Phú Thọ là tỉnh miền núi phía Bắc, được tái lập năm 1997 theo Nghị quyết Quốc hội kỳ họp thứ 10, khóa IX. Là tỉnh có điều kiện tự nhiên về khí hậu, đất đai, tài nguyên môi trường của cả ba vùng sinh thái, là yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích là 353.455,57 ha, nằm tiếp giáp với các vùng Tây Bắc, Đông Bắc vùng Đồng bằng Bắc bộ. Là tỉnh có hệ thống giao thông đường thuỷ, đường bộ và đường sắt thuận lợi từ các tỉnh Tây Bắc về thành phố Việt Trì (trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh) rồi mới đi Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước; là cầu nối giữa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi Tây Bắc thông qua các tuyến quốc lộ số 2, quốc lộ 32, quốc lộ 70, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tuyến đường sắt Hà Nội – Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai – Côn Minh. Ngoài ra về đường thủy trên các sông: Sông Hồng, Sông Đà, Sông Lô nối các tỉnh Phú Thọ với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc.
Phú Thọ là nơi giao lưu kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật với các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ bao gồm các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lao Cai, Sơn La, Hà Nội. Trong đó các tỉnh Đồng Bằng Bắc Bộ là thị trường lớn tiêu thụ nông lâm sản, giấy và các sản phẩm hoá chất công nghiệp do các nhà máy công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sản xuất ra. Đặc biệt thủ đô Hà Nội rất gần Phú Thọ, đây chính là nơi hỗ trợ, cung cấp thông tin, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ cho tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi và lợi thế đã và đang được phát huy đáp ứng yêu cầu cho phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh Phú Thọ.
Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (một thành phố loại II, 01 thị xã và 11 huyện trong đó 01 huyện nghèo và 09 huyện miền núi); với 277 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 43 xã, 190 thôn bản đặc biệt khó khăn. Trên địa bàn tỉnh có 20 dân tộc, dân tộc thiểu số 211 nghìn người chiếm 16% dân số toàn tỉnh. Có hai tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo.
nhiều di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch và dịch vụ với nhiều loại hình như: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, vườn quốc gia Xuân Sơn, Khu du lịch Ao Châu, khu nước khoáng nóng Thanh Thủy... Tiềm năng về khoáng sản, nguyên liệu sơ chế từ sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp để phụ vụ phát triển công nghiệp tương đối lớn. Đặc biệt, quỹ đất của Phú Thọ có thể phát triển các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp và các đô thị lớn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Phú Thọ phát triển kinh tế - xã hội.
Hình 3.1. Bản đồ hành chính tỉnh Phú Thọ
Bảng 3.1. Hiện trạng sử dụng đất tại tỉnh Phú Thọ
Tổng số (ha) Cơ cấu(%)
Tổng diện tích 353.455,57 100
A. Đất nông nghiệp 297.175,42 84,08
Đất sản xuất nông nghiệp 118.398,45 33,50
Đất lâm nghiệp 170.609,01 48,27
Đất nuôi trồng thủy sản 7.987,59 2,26
Đất nông nghiệp khác 180,37 0,05
B. Đất phi nông nghiệp 53.616,76 15,17
Đất ở 10.521,27 2,98
Đất chuyên dùng 25.666,01 7,26%
Đất tôn giáo, tín ngưỡng 234,82 0,06
Đất nghĩa trang, nghĩa địa 1.398,04 0,4
Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng 15.770,68 4,46
Đất phi nông nghiệp khác 25,94 0,01
C. Đất chưa sử dụng 2.663,38 0,75
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ (2017)