Tình trạng mất thanh khoản còn xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa khác chính là áp lực từ Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ban hành ngày 22/11/2006 và sau này sửa đổi thành Nghị định số 10/2011/NĐ-CP ngày 26/01/2011 về việc bắt buộc các NHTM tăng vốn điều lệ từ mức 1,000 tỷ đồng đến năm 2008 và nâng lên 3,000 tỷ đồng đến năm 2010, sau đó gia hạn thêm đến năm 2011. Vì vậy, trong khoảng thời gian đó, các TCTD, nhất là các NHTMCP, liên tục tăng vốn điều lệ. Và tất nhiên, để tránh bị lỗ thì khi tăng vốn, các ngân hàng buộc phải vội vàng tăng tổng tài sản tương ứng bằng những biện pháp mạo hiểm như vội vã mở thêm chi nhánh và tìm khách hàng để cho vay bằng mọi giá. Nhiều TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm quá cao (trên 50%) trong khi khả năng quản trị rủi ro và giám sát vốn vay còn nhiều hạn chế [68]. Dưới sức ép tăng trưởng tín dụng tương ứng với mức tăng vốn nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh đã khiến các TCTD phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Thực vậy, việc tìm được khách hàng để cho vay là không dễ và càng khó khăn hơn đối với các ngân hàng nhỏ bởi những vị trí đắc địa cũng như khách hàng có chất lượng tín
dụng tốt đã bị ngân hàng lớn đi trước chiếm hết. Do đó, lối thoát duy nhất là cho vay dễ dãi hơn đối với loại khách hàng đang cần vốn lớn nhưng tiềm ẩn rủi ro vỡ nợ rất cao – đó là loại cho vay kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, còn chưa kể đến dòng vốn cho vay tiêu dùng trá hình, cuối cùng cũng chảy vào bất động sản. Cùng với cạnh tranh cho vay, các ngân hàng cũng chạy đua thu hút vốn quyết liệt dẫn đến tình trạng xác lập các kỷ lục về lãi suất huy động từ thị trường 1 (lãi suất thỏa thuận ngầm có khi vượt trên 20%/năm) bất chấp mức trần do NHNN ban hành. Vì diễn biến lãi suất tiết kiệm phức tạp như vậy nên phần lớn vốn huy động từ dân cư đều là ngắn hạn, thường ở kỳ hạn 1 tháng hoặc từ 3 đến 6 tháng. Trong khi đó, các ngân hàng lại đổ xô cho vay vào các lĩnh vực “khát” vốn và có thời gian hoàn vốn dài hạn. Chính hai yếu tố này đã gây ra sự mất cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn của ngân hàng dẫn đến rủi ro thanh khoản.
Hơn hết, một điều đáng quan tâm nữa là ngân hàng tìm đâu ra hàng nghìn tỷ đồng để tăng vốn, đặc biệt là khi thị trường chứng khoán sụt giảm liên tục. Giải pháp “xoay vòng trái phiếu” hay nói đơn giản là lấy tín dụng của mình để tăng vốn pháp định được các ngân hàng áp dụng với thủ thuật rất tinh vi. Cụ thể, ngân hàng A thành lập doanh nghiệp AA đồng thời ngân hàng B cũng thành lập doanh nghiệp BB. Sau đó, doanh nghiệp AA phát hành trái phiếu thì ngân hàng B mua và ngược lại trái phiếu doanh nghiệp BB sẽ được ngân hàng A mua. Khi AA thu được tiền bán trái phiếu cho ngân hàng B, qua vài bút toán đơn giản số tiền này được biến thành vốn điều lệ của ngân hàng A và điều tương tự cũng diễn ra ở chiều kia. Chỉ cần xoay vòng trái phiếu giữa ngân hàng và doanh nghiệp khoảng 3 hay 4 lượt là số vốn điều lệ cần thiết đã được bổ sung đầy đủ trên sổ sách của ngân hàng, còn việc thanh toán cho nhau sau này cũng diễn ra êm xuôi như khi thỏa thuận phát hành trái phiếu. Để đối phó chiêu thức này, NHNN đã chấn chỉnh trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng bằng cách yêu cầu TCTD thống kê toàn bộ doanh số mua bán trái phiếu doanh nghiệp, tập trung đưa vào khoản mục tín dụng.
Tóm lại, chính do tình thế tài chính bất ổn ngày càng trầm trọng khiến cho các ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ phá sản cao. Điều này đã buộc các ngân hàng phải tìm đến giải pháp M&A như là một cứu cánh tốt nhất.