1.1. Khái niệm và đặc điểm của thuế
1.1.2. Đặc trưng của thuế
Thuế tồn tại với những thuộc tính, đặc trưng riêng biệt giúp ta phân biệt thuế với các công cụ tài chính khác của Nhà nước. Những đặc trưng đó bao gồm: tính bắt buộc, tính không hoàn trả trực tiếp và tính pháp lý cao.
a. Tính bắt buộc
Tính bắt buộc là một thuộc tính cơ bản vốn có của thuế để phân biệt giữa thuế với các hình thức động viên tài chính khác của ngân sách Nhà nước (phí, lệ phí, công
trái,...). Tính bắt buộc của thuế không mang tính chất hình sự và không nảy sinh từ các hành vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích của Nhà nước hoặc cộng đồng.
Trái lại, việc đóng thuế là nghĩa vụ đóng góp được pháp luật thừa nhận và được cả xã
hội tôn vinh.
Theo nhà kinh tế học nổi tiếng Joseph E. Stiglitz (2000), “Thuế khác với đa số những khoản chuyển giao tiền từ người này sang người kia: Trong khi tất cả những
khoản chuyển giao đó là tự nguyện thì thuế lại là bắt buộc”. Đối tượng nộp thuế bắt
buộc phải tuân thủ các quy định pháp luật về kê khai và nộp thuế. Đối tượng nộp thuế
không thể tự ấn định hay thoả thuận mức thuế mà phải chấp thuận mức thuế cũng như
thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật. Những đối tượng vi phạm luật thuế sẽ bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hoặc cưỡng chế thi hành theo quy định của
pháp luật.
b. Tính không hoàn trả trực tiếp
Tính chất không hoàn trả trực tiếp của thuế được thể hiện ở cả trước và sau khi Nhà nước thu thuế. Trước khi thu thuế, Nhà nước không hứa hẹn cung ứng trực tiếp một dịch vụ công cộng nào cho người nộp thuế. Sau khi nộp thuế, người nộp thuế
cũng không nhận được sự bồi hoàn trực tiếp nào từ Nhà nước. Ngoài ra, người nộp thuế không thể phản đối việc thực hiện nghĩa vụ thuế với lý do họ không được hoặc ít được sử dụng các lợi ích trực tiếp từ Nhà nước. Thay vì hoàn trả trực tiếp, thuế sẽ được hoàn trả gián tiếp cho người nộp thuế thông qua các dịch vụ công cộng của Nhà
nước và đây cũng chính là điểm khác biệt giúp ta phân biệt thuế với các khoản phí, lệ phí, tín dụng Nhà nước.
c. Tính pháp lý cao
Đặc trưng pháp lý cao của thuế được quyết định bởi quyền lực chính trị của Nhà nước. Nhà kinh tế học Joseph E. Stiglitz (2000) đã cho rằng: “Việc chuyển giao bắt buộc này giống như là ăn trộm, chỉ có một điểm khác chủ yếu là: trong khi cả hai
cách chuyển đều là không tự nguyện, thì cách chuyển qua Chính phủ có mang tấm áo
choàng hợp pháp và sự tôn trọng do các quá trình chính trị ban cho”
Theo học thuyết về Nhà nước của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Nhà nước là một tổ chức chính trị, đại diện cho quyền lợi của giai cấp thống trị, thi hành các chính sách do giai cấp thống trị đặt ra để cai trị xã hội. Song song với sự ra đời của Nhà nước là sự xuất hiện nhu cầu về vật chất để Nhà nước tồn tại và thực hiện chức năng của mình, tức là cần sự đóng góp của công chúng. Bởi vậy, Nhà nước sử dụng quyền lực của mình ấn định nghĩa vụ nộp thuế của công dân và sử dụng toàn bộ các công cụ cưỡng chế để đảm bảo công dân sẽ thực thi nghĩa vụ này. Tuy nhiên, để có thể “thu được lượng lông ngỗng lớn nhất mà bỏ ra ít sức lực nhất” thì những quy định của pháp luật cũng không được mang tính tùy tiện mà phải dựa trên những cơ sở khoa học nhất định. Vì vậy, luật thuế thường có các quy định cụ thể về đối tượng chịu thuế,
đối tượng nộp thuế, mức thuế phải nộp, thời hạn cụ thể và những chế tài mang tính cưỡng chế khác.