Sử dụng hợp lý tài nguyên nước cho sự phát triển cà phê bền vững

Một phần của tài liệu Phát triển cà phê bền vững tại việt nam (Trang 72 - 73)

Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá cả nước yêu cầu sử dụng tài nguyên nước hợp lý thông qua các giải pháp thuỷ lợi là rất cấp bách để đảm bảo được nhu cầu cấp nước cho phát triển đô thị, dân sinh, nước cho phát triển công nghiệp, cho năng lượng, cho nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản,… Yêu cầu này càng phải được khai thác và sử dụng hợp lý đặc biệt đối với cây cà phê vì các quan trắc về khí hậu trên cao nguyên Buôn Ma Thuột cho thấy năng suất cà phê 80% phụ thuộc vào thời gian sinh trưởng 225 ngày, mặc dù đối với năng suất cà phê tối ưu cần có 275 ngày chính vì vậy việc tưới bổ sung trong mùa khô là rất cần để vượt qua thời kì hạn hán từ đầu tháng 12 đến giữa tháng 4.

Dường như lượng nước hiện nay được yêu cầu sử dụng tưới cho cây cà phê vượt quá lượng nước sẵn có trong các hồ chứa. Khi mực nước sông suối bị hạ thấp, nước trong các công trình thủy lợi bị cạn thì một số giếng khai thác từ nước ngầm tầng nông cũng cạn kiệt. Vì vậy các vườn cà phê bị khô hạn đều là những nơi thiếu nguồn nước tưới. Chính vì vậy,muốn phát triển bền vững cây cà phê cần phải khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước.

(1) Trong cung cấp nước phải cân đối nguồn nước cho các nhu cầu đời sống, nước cho đô thị, nước sạch cho nông thôn, nước cho chăn nuôi, nước cho trồng trọt (cho từng cây trồng cụ thể đặc biệt là cấp nước tưới, kỹ thuật tưới cho cây có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như cây cà phê) nước cho phát điện, nước cho công nghiệp, du lịch và nuôi trồng thuỷ sản.

(2) Quy hoạch phát triển tài nguyên nước phải là yếu tố hàng đầu và phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế xã hội trong từng vùng. Có xây dựng quy hoạch toàn diện theo lưu vực và quản lý theo từng vùng thì mới tạo cơ sở phát triển bền vững cho nông nghiệp nói chung và cây cà phê nói riêng.

(3) Tăng cường đầu tư nâng cấp và đảm bảo an toàn cho các công trình hiện có, đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước (ưu tiên cho hồ chứa có dung tích lớn, khoảng 3 triệu m3 trở lên).

(4) Thực hiện kiên cố hoá kênh mương nâng cao hiệu quả các công trình thuỷ

lợi. Bảo vệ môi trường, nguồn nước và chống bồi lắng lòng hồ trong đó cần thực hiện tốt bảo vệ rừng và trồng rừng phòng hộ trong lưu vực.

(5) Nghiên cứu một cách có hệ thống về hiện trạng sử dụng và khả năng khai thác nguồn nước ngầm, cần ưu tiên sử dụng nước ngầm cho mục đích sinh hoạt trước mắt cũng như lâu dài.

(6) Áp dụng các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước ngầm, tạo nguồn cho nước ngầm như: ngăn chặn nạn phá rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, phủ xanh đất trống đồi trọc bằng trồng rừng, tái sinh rừng, trồng các loại cây công nghiệp lâu năm, xây dựng thêm các công trình thuỷ lợi, hồ chứa lớn để ổn định và sử dụng khai thác hợp lý tài nguyên nước ngầm.

(7) Cần thay đổi công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi cho phù hợp với vốn đầu tư và điều kiện tự nhiên của vùng: mỗi hệ thống công trình phải có phương án tiết kiệm nước, mở rộng diện tích tưới, khai thác hết năng lực công trình theo thiết kế, bố trí cây trồng phù hợp khả năng cấp nước của từng công trình, cân đối trước hết đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân, từng bước ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đặc biệt là những vùng nhiều năm thường xảy ra khô hạn. (8) Từng bước thực hiện việc chuyển giao quyền quản lý khai thác sử dụng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ cho các tổ chức, cá nhân trong khu vực được quyền hưởng lợi.

Một phần của tài liệu Phát triển cà phê bền vững tại việt nam (Trang 72 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)