M&A là một giao dịch có tầm ảnh hưởng lớn đối với các bên tham gia và quy trình thực hiện cũng rất phức tạp. Vì thế, hầu hết các bên tham gia đều cần nhờ đến sự hỗ trợ từ các nhà tư vấn, môi giới chuyên nghiệp. Một số nhà tư vấn có thể tham gia ngay từ giai đoạn sơ khởi lên kế hoạch cho đến khi giao dịch kết thúc, thậm chí còn kéo dài thêm trong cả giai đoạn hậu hợp nhất, sáp nhập. Song song đó, vài nhà tư vấn khác lại chỉ tham gia vào một giai đoạn nhất định trong suốt quá trình. Thông thường một giao dịch M&A luôn cần đến sự cố vấn của các chuyên gia sau:
Nhà tư vấn tài chính – vai trò trung tâm và xuyên suốt giao dịch: có thể có hai nhà tư vấn tài chính, một là tư vấn, kiểm soát về tài chính, định giá thương vụ, đánh giá định lượng về mục tiêu hợp nhất, sáp nhập và hai là thu xếp vốn cho giao dịch. Các ngân hàng thường tự đảm nhận vai trò này hoặc thuê ngân hàng thứ ba thực hiện. Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không chuyên về hoạt động hợp nhất, sáp nhập nên sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính của ngân hàng thứ ba.
Luật sư, cố vấn pháp lý: Họ thường hỗ trợ thẩm định pháp lý ngân hàng mục tiêu, xác định các yếu tố liên quan đến pháp luật có thể trở thành rào cản đối với giao dịch. Đồng thời họ cũng tư vấn thêm những quy định pháp luật về thuế và các nghĩa vụ bồi thường khác có thể phát sinh.
Kế toán viên độc lập, công ty kiểm toán: Họ sẽ đảm nhận phần lớn bước thẩm định chi tiết ngân hàng mục tiêu, mà trọng tâm là thẩm định tài chính.
Nhà tư vấn về nhân sự: Họ sẽ hỗ trợ cho các bên tham gia có cái nhìn thấu đáo hơn về nhân sự của nhau. Từ đó, góp phần hoàn thiện hơn về các giải pháp liên quan đến việc tổ chức, sắp xếp nhân sự sau thương vụ.
Nhà môi giới chứng khoán: Họ đảm nhiệm vai trò “tai mắt” trên thị trường cho các bên tham gia, góp phần xúc tiến các hoạt động mua bán cổ phần để thương vụ nhanh chóng được hoàn thành theo đúng luật định.
Nhà tư vấn về quan hệ công chúng (PR): Họ thực hiện công tác truyền thông một cách chuyên nghiệp và hiệu quả đến tất cả các đối tượng khác nhau như cổ
đông, đội ngũ lãnh đạo, nhân viên của các bên tham gia thương vụ, khác hàng, đối tác và toàn thể công chúng.
Và một số nhà tư vấn khác…
Mặc dù chi phí phải trả cho các nhà tư vấn độc lập hay các công ty tư vấn, môi giới hoạt động hợp nhất, sáp nhập khá lớn (thường chiếm khoảng 5% giá trị thương vụ), nhưng mức độ thành công và hiệu quả mang lại cho các bên tham gia thương vụ còn lớn hơn rất nhiều. Điều này sẽ càng ý nghĩa hơn đối với các ngân hàng chưa có kinh nghiệm M&A. Nhờ sự góp sức của các nhà tư vấn mà mọi công việc tưởng chừng như rất khó khăn đều có thể được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả, loại bỏ được “sức ì” của mỗi ngân hàng đã cản trở thương vụ diễn ra.