2.1. BỐI CẢNH NỀN KINH TẾ VÀ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM
2.1.1. Sơ lược về các hoạt động M&A trong nền kinh tế Việt Nam
Hoạt động M&A ở Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh trong những năm gần đây và dần trở thành kênh đầu tư được quan tâm nhất. Theo thống kê của các tổ chức nghiên cứu về M&A như ThomsonReuter, IMAA và AVM Việt Nam, tổng giá trị các thương vụ trong năm 2011 đạt 4 tỷ USD, tăng kỷ lục ở mức 135% so với năm 2010. Hoạt động này đã diễn ra ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau: từ lĩnh vực hàng tiêu dùng (như Unicharm mua lại Diana, Marico thâu tóm ICP, hay Bia Huế về một nhà với Carlsberg,…) đến lĩnh vực địa ốc (các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc lớn mua lại dự án của những công ty bất động sản nhỏ) và ngay cả ngành nhạy cảm nhất của nền kinh tế – tài chính ngân hàng – cũng đã để lại dấu ấn với thương vụ hợp nhất đầu tiên ba ngân hàng gồm Sài Gòn (SCB cũ), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Đệ nhất (Ficombank) thành một pháp nhân mới cũng mang tên gọi quen thuộc là NHTMCP Sài Gòn (SCB) hồi cuối năm 2011. Riêng quý I/2012, Việt Nam đạt 1.5 tỷ USD trong hoạt động M&A và xếp thứ 8 so với các nước có hoạt động này mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không kể Nhật Bản). Theo đó, M&A được dự đoán sẽ vượt mức 30%; ngành hàng tiêu dùng, bất động sản và nhất là ngành ngân hàng vẫn tiếp tục là mục tiêu hấp dẫn [64].
2.1.2. Bối cảnh kinh tế và thực trạng hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam Nam
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 đã để lại hệ lụy lớn cho mọi quốc gia. Đến nay, quá trình phục hồi ở các nước diễn ra khá chậm và cuộc khủng hoảng nợ công vẫn lan rộng tại Châu Âu đã khiến cho nền tài chính toàn cầu bất ổn, nền kinh tế thế giới có nguy cơ suy thoái kép. Vì thế Việt Nam cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng đó. Thật vậy, từ năm 2008, tình hình
kinh tế của nước ta diễn biến phức tạp không kém. Mãi đến năm 2010, nền kinh tế mới có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, trong năm 2011 và cả năm 2012, một số vấn đề vĩ mô lại nổi lên như: tỷ lệ lạm phát tăng rồi lại giảm so với mục tiêu điều hành (CPI tháng 07/2012 tăng 5.35% so với cùng kỳ năm 2011 và tăng 2.22% so với tháng 12/2011, nhưng lại giảm 0.29% so với tháng trước; CPI tháng 06/2012 giảm 0.26% so với tháng 05/2012); thị trường nội địa thu hẹp, sức mua giảm mạnh, hàng hóa tồn kho lớn; lãi suất ngân hàng giảm nhưng vẫn cao; số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể tăng, nhất là doanh nghiệp liên quan đến xây dựng, bất động sản, kéo theo nạn thất nghiệp; và các thị trường khác cũng ảm đạm;…[16]
Xuất phát từ nguyên nhân nền kinh tế khó khăn, tổng cầu giảm mạnh, doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng hóa, nên nhu cầu vay vốn cũng như khả năng trả nợ vay ngân hàng giảm sút đáng kể. Trong khó khăn đó, những bất ổn, hạn chế của hệ thống ngân hàng chưa được giải quyết triệt để trước đây càng bộc lộ rõ hơn. Trong một thập niên qua, hệ thống tài chính Việt Nam tăng mạnh về số lượng, với 5 NHTM Nhà nước, trong đó có 3 NHTM đã cổ phần hóa là NHTMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), NHTMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) và gần đầy là NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); 37 NHTMCP (trong đó có 13 NHTM chuyển đổi từ mô hình nông thôn lên thành thị); 40 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 5 ngân hàng liên doanh; 18 công ty tài chính; 12 công ty cho thuê tài chính; 1 quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, nhưng không song hành với chất lượng [79]. Nhiều ý kiến đã cho rằng hệ thống ngân hàng thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng, hoạt động yếu kém, quy mô vốn còn quá nhỏ so với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.
Để giải quyết tình trạng trên, một số văn bản quy phạm pháp luật ra đời như Nghị định số 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22/11/2006 quy định về mức vốn pháp định của các TCTD; Thông tư số 04/2010/TT-NHNN do NHNN ban hành ngày 11/02/2010 quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD; và sau này là Nghị định số 10/2011/NĐ-CP của Chính phủ ra ngày 26/01/2011 (sửa đổi từ Nghị định 141) nhằm gia hạn việc tăng vốn thêm một năm nữa. Rõ ràng, cuối năm 2008 và
cuối năm 2010, thời điểm mà các TCTD phải hoàn thành việc tăng vốn pháp định, là lúc thuận lợi để tái cấu trúc hệ thống bằng phương thức M&A, nhưng NHNN đã gia hạn cho các ngân hàng đến cuối năm 2011. Dù cho NHNN có bất kỳ hành động nào thì sự bất ổn của hệ thống vẫn lộ rõ qua các biểu hiện sau đây:
Những diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ;
Sự vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống đối với việc vượt trần lãi suất huy động do các ngân hàng cạnh tranh ngày càng gay gắt. Những tháng đầu năm 2011, cuộc đua lãi suất huy động đã khiến thanh khoản toàn hệ thống đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Bên cạnh đó, việc tranh đua tăng trưởng tín dụng đã làm hạ thấp các tiêu chuẩn quản trị rủi ro ở một số ngân hàng, góp phần khiến nợ xấu gia tăng đáng kể và nhanh chóng vượt khỏi tầm soát.
Bản chất của hoạt động tiền tệ bị làm méo mó, khó kiểm soát do các hoạt động kinh doanh khác (như cho thuê tài chính, ủy thác,…) xuất hiện rủi ro; tình trạng tiêu cực trong mối quan hệ sở hữu chéo giữa các TCTD ngày càng phổ biến.
Các vụ lừa đảo của cán bộ ngân hàng ngày càng gia tăng.
Trước hiện trạng đó, NHNN dần lập lại trật tự, kỷ cương và trả về đúng bản chất hoạt động của thị trường tiền tệ ngân hàng trong thời gian gần đây bằng nhiều hành động quyết liệt kèm theo những chế tài thích đáng đối với các sai phạm. NHNN càng xử lý vi phạm thì những yếu kém càng hiện rõ và đe dọa đến sự ổn định của toàn hệ thống. Do đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là yêu cầu cấp thiết hiện nay, được cụ thể hoá thành một trong ba nhiệm vụ trọng tâm tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) ngày 18/10/2011.
Nhận thức được tình hình – Việt Nam dù vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhưng phải đối mặt với nhiều vấn đề như khó khăn, thách thức do hội nhập; chất lượng tăng trưởng cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; và các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc – Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và trong 5 năm tới từ 2011 đến 2015, Việt Nam cần tập trung vào ba nhiệm vụ chính là: (1) Tái cấu trúc đầu tư với trọng điểm là đầu tư công; (2) Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu
trúc hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính; (3) Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đặc biệt là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Trong đó, nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống ngân hàng được Chính phủ phê duyệt và ban hành đề án tái cấu trúc sớm nhất bởi hệ thống ngân hàng là trái tim của nền kinh tế. Nếu hệ thống ngân hàng lành mạnh thì nền kinh tế sẽ phát triển tốt hơn.
2.2. NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN VIỆC HỢP NHẤT, SÁP NHẬP NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM
Dựa vào lý luận chung, chúng ta dễ dàng nhận ra các nguyên nhân dẫn đến hợp nhất, sáp nhập qua thực trạng hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam.