Đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề cần đặc biệt quan tâm để đạt được mục tiêu phát triển cà phê bền vững. Bên cạnh việc đào tạo chính quy thông qua các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp cũng cần đào tạo những kĩ năng cần thiết cho người lao động sản xuất cà phê. Trong đó, chú ý sự gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và thực hành. Ngoài ra cũng cần có những trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động đào tạo.
Công tác khuyến nông cần được coi trọng, tạo thuận lợi giúp người dân sản xuất cà phê đạt hiệu quả cao, giảm thiệt hại rủi ro. Phổ biến các mô hình sản xuất cà phê sạch, cà phê cấp giấy chứng chỉ, các mô hình sản xuất cà phê nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và khả năng lây lan sâu bệnh. Đẩy mạnh phổ biến kỹ thuật, công nghệ cho người trồng cà phê thông qua những chương trình hành động cụ thể.
Một số giải pháp đào tạo
Đào tạo, hội thảo đầu bờ, huấn luyện, tấp huấn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng cà phê chất lượng cao cho người sản xuất cà phê.
Giáo dục cộng đồng thông qua các câu lạc bộ, hội sản xuất cà phê nhằm phổ biến các kiến thức phổ thông về kỹ thuật cho người sản xuất cà phê. Loại hình giáo dục cộng đồng hiệu quả cao, chi phí thấp và thiết thực, góp phần nâng cao trình độ cho người lao động.
Cần phát huy vai trò của các viện nghiên cứu cà phê, các trường đào tạo trong việc truyền bá những kiến thức chuyên môn đến người sản xuất cà phê nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật. Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, trao
đổi thông tin, bồi dưỡng kiến thức khoa học,kỹ thuật, quản lý, xuất bản các tài liệu về sản xuất cà phê.
Hướng dẫn cách thức sản xuất cho người nghèo. Phổ biến cho người nghèo sản xuất cà phê sử dụng công nghệ tiên tiến như cách sử dụng thuốc, hoá chất, cách thu hoạch cà phê đảm bảo tỷ lệ chín. Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật đồng thời giúp hộ sản xuất cà phê trong việc tính toán giảm chi phí sản xuất và thông báo tình hình thị trường đến hộ sản xuất cà phê trong mùa vụ sản xuất từ đó giúp họ có kế hoạch sản xuất cho phù hợp.