1.1. Khái niệm và đặc điểm của thuế
1.1.3. Chức năng của thuế
Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, thuế luôn thực hiện hai chức năng cơ bản, đó là: huy động nguồn lực tài chính cho Nhà nước và điều tiết nền kinh tế vĩ mô.
a. Huy động nguồn lực tài chính cho Nhà nước
Ngân sách Nhà nước được tập hợp từ nhiều nguồn thu khác nhau, nhưng thông
thường số thu về thuế chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số thu NSNN. Kể từ khi xuất hiện đến nay, thuế luôn mang công dụng là một phương tiện huy động động viên
nguồn lực tài chính cho Nhà nước và đây cũng chính là chức năng cơ bản của thuế, đặc trưng cho tất cả các dạng Nhà nước. Về mặt lịch sử, chức năng huy động nguồn lực tài chính là chức năng đầu tiên, phản ánh nguyên nhân nảy sinh ra thuế.
Sự phát triển và mở rộng các chức năng của Nhà nước đòi hỏi phải tăng cường
chi tiêu tài chính, do đó vai trò huy động nguồn lực tài chính của thuế ngày càng trở nên quan trọng hơn. Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, tỷ trọng các khoản thu từ thuế thường chiếm trên 80% tổng thu ngân sách. Tương tự, tại Việt Nam, từ năm 2006, tỉ trọng thu thuế trong tổng thu ngân sách của Việt Nam đều giữ vững ở mức trên 80%, ngoại trừ trong vài năm gần đây, tỉ trọng này giảm xuống còn 75% do thu từ phí, lệ phí và các nguồn thu khác tăng lên tương đối trong cơ cấu thu ngân sách. Như vậy, ta có thể kết luận rằng thuế đã và đang là nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn nhất
trong ngân sách các nước có nền kinh tế thị trường.
b. Điều tiết kinh tế vĩ mô
Trước tiên, về nguyên tắc, gánh nặng thuế cần được phân chia một cách công bằng và thuế có vai trò phân phối lại thu nhập đối với các tầng lớp khác nhau trong xã hội nhằm đạt mục tiêu công bằng xã hội. (Công bằng theo chiều ngang, công bằng
theo chiều dọc). Để có thể đạt được những mục tiêu này, thuế cần phải quy định rõ về các hình thức thu thuế khác nhau, xác định đúng, đủ đối tượng chịu thuế và đối
tượng nộp thuế, xây dựng chính xác các mức thuế phải nộp có tính đến khả năng của người nộp thuế, sử dụng linh hoạt các ưu đãi và miễn, giảm thuế.
Tiếp theo, thuế có thể được sử dụng như một công cụ nhạy bén góp phần kiềm
chế lạm phát, ổn định giá cả, kích thích đầu tư tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Khi lạm phát nảy sinh, Nhà nước có thể điều chỉnh tăng thuế tiêu dùng hoặc giảm thuế đầu vào tùy thuộc vào việc nguyên nhân lạm phát đến từ cầu kéo hay chi phí đẩy. Ngoài ra, sự điều chỉnh tăng, giảm thuế cũng có thể hạn chế đầu tư tư nhân khi nền kinh tế quá nóng hoặc ngược lại, kích thích đầu tư, tiêu dùng giúp cho nền kinh tế hồi phục nhanh hơn. Như vậy, bằng cách điều tiết và kích thích, chức năng điều tiết kinh tế của thuế đã được thực hiện.
Cuối cùng, thuế còn là một công cụ hữu ích nhằm đạt mục tiêu bảo hộ sản xuất
nội địa và duy trì, tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội
nhập quốc tế. Mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu có thể giảm bớt lợi thế giá cả của
hàng hóa nước ngoài, trái lại, biểu thuế suất thấp có tác dụng khuyến khích nhập khẩu
những hàng hóa thiết yếu bù đắp cho sự thiếu hụt của nền kinh tế, đồng thời nâng cao
khả năng cạnh tranh của những ngành hàng nội địa. Một hệ thống thuế hợp lý sẽ dựng
lên một hàng rào bảo hộ linh hoạt, hiệu quả, qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh
tranh của toàn bộ nền kinh tế.
Tóm lại, chức năng huy động nguồn lực tài chính và chức năng điều tiết kinh tế luôn có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Nói cách khác, chức năng huy động
nguồn lực tài chính nảy sinh đồng thời với sự ra đời của thuế và được coi là chức năng cơ sở, qua đó quy định sự tác động và sự phát triển của chức năng điều tiết. Ngược lại, nhờ sự vận dụng đúng đắn chức năng điều tiết kinh tế đã làm cho chức năng huy động nguồn lực tài chính của thuế có điều kiện phát triển.