Kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng trên Thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch cộng đồng tại huyện mộc châu, tỉnh sơn la (Trang 35 - 38)

Phần 1 Mở đầu

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.1. Kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng trên Thế giới

Các nước Châu Á đang trở thành những điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế, nhờ vào sự đa dạng văn hóa, nhất là văn hóa bản địa mang đậm dấu ấn truyền thống. Nắm bắt được những xu thế mới của du lịch thế giới, các nước này đã có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế - trong đó du lịch cộng đồng trở thành một xu hướng chủ đạo, mang đến sự thành công và bền vững trong phát triển của các cộng đồng dân cư địa phương, tạo ra nguồn thu nhập, phát triển xã hội bền vững, trong đó yếu tố tránh gây hại cho tương lai được áp dụng triệt để

2.2.1.1. Sự phát triển du lịch cộng đồng ở làng Sirubari, Nepal

Làng Sirubari thuộc huyện Syangja, tỉnh Ghandruk, cách Pokhara 25km đường bộ và nằm trên đường cao tốc Siddhartha (AH42) – là con đường nối những điểm du lịch nổi tiếng khu vực phía Tây Nepal như Pokhara, Lumbini. Với độ cao ở 1.700m, từ đây có thể nhìn thấy một số đỉnh núi thuộc dãy Himalaya như Machhapure, Dhaulagiri và Annapura. Làng có 480 người thuộc 80 hộ gia đình, trước đây chủ yếu sống dựa vào các khoản thu nhập từ hoạt động quân dịch của những người đàn ông (Tổng dục du lịch, 2005).

Sirubari là làng phát triển du lịch cộng đồng đầu tiên ở Nepal vào năm 1997 và nổi tiếng với những chương trình du lịch bền vững. Hoạt động du lịch được thực hiện dựa vào ý tưởng nghỉ dưỡng tại nông trại ở Úc và Ixaraen. Các chương trình du lịch cộng đồng ở đây có sự hợp tác giữa cộng đồng dân cư và khu vực tư nhân. Với sự chấp thuận của Chính phủ, Ủy ban quản lý và phát triển du lịch làng Sirubari đã được thành lập và liên kết với Công ty du lịch nghỉ dưỡng Nepal (có trụ sở tại Kathmandu) nhằm hỗ trợ làng trong công tác quảng bá, tiếp thị (Tổng dục du lịch, 2005).

Tính đến năm 2006, trong số 80 hộ gia đình đã có 40 hộ tham gia hoạt động trực tiếp vào lĩnh vực du lịch. Hộ gia đình nào muốn tham gia vào chương trình phát triển du lịch cộng đồng tại làng, trước tiên phải dành 2 phòng trong nhà để sửa sang thành phòng lưu trú cho du khách, đồng thời phải xây nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh một số chi tiết trong nhà là có thể phục vụ nhu cầu nghỉ qua đêm của du khách, trong khi ngôi nhà vẫn giữ nguyên được phong cách truyền thống của người Nepal và chủ nhà vẫn sinh sống ở đó bình thường. Công ty du lịch nghỉ dưỡng Nepal chịu trách nhiệm tiếp thị và gửi những đoàn khách du lịch đến làng theo tour nghỉ dưỡng ít nhất 2 đêm. Một nhóm dân làng sẽ đón tiếp khách và hướng dẫn họ tới khu vực trung tâm, cạnh đình làng để sắp xếp chỗ ở. Ủy ban sẽ phân chia khách du lịch về những phòng còn trống. Chủ nhà sẽ cung cấp chỗ ở và 3 bữa ăn mỗi ngày cho du khách. Trên cơ sở thỏa thuận giữa Ủy ban và Công ty, Ủy ban sẽ thu một khoản thuế nhất định cho thời gian lưu trú 2 đêm của khách và sẽ thu thêm tùy vào thời gian lưu trú kéo dài. Ủy ban cũng bố trí người mang vác hành lý cho du khách. Tùy theo thời điểm tham quan, có thể sẽ có lễ đón tiếp khách và chia tay khách, thường được tổ chức thông qua tiệc trà buổi chiều (Tổng dục du lịch, 2005).

Chương trình du lịch nơi đây mang lại cho du khách cơ hội hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng nông thôn thông qua các chương trình văn hóa truyền thống, những tục lệ lâu đời ở Ghandruk. Khách du lịch được thưởng thức cùng chủ nhà những món ăn đặc trưng của người Nepal, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ vào buổi tối, lên ngọn đồi cao nhất làng để ngắm dãy Himalaya từ phía Bắc; đi quanh làng để tham quan cuộc sống, công việc, môi trường xã hội, văn hóa, đời sống tinh thần, những tục lệ của dân làng... (Tổng dục du lịch, 2005).

2.2.1.2. Sự phát triển du lịch cộng đồng của thành phố Hua Hin, Thái Lan

Thực hiện các chương trình áp dụng thay đổi cách thức tiếp cận xu hướng du lịch của thế giới thời hậu hiện đại, ngành du lịch Thái Lan đã chủ động tiếp cận xu hướng tập trung vào lượng khách du lịch có thu nhập cao đến du lịch tại Thái Lan. Hua Hin cách thủ đô Bangkok khoảng 250 km, thủ phủ tỉnh Prachuap Khiri Khan, thành phố có khoảng 50 ngàn dân, một thành phố nghỉ dưỡng, thời tiết ấm quanh năm, có địa hình đa dạng và cũng là nơi có những bãi biển tuyệt đẹp. Hua Hin từng là nơi ở của Hoàng gia Thái Lan, một thị trấn sung túc, với nhiều công viên cây xanh và các di tích lịch sử. Từ Bangkok tới Hua Hin, mất khoảng gần 2 tiếng đi xe buýt, gần 4 tiếng nếu đi tàu hỏa. Đi lại trong Hua Hin có

phương tiện chủ yếu là tuk tuk. Ga tàu hỏa Hua Hin là một trong những ga tàu đẹp nhất ở Thái Lan. Tòa nhà chính của ga bằng gỗ, trước đây từng là một cung điện của Hoàng gia, được xây dựng lại vào năm 1968 (Bùi Việt Thành, 2015).

Người dân ở Hua Hin tham gia vào các hoạt động du lịch khá lớn, bằng nhiều hình thức và góp phần cho du lịch ở đây trở thành một điểm du lịch hết sức độc đáo. Bằng việc sáng tạo ra các sản phẩm lưu niệm đa dạng, mang đặc trưng của vùng Hua Hin, từ đó góp phần quảng bá du lịch cho Hua Hin. Người dân tại Hua Hin được chính phủ hỗ trợ để phát triển du lịch cộng đồng thông qua chính sách hỗ trợ 4P (Products, Price, Place and Promotion), là sự kết hợp của sản phẩm, giá cả, nơi bán và hỗ trợ. Theo khái niệm kinh doanh này, các nhà sản xuất hàng lưu niệm phải xem xét các sản phẩm thỏa mãn được các nhu cầu của người tiêu dùng chưa. Bước tiếp theo đưa sản phẩm đến những nơi thuận tiện cho khách hàng có thể tiếp cận. Từ chính sách này, chiến lược tiếp thị 4Pmang đến sự hài lòng của khách hàng trong việc tiếp cận và mua các sản phẩm, điều này mang lại cho du lịch ở Hua Hin có bước phát triển bền vững (Bùi Việt Thành, 2015).

2.2.1.3. Phát triển du lịch cộng đồng Breitenbush, Bang Oregon, Mỹ

Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Brieitenbush được điều hành bởi cộng đồng Breitenbush (gồm người làm công, ông chủ cùng hợp tác, những người đang sống tại địa phương) từ năm 1981. Khu nghỉ dưỡng này được thành lập với mục đích bảo vệ suối nước nóng và các khu rừng lân cận cho thế hệ tương lai. Và tạo kế sinh nhai cho những người đang sống và làm việc trong khu nghỉ dưỡng (Nguyễn Ngọc Thơ, 2015).

Suối nước nóng lần đầu tiên được sử dụng cho mục đích du lịch từ năm 1920 thế kỷ trước. Tuy nhiên phần phía bên trái không được mở rộng cho tới năm 1977, phần đó được sở hữu bởi chủ đất khác. Với sự giúp đỡ của cộng đồng, việc phục hồi và xây dựng lại cơ sở vật chất theo yêu cầu của khách tham quan. Cộng đồng đã mua lại phần đất này vào năm 1985 và vào năm 1989 một hội đồng của những người lao động được thành lập. Hội người lao động nắm quyền làm kinh doanh suốt thời gian đó cho tới hiện tại (Nguyễn Ngọc Thơ, 2015).

Khu nghỉ dưỡng được quản lý bởi những người sống trong cộng đồng đó, có khoảng 50 đến 70 người cả người lớn và trẻ em. Những người lao động bán thời gian chỉ được gọi làm việc vào mùa hè, mùa bận rộn trong năm. Khoảng một nửa thành viên trong cộng đồng là người làm và người chủ. Người lao động/người chủ là những người đưa ra những quyết định chính về các hoạt động

kinh doanh và tài chính. Người lao động và người chủ bầu ra một giám đốc điều hành nhằm đảm bảo mọi yếu tố được quản lý một cách hiệu quả nhất (Nguyễn Ngọc Thơ, 2015).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch cộng đồng tại huyện mộc châu, tỉnh sơn la (Trang 35 - 38)