Phân biệt ngôn ngữ phóng sự với ngôn ngữ các thể loại báo chí khác

Một phần của tài liệu TRÌNH BÀY, PHÂN TÍCH, NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ VÀ SO SÁNH ĐẶC TRƯNG, ĐẶC ĐIỂM CỦA THỂ LOẠI BÁO CHÍ CHÍNH LUẬN NGHỆ THUẬT (Trang 118 - 121)

CHƯƠNG III: PHÂN BIỆT MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM CỦA THỂ LOẠI BÁO CHÍ CHÍNH LUẬN NGHỆ THUẬT

3.1Phân biệt ngôn ngữ phóng sự với ngôn ngữ các thể loại báo chí khác

Khi nhấn mạnh đến khả năng biểu đạt, tính chất sinh động trong ngôn ngữ phóng sự như là một đặc trưng khu biệt, làm nên diện mạo thể loại; tôi đặt phóng sự và trong hệ thống thể loại báo chí để so sánh về mặt ngôn ngữ thể hiện với mục đích khẳng định lại một lần nữa tính biểu cảm ( khả năng thẩm mỹ ) của ngôn ngữ phóng sự so với các thể loại khác.

Theo quan điểm của T.S Đinh Hường, trong tập bài giảng về nhóm Thông tấn ( khoa Báo chí Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn – Hà Nội ) thì hiện nay hệ thống thể loại báo chí được chia thành 3 nhóm chính sau:

Nhóm thông tấn báo chí bao gồm các thể loại: Tin, phỏng vấn, ghi nhanh, tường thuật.

chuyên luận, phê bình, điểm báo…

Nhóm chính luận – nghệ thuật bao gồm: Ký, phóng sự, tiểu phẩm , thơ trào phúng, ký họa, biếm họa…

Các tác giả khác như T.S Dương Xuân Sơn, Trần Quang ( khoa Báo chí – Đại học KHXH & NV ), Đức Dũng trong “ Các thể ký báo chí”…cũng có những quan niệm về phân chia hệ thống thể loại báo chí tương đối tương đồng với quan niệm trên tuy nhiên ở chỗ này, chỗ khác vẫn còn những điểm chưa thống nhất như Trần Quang xếp thể loại Ghi nhanh vào nhóm chính luận nghệ thuật, Đức Dũng gọi tên nhóm thứ ba này là nhóm Ký báo chí…Tựu trung lại, các tác giả đều thống nhất cao ở những luận điểm: Hệ thống thể loại báo chí được phân chia thành ba nhóm chính: Các nhóm thể loại khu biệt nhau bởi “ tính trội” của mỗi nhóm: thông tin sự kiện, thông tin lý lẽ hay thông tin thẩm mỹ. Phóng sự là thể loại thuộc nhóm chính luận nghệ thuật hay nhóm ( Kí báo chí ) bởi vậy nó mang ưu thế thể loại là thông tin thẩm mỹ. Để thấy rõ điều này đi sâu vào so sánh việc sử dụng các thủ pháp nâng cao tính biểu cảm trong thể loại phóng sự với các thể loại báo chí khác.

Thứ nhất, sự khác biệt ấy thể hiện rõ nhất khi so sánh phóng sự với các thể loại trong nhóm thông tấn báo chí như : tin, tường thuật, phỏng vấn…các thể loại này mang ưu thế thể loại là thông tin sự kiện, “ được đặc trưng bởi cái mới của sự kiện, hiện tượng được thông báo” mà tin là một thể loại xung kích, hạt nhân của nhóm. Tính thời sự và tính chính xác của sự kiện được đặt lên quan trọng hàng đầu. Trong các thể loại này, sự phân tích, đánh giá, bình luận nếu có thì ở mức độ phạm vi hẹp và chỉ dựa trên những sự kiện riêng lẻ. Như Tin chẳng hạn, nó phải chịu một sức ép nghiêm ngặt về tính thời sự, cấp thiết cũng như dung lượng, thời lượng. Bởi vậy, trong Tin không có cái tôi tác giả, yếu tố bình luận trong tin rất ít, tác giả của tin không thể lồng ghép cảm xúc của mình; nếu có cũng chỉ một vài câu đánh giá về kết quả của sự việc, ví dụ như “ Buổi lễ đã thành công tốt đẹp!”… Tường thuật lại đem đến cho công

chúng một bức tranh tuần tự và kịp thời về sự kiện xảy ra có ý nghĩa chính trị - xã hội nhất định. Người tường thuật xuất hiện với tư cách chứng kiến hoặc tham gia vào sự việc , có bình luận, nhận xét, đánh giá sự kiện song chỉ ở một mức độ vừa phải, không được lạm dụng. Bài phỏng vấn đem đến cho người đọc những tri thức thông qua hình thức hỏi đáp. Thông tin cuộc phỏng vấn là những thông tin mang giá trị pháp lý trực tiếp, trung thực, khách quan thể hiện trách nhiệm trước dư luận và pháp luật của người phỏng vấn và người được phỏng vấn. Nội dung bài phỏng vấn là do người đọc được phỏng vấn cung cấp, người phỏng vấn chỉ có vai trò đặt câu hỏi và gợi mở hướng trả lời, không được đưa vào những nhận xét, bình luận chủ quan…Phóng sự khác ở chỗ đó, nó không bị sức ép nghiêm ngặt về tính thời sự như tin, có kết cấu và dung lượng co giãn, bút pháp linh hoạt. Do vậy, để có những phóng sự sắc sảo, người viết kết hợp nhuần nhuyễn tính nghị luận ở mức độ nhất định theo lối tả - bình – thuật. Đó là những điều kiện lý tưởng cho nhà báo sáng tạo vận dụng các thủ pháp nhằm nâng cao tính biểu cảm trong ngôn ngữ tác phẩm của mình.

Các thể loại trong nhóm chính luận báo chí lại có ưu thế là thông tin lí lẽ, là khả năng bàn luận, giải thích, bình giá các sự kiện. Các thể loại trong nhóm không dừng lại ở mức độ thông báo sự kiện mà mục đích của chúng là dùng lí lẽ soi vào sự kiện, hiện tượng để giúp cho công chúng hiểu biết về sự kiện và khẳng định chúng theo một quan điểm nhất định. Tính chất của các thể loại trong nhóm này là nghiêm túc, lí lẽ. Cái tôi tác giả ít xuất hiện thường ẩn sau sự kiện ( như ở trong dạng bài điều tra, phản ánh) hay là đại diện của một tập thể ( như trong dạng bài xã luận )…thuyết phục công chúng bằng lĩ lẽ, lập luận, các căn cứ, luận chứng. Bởi vậy, thông tin thẩm mỹ cũng không được lạm dụng trong ngôn ngữ thể hiện. Còn trong phóng sự, cái tôi tác giả - nhân chứng khách quan hiện diện trực tiếp và xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm,

góp phần tạo nên giọng điệu cho tác phẩm phóng sự. Đó là cái tôi vừa logic, lý trí, giàu lí lẽ và trong chừng mực nào đó còn sử dụng sức mạnh của cảm xúc thẩm mỹ.

So sánh ngay trong nhóm chính luận – nghệ thuật, cũng dễ nhận thấy rằng chỉ có phóng sự mới là một thể loại hội tụ đủ những điều kiện thuận lợi về mặt bút pháp, ngôn ngữ…cho nhà báo sáng tạo, vận dụng các thủ pháp nâng cao tính biểu cảm trong ngôn ngữ thể hiện. Mặc dù cùng nằm trong một hệ thống thể loại, có chung tính trội là thông tin thẩm mỹ nhưng ký chân dung

lại thiên về phác họa nhân vật, ký chính luận thiên về thông tin lý lẽ… Các thể loại khác như câu chuyện báo chí, tiểu phẩm tuy có sử dụng nhiều yếu tố ngôn ngữ biểu cảm, bút pháp văn học nhưng xét đến cùng các thể loại này ngoài khả năng bám sát một cách linh hoạt các vấn đề thời sự, phù hợp với dung lượng, thời lượng quy định của báo chí thì chúng vẫn thuộc hệ thống thể loại văn học, được sáng tạo ra quy luật đặc thù của sáng tạo nghệ thuật. Các thể loại khác như nhật ký phóng viên, sổ tay phóng viên, thư phóng viên lại thiên về hướng chủ quan, ghi chép tức thời nên khả năng tác giả vận dụng các thủ pháp nâng cao tính biểu cảm là không cao.

Sự so sánh trên đây đã cho thấy phóng sự là một thể loại có ưu thế đặc biệt trong việc sự dụng các thủ pháp ngôn ngữ biểu cảm trong hệ thống thể loại báo chí nói chung và trong nhóm chính luận – nghệ thuật nói riêng.

Một phần của tài liệu TRÌNH BÀY, PHÂN TÍCH, NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ VÀ SO SÁNH ĐẶC TRƯNG, ĐẶC ĐIỂM CỦA THỂ LOẠI BÁO CHÍ CHÍNH LUẬN NGHỆ THUẬT (Trang 118 - 121)