Đánh giá hiệu quả phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Mộc Châu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch cộng đồng tại huyện mộc châu, tỉnh sơn la (Trang 100 - 103)

Phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, tài nguyên du lịch của huyện Mộc Châu. Khi cộng đồng làm du lịch sẽ huy động được nguồn nội lực của nhân dân, khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng, tài nguyên du lịch địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng. Nếu như trước đây kinh doanh du lịch tại Mộc Châu chỉ mang tính chất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ thì hiện nay các hộ làm du lịch cộng đồng đã hoạt động du lịch theo hướng thị trường và dần chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh những khó khăn mà du lịch đang đối mặt, thì phát triển du lịch cộng đồng đã bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể với Mộc Châu.

4.2.9.1. Hiệu quả kinh tế

Phát triển DLCĐ mang lại cho địa phương cơ hội lớn trong quá trình chuyển đổi từ nền chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế dựa vào dịch vụ. Nhiều gia đình dân tộc nghèo khó trước kia chỉ sống bằng nông nghiệp nay đã được cải thiện đời sống nhờ du lịch. Thu nhập chính của đồng bào dân tộc phụ thuộc vào trồng trọt (lúa, ngô, sắn), hái lượm và nghề thủ công, trong đó chủ yếu là trồng trọt. Hầu hết mức sống, nguồn thu nhập của người dân nhờ vào trồng trọt và chăn nuôi, còn nghề thủ công chỉ đóng vai trò phụ và luôn phụ thuộc vào trồng trọt nên cuộc sống thiếu thốn nghèo khổ, trong khi Mộc Châu lại chưa phát triển các ngành công nghiệp, nên mức sống của người dân thấp. Nhưng du lịch cộng đồng phát triển, các bản làng Hmông, Thái có cảnh quan đẹp, giữ được bản sắc văn hóa trở thành những điểm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu thì Mộc Châu còn có lợi thế về đa dân tộc và bản sắc văn hóa, do đó phát triển loại hình du lịch cộng đồng không chỉ diễn ra theo mùa vụ mà vẫn duy trì được các mùa trong năm. Do đó, đời sống kinh tế của người dân luôn ổn định, có thu nhập thường xuyên và đã được cải thiện đáng kể.

Bảng 4.22. So sánh thu nhập của hộ trước và sau khi tham gia làm du lịch cộng đồng

STT Chỉ tiêu

Đông Sang Tân Lập Chung

SL (n=40) CC (%) (n=20) SL CC (%) (n=60) SL CC (%) 1 Tăng cao 3 7,50 5 25,00 8 13,33 2 Tăng ít 28 70,00 14 70,00 42 70,00 3 Không tăng 8 20,00 1 5,00 9 15,00 4 Giảm đi 1 2,50 0 0,00 1 1,67

Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra (2017) Đời sống dân bản được nâng cao, giải quyết công ăn việc làm cho phần lớn người lao động tại đây. Cụ thể, trước khi làm du lịch cộng đồng, mức thu nhập của người dân chỉ từ 3- 4,5 triệu đồng/tháng; tương ứng với mức 50 - 60 triệu đồng /năm, nhưng từ khi làm du lịch mức thu nhập tăng lên đáng kể, trung bình mức thu nhập bình quân 110 - 130 triệu đồng/ năm, tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm chưa làm du lịch.

Hoạt động du lịch cộng đồng phát triển, tạo nguồn ngân sách cho địa phương từ các khoản trích nộp ngân sách của các cơ sở du lịch trực thuộc quản lý trực tiếp của địa phương và từ các khoản thuế phải nộp của các doanh nghiệp du lịch kinh doanh trên địa bàn.

Hoạt động du lịch cộng đồng phát triển thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển theo. Từ khi Mộc Châu được công nhận là “khu du lịch Quốc gia” thì cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp kéo theo các ngành dịch vụ có giá trị cao như ngân hàng, dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông … được khai thác và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân.

Hộp 4.1. Hiệu quả kinh tế khi làm du lịch cộng đồng

"Nếu như trước đây nguồn thu của người dân chủ yếu từ trồng trọt, làm nương thu nhập theo mùa vụ, bấp bênh thì từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng nguồn thu ổn định, có chiều hướng năm sau tăng hơn năm trước. Nhiều hộ còn mạnh dạn vay vốn để mở rộng cơ sở kinh doanh".

Phỏng vấn bà: Đinh Thị Hường- trưởng phòng VH - TT huyện Mộc Châu tại UBND huyện Mộc Châu, lúc 10h ngày 14/4/2017

Phát triển du lịch cộng đồng mở ra thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn. Du lịch cũng chính là một mặt hàng “xuất khẩu tại chỗ” những hàng hóa công nghiệp, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, nông lâm sản… theo giá bán lẻ cao hơn, có khả năng thu hồi vốn nhanh và lãi cao do nhu cầu du lịch là nhu cầu cao cấp cần khả năng thanh toán. Mộc Châu có thế mạnh về phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch đã xây dựng thành công thương hiệu và có chỉ dẫn địa lý, tạo uy tín trên thị trường như: chè Ô Long; chè Mộc; rau an toàn Mộc Châu, sữa Mộc Châu…

Du lịch cộng đồng đã góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc làm giảm áp lực của con người lên các nguồn lực tự nhiên và cảnh quan địa phương.

4.1.9.2. Hiệu quả xã hội

Du lịch cộng đồng đã giải quyết được bài toán tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Số nhân khẩu của một gia đình các hộ dân tộc vào khoảng từ 5-7 nhân khẩu/hộ, trong đó lao động chính chiếm từ 40 - 50% nhân khẩu. Nếu như trước khi làm du lịch, lao động trong gia đình chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, hầu hết các thành viên đều tập trung làm nông nghiệp, nhưng khi hết mùa vụ là người dân lại nhàn rỗi và không có thu nhập. Việc tham gia tổ chức DLCĐ đòi hỏi hộ gia đình phải có nguồn nhân lực nhất định. Chính vì thế số nhân khẩu đông là một lợi thế đối với các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng.

Du lịch cộng đồng làm giảm quá trình đô thị hóa, thay đổi cơ cấu việc làm tại địa phương, cải thiện chất lượng lao động, giảm hiện tượng di cư ra các đô thị. Để khai thác và phát triển hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch cần đầu tư về mọi mặt: giao thông, thông tin liên lạc, văn hóa, xã hội…cho nên du lịch phát triển làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội các vùng miền.

Phát triển du lịch cộng đồng tập trung, chuyên nghiệp và có sự điều phối của Ban quản lý du lịch góp phần tạo thu nhập tương đối đồng đều đối với các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ. Phát triển hình thức du lịch cộng đồng, đã góp phần giảm bớt khoảng cách giàu nghèo của người dân địa phương. Đồng thời, DLCĐ thúc đẩy sự công bằng trong phát triển du lịch với việc mang lại cho toàn bộ cộng đồng những lợi ích từ việc cung cấp các dịch vụ, cơ sở hạ tầng bất kể họ có tham gia tích cực vào du lịch hay không, đồng nghĩa với việc giao thong tốt hơn, được tiếp cận với nguồn nước sạch, hệ thống internet, dịch vụ viễn thông…

4.1.9.3. Hiệu quả môi trường

Phát triển DLCĐ gắn trách nhiệm của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn, tôn tạo các di sản tự nhiên và văn hóa. Bản thân cộng đồng có ý thức hơn trong việc giữa gìn cảnh quan nơi mình sinh sống, có trách nhiệm với tài nguyên vật thể và phi vật thể.

Từ khi du lịch là phát triển trọng điểm của Mộc Châu thì cộng động làm DLCĐ đã thay đổi hẳn tập tục sinh hoạt, không còn tình trạng nuôi, chăn thả trâu bò ngay dưới nơi sinh hoạt của gia đình, có khu nuôi nhốt riêng biệt; nhà vệ sinh đã cải thiện theo hướng hiện đại, sạch sẽ; nguồn nước sinh hoạt cũng được cung cấp theo chương trình nước sạch quốc gia, không tận dụng nguồn nước sông, suối, ao hồ để làm nước sinh hoạt; nhiều hộ bố trí đường nước thải, chất thải chăn nuôi qua hệ thống xử lý rồi mới đưa ra ngoài theo hệ thống xử lý chung của bản.

Hộp 4.2. Hiệu quả môi trường khi làm du lịch cộng đồng

"Từ sau khi Mộc Châu nhận quyết định là khu du lịch Quốc gia, dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, ý thức của người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ cảnh quan cũng như giữ vệ sinh nơi kinh doanh, cứ trú và các điểm công cộng đã được nâng lên rõ rệt; không còn hiện tượng vứt rác sinh hoạt bừa bãi".

Phỏng vấn ông: Nguyễn Thế Hiệu - Trưởng phòng TN - MT huyện Mộc Châu, lúc 10h30 ngày 14/4/2017 tại UBND huyện Mộc Châu.

Rác thải, ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan tự nhiên là các vấn đề được chính quyền địa phương rất quan tâm khi làm du lịch cộng đồng. Với chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, tại các khu vui chơi, giải trí, tại các hộ kinh doanh du lịch đều phải được trang bị thùng đựng rác, nhà vệ sinh đảm bảo đủ tiêu chuẩn và có khu xử lý rác thải cho từng vùng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch cộng đồng tại huyện mộc châu, tỉnh sơn la (Trang 100 - 103)