Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.2. Cơ sở thực tiễn về quản lý môi trường làng nghề
2.2.2. Thực trạng công tác quản lý môi trường làng nghề tại một số tỉnh vùng
Đồng Bằng Sông Hồng
2.2.2.1. Hiện trạng xây dựng các chính sách quản lý chung về làng nghề
Luật Bảo vệ môi trường (2005), Điều 38 quy định việc quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề phải gắn với bảo vệ môi trường và giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thống kê đánh giá tình trạng và mức độ ô nhiễm tại các làng nghề trên địa bàn và có kế hoạch giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá tại các tỉnh Đồng Bằng Sông Hồng thì hiện vẫn còn thiếu nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nên khó vận dụng các văn bản của các Bộ/ngành trong điều kiện đặc thù làng nghề CBNS.
Quyết định 132/2000/QĐ-CP ngày 24/11/2000, Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 (Chính phủ, 2000, 2006) khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn có mức độ phát thải thấp, các cơ sở sản xuất nghề phải có phương án xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường và kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất làng nghề gây ô nhiễm môi trường cao ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, ở hầu hết các làng nghề CBNS, các cơ sở sản xuất không xử lý chất thải, địa phương thiếu kinh phí di rời nên không giải quyết được tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường và đang gây nhiều tác động đến hoạt động kinh tế và đời sống của nông dân ở làng nghề và các khu vực phụ cận làng nghề.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2006) đã ban hành Thông tư 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 về quy hoạch và phát triển làng nghề và Bộ Tài chính (2006) ban hành Thông tư số 113/2006/TT-BTC ngày 7/7/2006 hướng dẫn thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP nhưng chủ yếu hướng dẫn về sử dụng ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề và cụm công nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, kết quả khảo sát ở 6 làng nghề cho thấy các quy định này không đi vào thực tiễn tại các tỉnh điều tra như Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình do các Bộ/ngành không cân đối được ngân sách đầu tư từ Trung ương mà dựa hoàn toàn vào nguồn lực địa phương, trong khi ngân sách địa phương rất hạn chế. Hơn nữa, các thông tư hướng dẫn như thông tư 113/2006-TT- BTC ngày 7/7/2006, thông tư 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 còn rất chung chung, mang tính khuyến khích các địa phương là chính mà thiếu các quy định ràng buộc về pháp lý và thiếu cơ chế giám sát trong quá trình thực hiện nên các địa phương có làng nghề điều tra không thực hiện triệt để được các quy định trên. Thực tế, cán bộ từ các cơ quan quản lý địa phương ở Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình cho rằng cho dù có di rời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nhưng cũng khó có thể giữ họ ở lại khu tập trung nếu không có các chính sách hỗ trợ bởi lợi nhuận từ hoạt động nghề thấp, lao động tham gia chủ yếu là lao động gia đình lúc nông nhàn nên khi di dời ra khu sản xuất tập trung, hộ nông dân phải đầu tư lớn, chi phí sản xuất sẽ cao hơn. Do vậy, các địa phương được khảo sát kiến nghị cần nâng cao mức độ tập trung sản xuất làng nghề, trong đó có làng nghề CBNS để hình thành lên các doanh nghiệp nhỏ, có đầu tư lớn, quản lý hiện đại để vừa tăng giá trị sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường và thuận lợi trong quản lý đối với cấp cơ sở.
2.2.2.2. Công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức quản lý môi trường làng nghề
Bộ Chính trị (2004) đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 xác định khắc phục cơ bản nạn ô nhiễm môi trường ở làng nghề, bảo đảm các điều kiện về xử lý môi trường; chủ động có kế hoạch thu gom và xử lý khối lượng rác thải ngày càng tăng. Chính phủ (2005) đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động bảo vệ môi trường làng nghề (Quyết định 34/2005/QĐ- TTg ngày 22/2/2005), trong đó xác định rõ quy hoạch và quản lý môi trường trong phát triển làng nghề, cải thiện ô nhiễm môi trường làng nghề và giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án Bảo vệ môi trường ở làng nghề. Chính phủ (2003b) cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường
đến năm 2020 và định hướng đến 2030 (Quyết định 256/2003/QĐ-TTg ngày 2/12/2003) và xác định cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường làng nghề bằng các biện pháp cải tiến công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý chất thải hoặc quy hoạch các khu sản xuất làng nghề. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2007) đã có chỉ thị số 28/2007/CT-BNN ngày 18/4/2007 về đẩy mạnh quy hoạch làng nghề gắn kết với bảo vệ môi trường. Trong công tác chỉ đạo, điều hành và phân công trách nhiệm, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề và Chương trình mục tiêu quốc gia về cải thiện ô nhiễm và phục hồi môi trường làng nghề. Như vậy, về công tác chỉ đạo, môi trường ở làng nghề đã được Chỉnh phủ và các Bộ, Ngành quan tâm chỉ đạo.
Về phân công trách nhiệm quản lý, khoản 4, điều 121 của Luật bảo vệ môi trường năm 2005 quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ, Cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan đối với sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất thải trong nông nghiệp, đối với giống cây trồng, giống vật nuôi biến đổi gen và sản phẩm của chúng, đối với hệ thống đê điều, thủy lợi, khu bảo tồn, nước sạch phục vụ cho nông thôn, trái với quy định tại khoản 7 Điều 121 Luật Bảo vệ môi trường 2005. Khoản 23, Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3/1/2008 của Chỉnh phủ (2008) lại quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm có cả trách nhiệm thanh tra, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và làng nghề nông thôn. Quy định trong Nghị định này có sự chồng chéo hoặc chưa làm rõ về các lĩnh vực làng nghề trong phân công trách nhiệm quản lý môi trường ở làng nghề đối với các quy định trước đây và Luật bảo vệ môi trường năm 2005. Sự chồng chéo này đã dẫn đến sự lúng túng trong việc giao trách nhiệm quản lý môi trường làng nghề CBNS - nguyên nhân chính gây thiệt hại kinh tế - cho các cơ quan quản lý của địa phương. Cụ thể, tại Bắc Ninh, Ninh Bình, nhiệm vụ quản lý môi trường làng nghề CBNS được giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng ở Nam Định, trách nhiệm này thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (thông qua Chi cục Phát triển nông thôn), trong khi đó ở Hà Nội thì trách nhiệm lại thuộc về Sở Công thương.
Một số lĩnh vực làng nghề như tái chế, vậy liệu xây dựng, sản xuất bao bì nhựa, dụng cụ y tế, bánh kẹo,.. không rõ thuộc phạm vi của Bộ nào, hậu quả là môi trường làng nghề không những không được cải thiện mà ngày càng ô nhiễm trầm trọng hơn, ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động kinh tế và sinh hoạt của nông dân.
2.2.2.3. Hiện trạng công tác tổ chức quản lý môi trường ở làng nghề
Suy giảm chức năng và chất lượng môi trường nông thôn có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế xã hội của hộ nông dân và gây thiệt hại kinh tế cho hộ nông dân. Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ (2009a) về việc quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách về môi trường ở cấp xã. Tuy nhiên, kết quả khảo sát tại 6 xã có làng nghề mới chỉ bố trí được một cán bộ kiêm nhiệm địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường và còn gặp nhiều hạn chế. Kết quả điều tra nông dân, nhóm nông dân và cán bộ xã cho thấy công tác tổ chức quản lý, giám sát môi trường ở làng nghề còn gặp những hạn chế cụ thể sau:
- Quản lý hoạt động sản xuất và môi trường ở làng nghề chưa được thực hiện có tính hệ thống, vẫn mang nặng tính hình thức do những vướng mắc về luật công chức, quy định chức danh cán bộ cấp xã.
- Đội ngũ cán bộ tham gia công tác quản lý môi trường cấp cơ sở vừa mỏng lại yếu về năng lực chuyên môn và thiếu các điều kiện làm việc cần thiết. Tất cả cán bộ kiêm nghiệm quản lý môi trường ở các xã điều tra chưa được đào tạo về nghiệp vụ liên quan đến quản lý môi trường. Kết quả điều tra nông dân cho thấy công tác quản lý ô nhiễm môi trường ở các làng nghề hiện nay mới chỉ thể hiện được một phần trách nhiệm các trưởng thôn, chưa có phân công trách nhiệm giám sát thiệt hại kinh tế do chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất ở các làng nghề.
- Thiếu sự vào cuộc thực sự của các tổ chức chính trị, xã hội ở nông thôn trong quản lý môi trường làng nghề: 6/6 nhóm nông dân ở làng nghề đều đánh giá thấp vai trò và trách nhiệm của các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương trong quản lý môi trường làng nghề. Kết quả điều tra cũng cho thấy 100% số xã được điều tra vẫn chưa có bất kỳ quy định ràng buộc nào về trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội đối với bảo vệ môi trường ở làng nghề.