Vai trò, đặc điểm và nguyên tắc phát triển du lịch cộng đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch cộng đồng tại huyện mộc châu, tỉnh sơn la (Trang 25 - 30)

Phần 1 Mở đầu

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.2. Vai trò, đặc điểm và nguyên tắc phát triển du lịch cộng đồng

2.1.2.1. Vai trò của du lịch cộng đồng

Sự phát triển của loại hình DLCĐ có tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, tác động tích cực đến cộng đồng dân cư làm du lịch trên các phương diện cơ bản sau:

* Về mặt kinh tế

Phát triển du lịch cộng đồng thực hiện xuất khẩu “vô hình” các sản phẩm du lịch với hiệu quả kinh tế cao, có giá trị tự nhiên và giá trị văn hoá thông qua việc thu hút khách đến tham quan và thưởng thức các giá trị đó. Các giá trị văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể là tài sản của địa phương và cộng đồng cần được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Những giá trị này không mang ra thị trường bán mà chỉ có thể thu hút khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng (Võ Quế, 2006).

Phát triển DLCĐ thực hiện “xuất khẩu tại chỗ” các sản phẩm của ngành (nông nghiệp, công nghiệp v/v…), các giá trị văn hoá mang tính vật thể từ văn hoá ẩm thực đến mua sắm các vật lưu niệm và hàng hoá của cộng đồng địa phương.

Phát triển DLCĐ tạo động lực để thúc đẩy các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân phát triển thông qua thị trường tiêu thụ các sản phẩm của ngành; là động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp, công nghiệp chuyển sang phát triển dịch vụ thu hút lực lượng lao động và tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các ngành khác (Võ Quế, 2006).

Phát triển DLCĐ còn có vai trò quan trọng nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy các ngành nghề thủ công, các làng nghề truyền thống của địa phương nhằm mục đích tạo cho khách thăm quan du lịch tìm hiểu và kích thích mua sắm những sản phẩm của địa phương.

* Về mặt văn hoá

Việc phát triển DLCĐ góp phần giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc của từng địa phương đến du khách trong và ngoài nước, giúp tăng cường giao lưu vùng.

Không chỉ khai thác các giá trị di sản văn hoá, truyền thống lịch sử mà phát triển DLCĐ còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá cho các thế hệ sau. Đồng thời thúc đẩy việc nâng cao nhận thức và văn minh cho người dân

thông qua việc mở rộng tầm nhìn, tăng cường hiểu biết cho người dân, nâng cao lòng tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, văn hoá địa phương (Võ Quế, 2006).

* Về mặt xã hội

Loại hình DLCĐ ra đời tạo ra được nhiều công ăn, việc làm cho người dân địa phương. Thực hiện việc xoá đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa những nơi không có điều kiện để phát triển các loại hình kinh tế khác. Du lịch cộng đồng giúp thay đổi cơ cấu việc làm địa phương, cải thiện chất lượng lao động, giảm di cư từ nông thôn ra các đô thị (Võ Quế, 2006).

Phát triển DLCĐ là một trong những phương tiện nhằm giáo dục có hiệu quả đối tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần tự hào truyền thống văn hoá, lịch sử nâng cao trách nhiệm trong việc phát huy và bảo tồn các giá trị vật thể, phi vật thể của địa phương (Võ Quế, 2006).

* Về mặt môi trường

Phát triển DLCĐ nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Bản thân cộng đồng dân cư nơi phát triển DLCĐ bắt buộc phải gìn giữ môi trường tự nhiên xanh - sạch - đẹp nhằm thu hút khách du lịch. Về môi trường xã hội, giáo dục cộng đồng cần phải tôn trọng, ứng xử văn minh, lịch sự và biết giữ chữ tín với du khách (Dương Đình Hiển, 2011).

Bên cạnh vai trò to lớn do phát triển DLCĐ mang lại đối với đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, cộng đồng thì việc phát triển DLCĐ cũng có những tác động tiêu cực. Việc phát triển du lịch cộng động chữa đựng nhiều mâu thuẫn phức tạp, ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nó còn gây ra “ô nhiễm du lịch” (ô nhiễm môi tường tự nhiên và môi trường xã hội). Tuy nhiên, xét trên mọi phương diện và giá trị to lớn do du lịch cộng đồng mang lại thì phát triển DLCĐ là hướng đi đúng cho những địa phương ở vùng sâu, vùng xa kinh tế còn nhiều khó khăn (Dương Đình Hiển, 2011).

2.1.2.2. Đặc điểm của du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng có những đặc điểm phân biệt với các loại hình du lịch khác: Cộng đồng địa phương là chủ thể của mọi hoạt động giữ gìn bản sắc văn hoá, bảo tồn khai thác tài nguyên môi trường du lịch, các hoạt động du lịch trong quá trình phát triển; cộng đồng địa phương sử dụng dịch vụ tại chỗ, phát triển giá trị văn hoá bản địa.

Cộng đồng địa phương giữ vai trò chủ đạo, duy trì các hoạt động kinh doanh du lịch như kinh doanh lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách du lịch và kinh doanh các dịch vụ, hàng hóa, vui chơi, giải trí, hướng dẫn, tư vấn các hoạt động kinh tế và xã hội liên quan đến du lịch của địa phương. Phát triển du lịch cộng đồng đồng nghĩa với việc công nhận quyển sở hữu hợp pháp trong việc bảo tồn môi trường và khai thác tài nguyên du lịch nhằm hạn chế, giảm thiểu bởi tác động tiêu cực của khách du lịch và chính bản thân cộng đồng địa phương (Dương Đình Hiển, 2011).

Địa điểm diễn ra DLCĐ là nơi cư trú hoặc gần nơi cư trú của cộng đồng địa phương - đây là nơi có nguồn tài nguyên du lịch đã và đang được khai thác phục vụ cho nhu cầu du lịch. Cộng đồng dân cư phải là người dân làm ăn, sinh sống trong hoặc liền kề với các điểm tự nhiên du lịch, đồng thời cộng đồng dân cư phải có quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia khai thác và bảo vệ tự nhiên du lịch, ngăn ngừa các tác động xấu từ các hoạt động kinh doanh du lịch và từ các hoạt động của du khách.

Du lịch cộng đồng còn bao gồm các yếu tố trợ giúp của cơ chế chính sách, của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức, các cá nhân, các công ty lữ hành… nhằm phát huy lợi thế nguồn lực phát triển du lịch tại nơi có dân cư sinh sống gắn với nguồn tài nguyên du lịch (Võ Quế, 2006).

Du lịch cộng đồng là công cụ tham gia trong việc giảm nghèo của cộng đồng, tạo việc làm cho cộng đồng địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương thông qua bán các sản phẩm du lịch, tạo ra thị trường hàng hóa và dịch vụ, góp phần phát triển du lịch, nâng cao hình ảnh của điểm đến du lịch (Bùi Thị Hải Yến, 2008).

2.1.2.3. Nguyên tắc phát tiển du lịch cộng đồng

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội đương đại, phát triển du lịch cộng đồng có nguyên tắc nhất định sau:

Phát triển du lịch phù hợp với định hướng phát triển tổng thể kinh tế – xã hội; đảm bảo tính khả thi cân đối cung và cầu du lịch, phát huy lợi thế từng vùng miền, địa phương, hiệu quả tài nguyên, đáp ứng nhu cầu du lịch. Thực hiện việc phát triển du lịch vào trong quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cấp quốc gia và địa phương.

Khai thác, sử dụng nguồn lực một cách bền vững: Việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn là hết sức cần thiết. Dù dưới bất cứ hình thức du lịch nào, môi trường thiên nhiên và văn hóa địa phương đều phải chịu những sức ép hữu hình và vô hình, cộng đồng phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của môi trường tự nhiên và văn hóa địa phương đối với cuộc sống của họ và hoạt động du lịch mà họ đang cung cấp, về những tác động của DLCĐ đối với nền văn hóa của họ để có kế hoạch khai thác và bảo vệ hợp lý. Việc tôn trọng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sắc thái văn hóa địa phương (tính độc đáo của địa phương, chẳng hạn như địa hình, khí hậu, kiến trúc, nghệ thuật, ẩm thực, lối sống v.v.) sẽ là động lực và nền tảng cho sự tái tạo nguồn tài nguyên cho hoạt động du lịch. Do đó, cộng đồng không những phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cung cấp các trải nghiệm du lịch hành công, mà còn phải hiểu các tác động tích cực, tiêu cực của du lịch mà có thể ảnh hưởng đến họ, đến môi trường tự nhiên sự thiếu quy hoạch và quản lý. Để tránh những tác động có hại đến kinh tế, xã hội và môi trường du lịch, việc tìm kiếm một mô hình du lịch bảo tồn đã dẫn đến sự ra đời của du lịch bền vững lấy phối hợp giữa sinh thái và văn hoá làm tâm điểm, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí vừa nâng cao giá trị cuộc sống. Cộng đồng phải chủ động xây dựng kế hoạch kích thích kinh tế địa phương bằng cách tạo ra thu nhập thông qua việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương mình; đồng thời phải biết sáng tạo trong nắm bắt nhu cầu du khách để chủ động cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả và công bằng. Bên cạnh nguồn lực vật chất, doanh thu từ du lịch cộng đồng giúp duy trì phát triển văn hóa và truyền thống bản địa trong một thế giới thay đổi nhanh chóng (Bùi Thị Hải Yến, 2008).

DLCĐ phải đặt lợi ích của công đồng lên trên. Các thành viên cộng đồng tham gia lập kế hoạch, thực hiện và quản lý các hoạt động du lịch của cộng đồng mình. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác chuẩn bị, tổ chức và thực hiện các hoạt động du lịch được chú trọng. Các lợi ích được chia đều cho các bên bao gồm các công ty lữ hành và các thành viên cộng đồng. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản tạo ra sự khác biệt giữa du lịch cộng đồng với các loại hình du lịch khác. Cộng đồng địa phương là những người trực tiếp sống trên địa bàn du lịch cộng đồng và họ cũng chính là người trực tiếp thấy được sự biến

đổi (tăng hay giảm) của hệ sinh thái, môi trường, văn hóa của khu vực.Phát triển

DLCĐ khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động du lịch và chia sẻ lợi ích từ các hoạt động cho thuê nhà nghỉ, làm hướng dẫn viên du lịch, sản xuât các

mặt hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống … Kết quả là đời sống của người dân ít phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, đồng thời họ sẽ thấy được lợi ích của việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Giảm sự tiêu thụ quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải: Sẽ tránh được những chi phí tốn kém cho việc hồi phục tổn hại về môi trường và đóng góp cho chất lượng của du lịch. Duy trì tính đa dạng của đa dạng thiên nhiên, đa dạng xã hội và đa dạng văn hóa: Là cốt yếu cho du lịch phát triển bền vững lâu dài, và cũng là chỗ dựa vững chắc để phát triển ngành công nghiệp du lịch.

Phát triển du lịch phải hỗ trợ kinh tế địa phương phát triển. Chia sẻ lợi ích từ du lịch cộng đồng đòi hỏi cộng đồng có thể chấp nhận được các lợi ích giống như các đối tác liên quan khác. Không những lợi ích được chia đều cho các bên tham gia (doanh nghiệp, cộng đồng) mà doanh thu từ DLCĐ, một phần để đóng góp vào quỹ cộng đồng để duy tu, cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch và hoạt động dân sinh. Trên thực tế, việc bảo tồn thiên nhiên và văn hóa địa phương có mối quan hệ mật thiết với việc lập kế hoạch phát triển của cơ sở hạ tầng cho các hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (nhà ở, đường giao thông, vườn hoa...) trên nguyên tắc hài hòa.

Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực: Việc đào tạo nguồn nhân lực trong đó có lồng ghép vần đề phát triển du lịch bền vững vào thực tiễn công việc và cùng với việc tuyển dụng lao động địa phương ở mọi cấp sẽ làm tăng chất lượng các sản phẩm du lịch.

Tiếp thị du lịch một cách có trách nhiệm: Việc tiếp thị, cung cấp cho khách du lịch những thông tin đầy đủ và chính xác sẽ nâng cao sự tôn trọng của du khách đối với môi trường thiên nhiên, văn hóa và xã hội ở nơi tham quan, đồng thời sẽ làm tăng thêm sự hài lòng của du khách. Du khách có thể trải nghiệm sự đa dạng và phong tục của nền văn hóa địa phương, và quan trọng hơn là để tương tác với cộng đồng. Cộng đồng là người “chủ nhà” thật sự, họ là những người chia sẻ với du khách những điểm sáng thực hành văn hóa địa phương để du khách được tiếp cận, tìm hiểu và chia sẻ văn hóa truyền thống của họ một cách xác thực nhất. Họ trực tiếp chia sẻ các tri thức dân gian trong các bình diện của đời sống dân sinh như ẩm thực, âm nhạc, văn học dân gian, phong tục – tập quán, nghề truyền thống, phong cách sống… Cả du khách và cộng đồng văn hóa đối xử với nhau bằng sự tôn trọng.

Coi trọng công tác nghiên cứu, tiếp tục nghiên cứu và giám sát các hoạt động du lịch thông qua việc sử dụng và phân tích có hiệu quả các số liệu là rất

cần thiết để giúp cho việc giải quyết những vấn đề tồn đọng và tương lai lợi ích cho các điểm tham quan du lịch (Bùi Thị Hải Yến, 2008).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch cộng đồng tại huyện mộc châu, tỉnh sơn la (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)