Quản lý sản xuất cà phê ngoài việc dựa vào các chính sách, luật pháp, còn đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của cộng đồng dân cư. Vì họ là những chủ thể hiểu được giá trị môi trường, nguồn lợi và sự phát triển mà chính cuộc sống của họ phải phụ thuộc vào. Nếu không có tính cộng đồng thì việc sản xuất sẽ gặp rất nhiều rủi
ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh. Vì vậy quản lý sản xuất cà phê dựa vào cộng đồng là hết sức cần thiết nhằm để cộng đồng tự kiểm soát lẫn nhau, tăng cường khả năng quản lý nhằm phát triển cà phê bền vững, hỗ trợ và giảm gánh nặng quản lý cho nhà nước. Việc áp dụng mô hình quản lý sản xuất cà phê dựa vào cộng đồng là phương pháp quản lý có hiệu quả mà các nước như Brazil và một số nước Nam Mĩ đã áp dụng.
Quản lý sản xuất cà phê dựa vào cộng đồng là quá trình tự quản lý dựa vào các tổ cộng đồng dân cư được thành lập tự nguyện trong vùng sản xuất cà phê.
- Mục đích của mô hình quản lý sản xuất cà phê dựa vào cộng đồng:
Mục đích của quản lý sản xuất cà phê dựa vào cộng đồng là nhằm phát huy tính cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê, hạn chế các ảnh hưởng về môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi, tuân thủ luật pháp của nhà nước. Kết hợp chặt chẽ với công tác quản lý của chính quyền và các tổ chức xã hội trong phát triển cà phê bền vững.
- Yêu cầu của mô hình quản lý sản xuất cà phê dựa vào cộng đồng:
Để triển khai mô hình cần có sự ủng hộ của chính quyền các cấp. Cần tuyên truyền giáo dục cho hộ sản xuất cà phê tự nguyện tham gia phù hợp với điều kiện của từng vùng trên nguyên tắc đảm bảo và nâng cao lợi ích của người dân.
- Nội dung của mô hình quản lý sản xuất cà phê dựa vào cộng đồng:
Mỗi vùng sản xuất cà phê tập trung được chia thành nhiều tổ cộng đồng dân cư tự quản. Mỗi tổ gồm từ 15 – 30 hộ, có các mối quan hệ ràng buộc về mặt sử dụng hệ thống nước tưới cà phê (nguồn nước ao hồ, sông suối, giếng khoan,…), hệ thống điện, đường giao thông,… và các mối quan hệ xã hội. Các tổ chức được thành lập trên cơ sở sự tình nguyện tham gia quản lý của các hộ vì lợi ích chung. Mỗi tổ bầu người lãnh đạo là những người có uy tín, có năng lực dẫn dắt các hộ triển khai các hoạt động. Dựa trên luật pháp và các quy định của chính quyền, mỗi tổ cần soạn thảo một quy ước quản lý. Quy ước là một văn bản quy định quy tắc xử sự chung trong cộng đồng.
+ Xây dựng tình đoàn kết để xoá đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vận động cộng đồng tham gia hợp tác xã. Xây dựng Quỹ dân lập hỗ trợ rủi ro trong sản xuất cà phê, giúp đỡ hộ gặp khó khăn trong sản xuất. Lập, thu, chi quỹ phù hợp pháp luật và khả năng đóng góp của hộ, trang trại sản xuất cà phê. + Bảo vệ tài sản công dân, bảo vệ môi trường, các nguồn nước, tài sản công cộng như hệ thống điện, đường, đập nước, kênh mương,…
+ Bảo vệ trật tự, trị an trên địa bàn, phòng chống các hành vi, ý thức thiếu tính cộng đồng tạo điều kiện cho sâu bệnh lây lan, môi trường ô nhiễm, gây thiệt hại sản xuất, ảnh hưởng đến các hộ gia đình khác. Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các điều khoản quản lý môi trường.
+ Tăng cường vai trò quản lý, liên kết của hộ sản xuất cà phê để giảm các chi phí đầu vào, tránh bị chèn ép giá đầu ra, giảm bớt các khâu trung gian trong tiêu thụ sản phẩm cà phê nhằm thu được lợi ích trong sản xuất kinh doanh cà phê…
+ Giúp nhau tham gia quản lý môi trường, quản lý sâu bệnh, trao đổi kỹ thuật công nghệ trong sản xuất cà phê. Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng trong quản lý sản xuất, cần có quy chế quản lý chung để mọi người cùng thực hiện và giám sát chung, tuyên truyền, phổ biến luật pháp, quy chế quản lý vùng sản xuất cà phê sạch, cà phê chất lượng cao tới tất cả các hộ để nhân dân tiếp thu triển khai.
+ Các hộ trồng cà phê trong tổ giúp nhau áp dụng. Thu thập thông tin và giúp nhau xử lý sự cố trong quá trình áp dụng. Trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức sản xuất cà phê.
+ Thống nhất nội dung, kế hoạch quản lý vùng sản xuất cà phê. Tăng cường quản lý dịch và sâu bệnh lây lan giữa các lô cà phê, đặc biệt phải cô lập ngay những lô cà phê bị phát hiện những sâu bệnh nguy hiểm, không để sâu bệnh phát triển thành đại trà.
+ Quy định các hình thức thưởng đối với hộ gia đình thực hiện tốt quy ước và áp dụng các hình thức giáo dục, phê bình đối với những người vi phạm. Các
thành viên trong tổ cộng đồng có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và kịp thời chỉnh sửa những sai trái, tiêu cực trong việc thực hiện quy ước.