng và nền kinh tế.
Ổn định thị trường tài chính tiền tệ nhờ giảm thiểu được sự cạnh tranh khốc liệt và thiếu lành mạnh giữa các ngân hàng yếu để sống còn.
Hạn chế được nguy cơ phá sản ngân hàng dẫn đến đỗ vỡ hệ thống.
Giảm chi phí quản lý cho toàn xã hội nhờ đào thải được những ngân hàng yếu kém về năng lực tài chính và quản trị. Trong đó, NHTW sẽ nhẹ bớt gánh nặng khi phải thường xuyên hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng yếu.
Góp phần khôi phục lòng tin của nhân dân đối với NHTW và đồng nội tệ. Tạo thuận lợi cho dòng vốn lưu thông và phát triển kinh tế.
Những hệ quả tích cực đối với các bên tham gia thương vụ:
Tăng năng lực tài chính: Sự cộng dồn về mặt số học cho thấy vốn của ngân hàng hậu M&A tăng lên đáng kể. Ngoài ra, nhờ tận dụng thế mạnh trước đây của mỗi bên, ngân hàng tiết giảm được phần lớn chi phí hoạt động và phát triển mạng lưới,
khách hàng. Nhờ đó năng lực tài chính được nâng cao, khả năng cạnh tranh và lợi nhuận tăng lên đồng thời giảm rủi ro thanh khoản và các rủi ro khác.
Gia tăng giá trị cho cổ đông: M&A là một trong những cách thức được nhà quản trị sử dụng nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị cổ phần. Tùy vào kỳ vọng của thị trường đối với lợi nhuận ngân hàng hậu M&A, giá trị cổ phần có thể thay đổi, thường sẽ tăng ngay thời điểm công bố thương vụ, và sau khi thành công, lợi nhuận thực tế được cải thiện sẽ tiếp tục đẩy giá trị cổ phiếu tăng cao hơn nữa.
Nâng cao vị thế của ngân hàng sau M&A nhờ danh tiếng và uy tín của đối tác, đặc biệt là các đối tác ngân hàng lớn mạnh hơn hoặc ngân hàng nước ngoài.
Mở rộng quy mô hoạt động: Dựa vào cơ sở vật chất, các điểm giao dịch hiện có của mỗi bên, ngân hàng hậu M&A sẽ nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động, đồng thời tiến hành tái cơ cấu mạng lưới nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Gia tăng số lượng khách hàng: Hợp nhất, sáp nhập ngân hàng làm gia tăng số lượng khách hàng nhờ kế thừa hệ thống khách hàng của nhau. Trong trường hợp mua bán ngân hàng, số lượng khách hàng tăng lên do hai yếu tố: (1) thừa hưởng khách hàng hiện hữu của đối tác; (2) thu hút thêm khách hàng mới khi vị thế trên thị trường của ngân hàng bị mua lại được nâng lên.
Cải thiện năng lực quản trị điều hành: Trước tiên là minh bạch hóa hoạt động quản trị, kế đến là tổ chức lại bộ máy điều hành, và sau cùng là tiến tới áp dụng cách thức và chuẩn mực quản trị hiện đại, phù hợp và hiệu quả hơn trước.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng: Tiềm lực tài chính tăng, mạng lưới rộng, năng lực quản trị được cải thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tiến tới chinh phục mục tiêu gia tăng lợi nhuận kinh doanh.
Cứu nguy khỏi tình thế phá sản: Thông qua M&A, các ngân hàng phần nào giải quyết được khó khăn về thanh khoản, nợ xấu và đặc biệt là tránh phá sản. Thật vậy, nhờ tập hợp các nguồn lực, bên đang gặp khó khăn có thể giải quyết ngay phần lớn vấn đề. Kế đến, qua hoạt động tái cấu trúc nội bộ, ngân hàng sẽ dần giải quyết tiếp
các vấn đề khác như phòng ngừa rủi ro thanh khoản, rủi ro vận hành, rủi ro đầu tư kinh doanh, cũng như bài toán cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn,…