Xuất một số giải pháp phát triển sản xuất cây dược liệu trên địa bàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất cây dược liệu trên địa bàn huyện tiên yên, tỉnh quảng ninh (Trang 113 - 124)

bàn huyện Tiên Yên đến năm 2020

Trên cơ sở đánh giá về thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản xuất cây dược liệu trên địa bàn huyện Tiên Yên, cũng như việc dựa vào các căn cứ định hướng nêu trên, luận văn mạnh dạn đưa ra một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy sự phát triển nghề sản xuất và chế biến cây dược liệu huyện Tiên Yên như sau:

4.3.2.1. Giải pháp bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách

Hiện nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất cây dược liệu cụ thể như các chính sách về đất đai, các chính sách hỗ trợ sản xuất, chính sách tín dụng và có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thô, để đáp ứng nhu cầu sản xuất vùng dược liệu hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, có chính sách mới chỉ đề cập đến định hướng, mục tiêu chung mà chưa thực sự có sự gắn kết hài hòa với thực tiễn. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần phải cụ thể hóa các chính sách, đảm bảo tính gắn kết trong triển khai vấn đề đồng thời tiếp tục rà soát, loại bỏ những chính sách không còn phù hợp; điều chỉnh và bổ sung các chính sách còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn.

Để phát triển sản xuất cây dược liệu trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và phát triển sản xuất cây dược liệu đã có của huyện. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng, bổ sung thêm các cơ chế, chính sách tập trung trực tiếp vào các đối tượng tham gia sản xuất, cụ thể như sau:

a. Các chính sách hỗ trợ đối với người sản xuất cây dược liệu

Thực hiện theo Quyết định 2901/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 5/12/2014 về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014-2020. Áp dụng một số nội dung liên quan đến sản xuất cây dược liệu như:

- Hỗ trợ công tác đổi thửa, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động tổ chức hội họp, tuyên truyền, xây dựng và thống nhất phương án cho người dân trồng dược liệu. Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/ha.

- Hỗ trợ đối với cơ sở hạ tầng dùng chung. Nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng dùng chung bao gồm: đường điện trục chính và biến áp, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải;

- Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị sản xuất, chế biến, tiêu thụ và sản xuất cây dược liệu cho các hộ sản xuất thành lập cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Hỗ trợ kinh phí mua giống cây dược liệu (thuộc danh mục các sản phẩm chủ lực của Tỉnh) cho các hộ sản xuất thuộc diện hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa.

- Hỗ trợ kinh phí thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác dược liệu.

b. Các chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cây dược liệu

Thực hiện chính sách về việc ban hành Quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014-2020 (Theo Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Ninh số 2901/2014/NQ-HĐND đã ban hành Quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014-2020). Các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất cây dược liệu sẽ được hỗ trợ như sau:

- Hỗ trợ lãi suất: Nhà đầu tư thực hiện dự án về cây dược liệu được đặc biệt ưu đãi đầu tư, khuyến khích đầu tư được hỗ trợ lãi suất/số dư nợ thực tế đối với các dự án được ngân hàng thương mại ký hợp đồng tín dụng;

- Hỗ trợ đầu tư sản xuất trồng trọt tập trung, phát triển cây dược liệu: Hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, nhà lưới, vật liệu làm giống và mua thiết bị để sản xuất giống cây dược liệu (bao gồm một hoặc nhiều loại giống cây);

- Hỗ trợ nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở sản xuất trồng trọt tập trung, phát triển cây dược liệu như sau: Hỗ trợ chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thu gom và xử lý chất thải, nhà lưới và mua thiết bị.

c. Các chính sách hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất

- Cần hỗ trợ đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ đối với các dự án đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ do cấp huyện phê duyệt được áp dụng nội dung và mức hỗ trợ quy định tại Thông tư số 22/2011/TTLT-BTC- BKHCN ngày 21/02/2012 của Liên Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia, kinh phí mua tài liệu hướng dẫn, phân tích mẫu, một phần kinh phí chuyển giao công nghệ... đối với người sản xuất trong vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất dược liệu thành công;

- Hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, thiết bị công nghệ và dây truyền sản xuất sản phẩm thuộc Chương trình “mỗi xã phường một sản phẩm” khi thực hiện các xã vùng khó khăn.

d. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn sản xuất

- Huy động tối đa nguồn lực xã hội hoá đồng thời dành ngân sách nhà nước hàng năm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng, giống, vật tư, tập huấn,...;

- Tập trung nguồn vốn Ngân sách của tỉnh, Nhà nước đầu tư hạ tầng tại các vùng sản xuất dược liệu để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất;

- Tuyên truyền, vận động người sản xuất cây dược liệu huy động vốn theo cách góp vốn bằng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp, công ty, HTX, nông dân sẽ vừa là công nhân sản xuất nông nghiệp vừa được hưởng lợi từ cổ phần góp vốn đất.

- Hỗ trợ tạo nguồn vốn vay tín dụng, hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho người sản xuất để hộ có thể tăng cường đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất;

- Cải cách thủ tục vay vốn, tăng thời gian vay vốn đủ dài để người vay có thể yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển cho các mục đích đầu tư, cải tạo giống, mua sắm công cụ, dụng cụ sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng,...

4.3.2.2. Giải pháp đầu tư, nâng cấp các nguồn lực phục vụ quy hoạch sản xuất cây dược liệu trên địa bàn huyện

Đây là giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài và quan trọng, cần phải nhanh chóng thực hiện cho mục tiêu phát triển sản xuất cây dược liệu của huyện Tiên Yên nói riêng, của tỉnh Quảng Ninh nói chung. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của huyện, trước hết cần triển khai một số giải pháp đầu tư chất lượng nguồn lực, áp dụng cho quy hoạch sản xuất cây dược liệu như sau: a. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng, phát triển quy hoạch

Tiếp tục đầu tư làm mới, nâng cấp các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng về giao thông, thủy lợi, hệ thống cung cấp điện,... Cụ thể:

- Đến năm 2020 dự kiến có 100% số xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông (theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới): đường trục xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; đường nội đồng được cứng hóa bảo đảm cho các phương tiện cơ sở đi lại thuận tiện trong cả mùa khô và mùa mưa;

- Ngoài ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp thu mua, chế biến các sản phẩm tại các vùng hàng hóa tập trung cần dành một phần vốn đầu tư để phát triển các công trình thuỷ lợi nhỏ, giao thông nội đồng;

- Để hỗ trợ cho các hoạt động chế biến sản phẩm dược liệu, huyện cần đầu tư nâng cấp đường xá để vận chuyển dược liệu từ vùng nguyên liệu đến nơi chế biến nhằm tiết kiệm chi phí tối ưu nhất;

- Theo quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Quy định tiêu chí hệ thống giao thông trên vùng sản xuất dược liệu như sau:

+ Đường giao thông nối từ trục giao thông chính tới vùng sản xuất: có mặt đường rộng tối thiểu 3,5m là đường cấp phối trở lên;

+ Đường trục chính của vùng có mặt đường rộng 2,5m, đường nhánh có mặt đường rộng 1,5m;

- Thủy lợi:

+ Đối với công trình kênh mương: Phấn đấu tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt trên 80% năm 2020;

+ Đối với công trình trạm bơm nước: Đầu tư xây dựng mới 2 công trình (Trạm bơm nước sông Phố Cũ - xã Yên Than; Trạm bơm Bắc Lù Na Chang - xã Hà Lâu); sửa chữa nâng cấp 3 trạm bơm hiện có (trạm bơm thôn Thượng, thôn Trung - xã Đồng Rui và Trạm Bơm bản Dò - xã Phong Dụ) để cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp;

+ Năng lực tưới: Phấn đấu chủ động được nguồn nước tưới đạt trên 80% diện tích đối với các xã vùng thấp, các xã vùng cao đạt trên 65% diện tích.

- Hệ thống điện: Hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, nâng cao chất lượng mạng lưới truyền tải điện, đảm bảo cung cấp liên tục, an toàn ổn định cho khách hàng, giảm sự cố, tổn thất điện năng. Tiếp tục đầu tư kéo đường dây điện, xây dựng trạm biến áp nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho các khu sản xuất dược liệu hàng hóa tập trung.

b. Đầu tư, bố trí đất sản xuất phù hợp với đặc tính của từng loại cây dược liệu - Khuyến khích chuyển đổi, chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa... tạo quỹ đất để giao đất, cho thuê đất đối với các hộ dân có dự án đầu tư khả thi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Mở rộng quy mô sản xuất phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng hộ và trong cả khu vực các thôn, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện;

- Thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả (tận dụng đất lúa thiếu nước, đất lúa chiêm vụ 1 kém hiệu quả) sang trồng các loại cây dược liệu có đặc tính phù hợp với từng vùng;

- Diện tích đất trồng gừng, địa liền: sẽ được trồng xen vào cây lâm nghiệp như quế, keo ở giai đoạn chưa khép tán hoặc xen với các cây hàng năm khác;

- Chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt hoặc đất nương dẫy, đất cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng dây thìa canh;

- Đất trồng cây ba kích: trồng ở đất rừng phòng hộ hoặc rừng tự nhiên nghèo kiệt.

4.3.2.3. Giải pháp phát triển các yếu tố về kỹ thuật trong sản xuất cây dược liệu của huyện

a. Nâng cao chất lượng và bảo tồn nguồn giống dược liệu bản địa

- Thành lập 1 trung tâm giống và bảo tồn nguồn gen dược liệu trên địa bàn huyện, với các chức năng, nhiệm vụ như sau:

+ Nghiên cứu kỹ thuật nuôi trồng và xây dựng, hoàn thiện quy trình nuôi trồng cây dược liệu (nhân giống, thâm canh, luân canh, bảo vệ thực vật... nhằm tăng năng suất cây trồng); Nghiên cứu xây dựng vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu dược liệu địa phương, trong nước và xuất khẩu; Nghiên cứu quy trình chế biến và bảo quản dược liệu sau thu hoạch;

+ Tổ chức bảo tồn và nghiên cứu các biện pháp bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen và giống cây dược liệu;

- Trồng thâm canh và ưu tiên sử dụng giống bản địa;

- Thực hiện nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô: Phương pháp nhân giống bằng nuôi cấy mô vừa bảo tồn được nguồn gen, vừa nhân nhanh với số lượng lớn cây giống với độ đồng đều cao, mà vẫn giữ được đặc tính di truyền của cây mẹ. Phương pháp này rút ngắn được thời gian cấy chuyển từ 60 ngày xuống còn 45 ngày/vòng, đồng thời cải thiện giai đoạn nhân chồi vừa có hệ số nhân chồi cao vừa nâng cao được chất lượng chồi.

Ngoài ra, để làm tốt công tác chọn lọc và cung cấp giống cần mở các lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, nâng cao trình độ, kỹ thuật của người dân trong trồng trọt cũng như cách chọn và tạo giống phù hợp với điều kiện sản xuất của từng hộ lao động. Khuyến khích, xây dựng các mô hình trồng dược liệu kiểu mẫu trong hộ nông dân bằng các chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, dịch vụ nông nghiệp,.. Mặt khác, cần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hộ sản xuất, cán bộ nông nghiệp, khuyến nông với nơi cung cấp giống để đảm bảo nguồn giống được cung cấp đầy đủ, ổn định cả về số lượng và chất lượng.

b. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

- Từng bước áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP, HCCP và các tiêu chuẩn an toàn khác) vào sản xuất các cây dược liệu chủ lực. Tiến tới làm công tác chứng nhận an toàn nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm;

- Khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học trong công tác phòng trừ sâu bệnh trong quá trình trồng các cây dược liệu, vửa đảm bảo được vấn đề môi trường, lại đảm bảo được an toàn thực phẩm cho các sản phẩm thu hoạch.

c. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu của địa phương

- Ngoài sản phẩm ba kích tím Tiên Yên đã được xây dựng thương hiệu trên thị trường thì cần tiếp tục tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu chủ lực còn lại như: gừng, dịa liền, cà gai leo. Đồng thời cần giữ gìn và bảo tồn các nguồn gen dược liệu quý hiếm;

- Xúc tiến thành lập hiệp hội dược liệu trên địa bàn huyện để tạo điều kiện giải quyết các vấn đề khó khăn nhằm tăng cường sức cạnh tranh của các sản phẩm dược liệu trên thị trường trong và ngoài huyện. Trước hết các sản phẩm chủ lực cần hướng tới phục vụ cho các phòng khám, bệnh viện y dược cổ truyền thuộc huyện Tiên Yên và xa hơn nữa là toàn tỉnh Quảng Ninh; phục vụ cho khách du lịch từ khắp các nơi có nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ cây dược liệu như Rượu ba kích, trà cà gai leo, giảo cổ lam,...;

- Người sản xuất dược liệu cần được hỗ trợ các khoản phí tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm áp dụng theo quy định tại khoản 1 điều 6 – Thông tư số 88/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và các quy định hiện hành.

4.3.2.4. Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực a. Nâng cao nhận thức, trình độ của các hộ sản xuất

- Tăng cường năng lực, nâng cao trình độ để người dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây dược liệu thông qua công tác đào tạo hằng năm bằng nhiều hình thức như tập huấn, hội thảo, tham quan các mô hình sản xuất kiểu mẫu;

- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, tuyên truyền vận động nhân dân tận dụng các nguồn lực sẵn có để mở rộng phát triển diện tích trồng cây dược liệu; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất, đầu tư thâm canh;

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất cây dược liệu trên địa bàn huyện tiên yên, tỉnh quảng ninh (Trang 113 - 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)