1.3.1.1. Khái niệm quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp
Quản lý thuế là quá trình tác động có chủ đích, thường xuyên liên tục của các cơ quan quản lý thuế đến người nộp thuế nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của người nộp thuế để huy động đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đạt được các mục tiêu nhà nước đề ra.
Quá trình tác động của cơ quan quản lý thuế nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của NNT là quá trình các cơ quan quản lý thuế tổ chức thực hiện các chức năng quản lý thuế như tuyên truyền, hỗ trợ NNT, quản lý kê khai thuế, kế toán thuế, thanh tra thuế, kiểm tra thuế, đôn đốc thu nộp và quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế. Tuân thủ pháp luật của NNT bao gồm tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký thuế, kê khai thuế, tính thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ khác về thuế.
Quản lý thuế TNDN phải đảm bảo các chức năng của quản lý thuế nói chung, đồng thời phải phù hợp với đặc tính riêng của sắc thuế này là người nộp thuế cũng chính là người chịu thuế. Vì vậy, tất cả hoạt động quản lý mà cơ quan quản lý thuế thực hiện từ khâu xây dựng chính sách thu thuế TNDN, kê khai, nộp thuế TNDN đến hoạt động kiểm tra, thanh tra thuế đều nhằm quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ NNT.
Quản lý thuế TNDN cũng phải xác định được loại thu nhập chịu thuế và quản lý được các căn cứ tính thuế bao gồm: thu nhập tính thuế, thuế suất, … nhằm xây dựng chính sách thuế đảm bảo đơn giản, minh bạch, dễ thực hiện, tạo nguồn thu ổn định cho NSNN.
1.3.1.2. Nguyên tắc quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp Nguyên tắc tuân thủ pháp luật
Theo nguyên tắc này, các chính sách thuế phải phù hợp với quy định của Hiến pháp. Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, quyền hạn và nghĩa vụ của NNT đều do pháp luật quy định. Quy trình xây dựng biện pháp quản lý thuế phải xuất phát từ các luật thuế, luật quản lý thuế và nằm trong khuôn khổ luật định. Tổ chức và quản lý thu thuế phải bao quát nguồn thu mà các luật thuế điều chỉnh. Các bên liên quan trong quan hệ quản lý có thể lựa chọn những hoạt động nhất định nhưng phải nằm trong phạm vi quy định của pháp luật quản lý thuế.
Nguyên tắc thống nhất trong quản lý thuế
Quy trình tổ chức và quản lý thuế được áp dụng thống nhất theo luật định cho các cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế, không có sự phân biệt đối xử giữa những người nộp thuế trong quá trình tổ chức thực hiện thu thuế. Thực hiện phân cấp quản lý thuế theo luật pháp quy định giữa các cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan và Kho bạc nhà nước.
Nguyên tắc công bằng trong quản lý thuế
Nguyên tắc cơ bản của thuế là công bằng, mọi công dân có nghĩa vụ vật chất đối với Nhà nước phù hợp với khả năng tài chính của mình. Khi xây dựng biện pháp quản lý thuế, nguyên tắc này động viên được nguồn lực toàn xã hội, gắn kết nghĩa vụ, quyền lợi của các tổ chức, công dân với lợi ích quốc gia.
Nguyên tắc công khai, minh bạch
Nguyên tắc công khai đòi hỏi mọi quy định về quản lý thuế (pháp luật thuế, các quy trình, thủ tục thu nộp thuế) phải được công khai cho NNT và các tổ chức, cá nhân liên quan được biết. Nguyên tắc minh bạch là việc các quy định pháp luật về
quản lý thuế phải rõ ràng, dễ hiểu và diễn đạt sao cho chỉ có thể hiểu theo một cách nhất quán; không quy định những ngoại lệ trong thực thi pháp luật thuế.
Nguyên tắc tuân thủ và phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc các cam kết và thông lệ quốc tế về thuế được thực hiện sẽ góp phần tạo điều kiện cho hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước hội nhập với hệ thống quản lý thuế trên thế giới. Đồng thời, việc tuân thủ các cam kết, thông lệ quốc tế cũng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Nguyên tắc thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả
Theo nguyên tắc này, cơ quan thuế phải xây dựng quy trình quản lý thuế theo luật định một cách hợp lý, phù hợp với tình hình, đặc điểm sản xuất kinh doanh của người nộp thuế đảm bảo số thu vào NSNN là lớn nhất theo đúng luật thuế; đồng thời, chi phí quản lý thuế và chi phí của NNT là tiết kiệm nhất.
1.3.1.3. Các chức năng quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp
Quản lý thuế luôn gắn chủ thể quản lý là CQT các cấp với đối tượng quản lý là NNT. Đó là việc cơ quan thuế các cấp sử dụng các chức năng và công cụ quản lý tác động tới đối tượng quản lý để đạt được các mục tiêu quản lý. Các chức năng quản lý thuế chủ yếu bao gồm bốn nhóm cơ bản gắn với quy trình quản lý thuế gồm:
Nhóm 1: Nhóm chức năng hoạch định như: lập kế hoạch, ban hành các chương trình, mục tiêu để thực hiện;
Nhóm 2: Nhóm chức năng tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế: thực hiện các công việc phổ biến các chính sách thuế, thủ tục thuế đã được ban hành đến người nộp thuế; hỗ trợ người nộp thuế giải quyết các vướng mắc phát sinh về thủ tục thuế, chính sách thuế trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế;
Nhóm 3: Nhóm chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý thu thuế: thực hiện các công việc quản lý người nộp thuế đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế; xử lý miễn giảm thuế …
Nhóm 4: Nhóm chức năng kiểm tra, giám sát thực hiện công tác quản lý thuế: thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế và việc tổ chức thực hiện các quy trình quản lý thuế của CQT.
Về cơ chế hành thu, trên thế giới có hai cơ chế hành thu chủ yếu là cơ chế
thông báo thuế và cơ chế tự tính thuế.
Với cơ chế thông báo thuế, NNT có nghĩa vụ kê khai tài liệu, dữ liệu có liên quan đến việc xác định căn cứ tính thuế nhưng không có nghĩa vụ xác định số thuế mình phải nộp. CQT sẽ thực hiện xác định số thuế phải nộp của NNT và thông báo cho NNT thực hiện nộp vào ngân sách theo số thuế và thời hạn trong thông báo thuế. Với cơ chế tự tính thuế, NNT tự tính toán số thuế phải nộp của mình theo luật định và chủ động kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo số thuế đã tính toán được và theo thời hạn quy định của pháp luật thuế. Theo cơ chế này, NNT là người trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về việc tính toán kê khai cũng như nộp thuế vào NSNN.
1.3.1.4. Mục tiêu quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp
Một là tập trung huy động đầy đủ, kịp thời nguồn thu cho NSNN, đồng thời phải đảm bảo nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu. Số thu từ thuế nói chung và thuế TNDN nói riêng luôn là nguồn thu chủ yếu, quan trọng của NSNN, làm tốt công tác quản lý thuế là tiền đề để thực hiện được mục tiêu này.
Hai là phát huy tốt nhất vai trò của thuế TNDN: Nếu công tác quản lý thuế thực hiện không tốt, không đúng định hướng đề ra thì các vai trò của thuế TNDN không phát huy tác dụng tích cực mà ngược lại nó tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế, đến công tác điều hành, quản lý vĩ mô nền kinh tế.
Ba là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế: Nhà nước thực hiện quản lý các hoạt động kinh tế xã hội bằng pháp luật; đối với lĩnh vực thuế là hệ thống pháp luật thuế. Qua các hoạt động quản lý thuế, thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra thuế và áp dụng các chế tài xử lý vi phạm sẽ tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế, tránh những tổn thất lớn do phải chấp hành các hình thức xử phạt.
Trong điều kiện quản lý thuế hiện đại, nhà nước tăng cường vai trò quản lý theo hướng tập trung vào kiểm tra, kiểm soát kết quả thực hiện nghĩa vụ thuế phù hợp với quy định của pháp luật (kiểm tra sau), đồng thời tạo điều kiện cho NNT chủ động lựa chọn cách thức khai thuế và nộp thuế phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình, tôn trọng tính tự giác của NNT. Để đảm bảo mục tiêu này, Nhà nước cần có hệ thống các văn bản pháp luật thuế đầy đủ, rõ ràng, phù hợp; có các chế tài đủ mạnh để trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật thuế và có tác dụng răn đe.
Bốn là tăng tỷ trọng số thu từ thuế TNDN trong tổng số thu NSNN từ thuế để cân đối nguồn thu, đảm bảo mục tiêu cam kết cắt giảm thuế ở khâu nhập khẩu trong quá trình hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế và thực hiện mục tiêu miễn giảm một số loại thuế khác.
Năm là đơn giản hóa chính sách và thủ tục trong công tác hành thu: Quản lý thuế TNDN cũng như quản lý thuế nói chung không thể nằm ngoài xu hướng đòi hỏi cấp thiết hiện nay là đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế vào NSNN và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế của cơ quan thuế.
1.3.2. Quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khai thác dầu khí
Thuế TNDN với hoạt động khai thác dầu khí là khoản thu quan trọng của NSNN, do đó thực hiện quản lý thuế TNDN đối với hoạt động khai thác dầu khí luôn cần đảm bảo tuân thủ các mục tiêu, nguyên tắc và quy định chung của pháp luật quản lý thuế. Đồng thời, do đặc thù hoạt động của lĩnh vực dầu khí và vai trò đối với số thu NSNN, công tác quản lý thuế TNDN đối với hoạt động khai thác dầu khí đã được nghiên cứu, xây dựng thêm những quy định, hướng dẫn riêng phù hợp với đặc thù hoạt động dầu khí và thông lệ quốc tế về thuế TNDN đối với hoạt động khai thác dầu khí.
1.3.2.1. Sự cần thiết phải quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khai thác dầu khí
Đối với những quốc gia có tiềm năng dầu khí, việc tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế, mang lại lợi nhuận cao. Xuất phát từ nguồn thu nhập và lợi nhuận cao nên việc tích tụ tư bản từ dầu khí thường nhanh chóng và lớn. Vì vậy, dầu khí có ưu thế trong việc đóng góp vào ngân sách quốc gia và hỗ trợ cho các ngành khác phát triển. Ngoài ra, việc triển khai các dự án dầu khí còn là điều kiện để khẳng định chủ quyền, đảm bảo an ninh lãnh thổ quốc gia, một yếu tố không thể thiếu trong việc đảm bảo sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia.
Thứ hai: Ngành dầu khí giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đối với nền kinh tế của Việt Nam, dầu khí có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành công nghiệp dầu khí là ngành kinh tế, kỹ thuật đa ngành và liên ngành, là khâu đầu cung cấp nguyên, nhiên liệu đầu vào như xăng dầu, khí, LPG … cho các ngành công nghiệp khác như điện lực, hóa chất … Sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, còn giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.
Thứ ba: Thuế TNDN từ khai thác dầu khí là nguồn lực quan trọng trong số thu NSNN.
Trong điều kiện các nguồn lực để phát triển kinh tế còn chưa đủ mạnh để có thể chủ động trong công tác thu NSNN thì nguồn thu thuế TNDN, đặc biệt là thu thuế TNDN từ khai thác dầu khí là một trong những nguồn lực quan trọng trong cân đối thu, chi ngân sách, đặc biệt là ngân sách trung ương, góp phần tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước.
1.3.2.2. Mục đích quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khai thác dầu khí
Điều tiết thu nhập, tăng thu NSNN
Bên cạnh các công cụ quản lý hành chính như quy định các điều kiện để một đơn vị được thực hiện công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (cấp phép thăm
dò, khai thác, chế biến ...) thì thuế TNDN là một trong những công cụ hữu hiệu để Nhà nước điều tiết thu nhập, đồng thời kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và tăng thu ngân sách.
Góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật quản lý thuế
Thông qua hoạt động quản lý thuế, chính sách pháp luật thuế cũng như các quy định pháp luật về quản lý thuế được củng cố, hoàn thiện. Trong quá trình áp dụng luật vào thực tiễn và qua các hoạt động quản lý thuế, những điều còn bất cập trong chính sách thuế và khiếm khuyết trong các luật thuế có thể được phát hiện. Trên cơ sở đó cơ quan điều hành thực hiện pháp luật đề xuất bổ sung, sửa đổi các luật thuế cho phù hợp thực tiễn và theo hướng ngày càng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Điều tiết các hoạt động kinh tế, kiểm soát và nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng tài nguyên dầu khí
Thông qua quản lý thuế, Nhà nước thực hiện kiểm soát và điều tiết các hoạt động kinh tế của các tổ chức trong xã hội nhằm vừa khích lệ người nộp thuế tăng cường đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, vừa là công cụ hữu hiệu góp phần quản lý, bảo vệ và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, thúc đẩy khai thác tài nguyên gắn liền với chế biến sâu và góp phần hạn chế tối đa xuất khẩu tài nguyên chưa qua chế biến…
1.3.2.3. Nguyên tắc quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khai thác dầu khí
Một là nguyên tắc tuân thủ pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế: Khai thác dầu khí là hoạt động kinh tế đặc thù và phải tuân thủ theo nhiều quy định cũng như thông lệ quốc tế. Do đó, các chính sách thuế và quy trình quản lý thuế TNDN đối với hoạt động này cần phải phù hợp đặc điểm, tình hình của hoạt động khai thác dầu khí, thông lệ quốc tế đối với lĩnh vực dầu khí nhưng cũng cần phải tuân thủ pháp luật trong nước.
Hai là nguyên tắc tập trung, thống nhất: Quản lý thuế TNDN phải được thực hiện một cách thống nhất từ trung ương đến địa phương theo chính sách nhất quán. CQT trung ương có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống chính sách thuế TNDN, chính sách quản lý thuế TNDN, các quy trình quản lý thuế để áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm triển khai áp dụng và thực hiện hoạt động hành thu, quản lý thu nhất quán trên phạm vi địa bàn được phân công.
Ba là nguyên tắc công khai, minh bạch: Chính sách thuế của Nhà nước có tác động lớn đến toàn xã hội thông qua tác động từ thu nhập, tiêu dùng, tiết kiệm đến đầu tư của NNT. Vì vậy, nguyên tắc công khai, minh bạch trong QLT rất quan trọng, nhằm phát huy vai trò kiểm tra, kiểm soát của toàn xã hội đến công tác quản