Nội dung phát triển du lịch cộng đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch cộng đồng tại huyện mộc châu, tỉnh sơn la (Trang 30 - 33)

Phần 1 Mở đầu

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.3. Nội dung phát triển du lịch cộng đồng

Xuất phát từ những các vấn đề lý luận phát triển, du lịch, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, nội dung phát triển du lịch cộng đồng gồm có:

2.1.3.1. Quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng

Quy hoạch phát triển du lịch phải được xác định trên cơ sở quy hoạch phát

triển kinh tế, xã hội của địa phương và của đất nước. Khi thực hiện quy hoạch cần phải xem xét đến những vấn đề như: Khu vực dự kiến quy hoạch phát triển du lịch có phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và khu vực; điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch; Có những đặc tính vùng, độc đáo, đặc sắc, tính hấp dẫn về du lịch; cơ sở vật chất phục vụ du lịch có đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai.... (Dương Đình Hiển, 2011). Để thực hiện được công tác quy hoạch thì cần thiết phải có sự tham gia của các chủ thể sau:

Thứ nhất: Lập quy hoạch phải có sự tham gia của cộng đồng địa phương, những người đã và đang sử dụng các tài nguyên tự nhiên, có truyền thống lịch sử, văn hoá và thói quen sinh hoạt. Sự tham gia của cộng đồng phải bình đẳng trong việc sử dụng đất và các tài nguyên vốn là sở hữu của cộng đồng. Chính sự tham gia của cộng đồng trong việc quy hoạch du lịch góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng vào việc gìn giữ, bảo tồn, phát triển môi trường, bản sắc văn hoá nhằm phát triển du lịch.

Thứ hai: Phải có sự tham gia của các nhà chuyên môn trong việc xây dựng quy hoạch, đó là các nhà sinh vật học, nhân chủng hoc, địa lý học, văn hoá học và các nhà chuyên môn về du lịch.

Thứ ba: Cần có sự tham gia của doanh nghiệp du lịch và các nhà đầu tư. Căn cứ vào nhu cầu và hoàn cảnh của thị trường các doanh nghiệp sẽ đóng góp những vấn đề trong quy hoạch phát triển sao cho hoạt động kinh doanh có hiệu quả và bền vững.

Thứ tư: Sự hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và chính quyền địa phương. Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương sẽ phê duyệt các bản quy hoạch phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, khu vực. Đồng thời ban hành cơ chế, chính sách, hỗ trợ tài chính cho việc phát triển quy hoạch.

Để đánh giá tính bền vững của du lịch cần chú trọng đến công tác quy hoạch, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng mất ổn định, cảnh quan thiên nhiên bị tàn phá, môi trường bị xâm hại, không gian kiến trúc du lịch bị phá vỡ là do thiếu quan tâm đến công tác quy hoạch. Vì vậy, để phát triển du lịch bền vững công việc quan trọng là phải có quy hoạch, kế hoạch trên cơ sở đó đảm bảo việc đầu tư cho du lịch hình thành và phát triển bền vững.

2.1.3.2. Tổ chức đầu tư, huy động vốn đầu tư phát triển du lịch cộng đồng

Để đạt được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh du lịch cần phải có sự đầu tư, khả năng đầu tư nâng cao, ổn định và hợp lý thì tính bền vững trong quá trình phát triển nhìn từ góc độ kinh tế ngày càng được đảm bảo và phát huy được hiệu

quả đầu tư cho du lịch. Trong phát triển du lịch, ngoài các yếu tố có sẵn như:

điều kiện tự nhiên, địa hình, khí hậu...thì đầu tư hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển du lịch có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành, trong đó vốn đầu tư có vai trò quyết định (Nguyễn Đình Hòe, 2001).

Nguồn vốn đầu tư được huy động từ nhiều nguồn thông qua các chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước như cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực du lịch để tạo ra nguồn vốn dồi dào, bên cạnh đó động viên các doanh nghiệp, các nhà tài trợ…tham gia hình thành quỹ phát triển du lịch để thực hiện và triển khai các chính sách quản lý du lịch của Nhà nước (Nguyễn Đình Hòe, 2001).

2.1.3.3. Quản lý tài nguyên du lịch và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cộng đồng

Việc phát triển du lịch bền vững đòi hỏi phải quản lý bảo tồn, tôn tạo và phát triển tất cả các dạng tài nguyên để có thể đáp ứng cho các nhu cầu về kinh tế, xã hội, môi trường, thẩm mỹ… mà vẫn duy trì được bản sắc văn hóa dân tộc, sự đa dạng sinh học, đảm bảo sự phát triển bền vững ở thế hệ hiện nay và mai sau. Để tiến hành khai thác được các tài nguyên du lịch phải tạo ra được hệ thống cơ sở vật chất tương ứng. Hệ thống cơ sở vật chất này được tạo ra nhằm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch bởi năng lực và tính tiện ích của nó. Có ba yếu tố cấu thành để tạo nên sản phẩm và dịch vụ du lịch nhằm thoả mãn nhu cầu du khách. Đó là: Tài nguyên du lịch; cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch, cơ sở hạ tầng và lao động trong du lịch. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cần phải được quan tâm phát triển đồng bộ như hệ thống giao thông, hệ thống điện, cung cấp nước sinh hoạt, mạng lưới bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục…là động

lực để du lịch phát triển một cách bền vững (Nguyễn Đình Hòe, 2001).

2.1.3.4. Phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng

Phát triển sản phẩm du lịch không chỉ chú trọng đến quy mô, số lượng các doang nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch...kết hợp với sự tăng trưởng về doanh thu, số lượng khách đến lưu trú mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Để phát triển du lịch bền vững, các sản phẩm du lịch phải phong phú đa dạng để phục vụ đảm bảo nhu cầu của du khách vì vậy cần có chiến lược đầu tư về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, có chiến lược đầu tư khai thác đồng thời trùng tu, tôn tạo những danh thắng hiện hữu cũng như thực hiện một số biện pháp hữu hiệu để phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Những sản phẩm của du lịch không chỉ thu hút nhiều du khách mà còn làm tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách, ngoài ra còn mở rộng không gian du lịch làm tăng sức chứa của khu du lịch, nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm duy trì chất lượng các dịch vụ một cách tốt nhất (Nguyễn Văn Lưu, 2006).

2.1.3.5. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng

Chất lượng nguồn nhân lực sẽ góp phần đưa các sản phẩm, ý tưởng, chiến lược phát triển, marketting có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh, thu hút khách du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của ngành du lịch, do vậy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần: đánh giá được nhu cầu đào tạo; xác định được chương trình đào tạo phù hợp và đánh giá, kiểm định kết quả đào tạo (Nguyễn Văn Lưu, 2006).

Do việc phát triển du lịch trong những năm gần đây được phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu nên đội ngũ lao động phục vụ tại các khu du lịch so với yêu cầu còn thiếu về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó lao động còn mang tính thời vụ cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa được đào tạo bài bản, hệ thống cho nên chất lượng phục vụ hạn chế lớn. Vì vậy, việc đào tạo để phát triển nguồn nhân lực là việc rất cấp thiết không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ mà còn làm cho du lịch phát triển một cách bền vững (Nguyễn Văn Lưu, 2006).

2.1.3.6. Chính sách quản lý du lịch cộng đồng

Để phát triển du lịch bền vững cần xây dựng và thực hiện một số nội dung chính sách, quy chế, hệ thống, tiêu chuẩn phù hợp và khai thác sử dụng các tài nguyên du lịch và môi trường du lịch, sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý du lịch. Thực hiện sự quản lý của Nhà nước về du lịch là sự kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước về các mặt như những lĩnh vực cần được khuyến khích

cần phải hạn chế không để xẩy ra tình trạng tăng trưởng quá “nóng”, ảnh hưởng đến cung cầu du lịch. Các cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và có những biện pháp chế tài đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm chính sách quản lý của Nhà nước (Bùi Thị Hải Yến, 2008).

2.1.3.7. Liên kết trong du lịch cộng đồng

Việc liên kết là hết sức cần thiết để khai thác và bổ sung những mặt mạnh mặt yếu lẫn nhau giữa các vùng, các khu du lịch giữa các doanh nghiệp hoạt động du lịch với nhau để cùng phát triển làm nổi bật được những nét đặc trưng của từng địa phương, hạn chế trùng lặp sản phẩm du lịch để cảm giác nhàm chán cho khách du lịch. Việc liên kết giữa cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp hoạt động du lịch thông qua sự hưởng lợi của người dân với các doanh nghiệp như giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cá nhân, nâng cao trình độ giao tiếp với khách, ngược lại cộng đồng dân cư chính là người bảo vệ các điều kiện, môi trường để du lịch phát triển bền vững (Nguyễn Văn Lưu, 2006).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch cộng đồng tại huyện mộc châu, tỉnh sơn la (Trang 30 - 33)