2.2.2.1. Kinh nghiệm phát triển sản xuất cây dược liệu tỉnh Bắc Giang
Theo ông Trần Văn Tú (2016), Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và PTNT). Bắc Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất cây dược liệu với quỹ đất dồi dào, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 129.000ha, đất lâm nghiệp có 110.000ha. Khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển cây dược liệu. Toàn tỉnh có 255 loài cây có thể làm thuốc, trong đó có nhiều loài quý như: Ba kích, bình vôi, địa hoàn, sâm nam, khôi nguyên…. Hiện nay, ở một số địa phương đã trồng thử nghiệm, nhân rộng thành công hai loại cây Hà thủ ô và linh chi.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 500ha sản xuất cây dược liệu các loại. Trong chiến lược chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng mới cho thu nhập cao, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến khích người dân lựa chọn cây dược liệu thay thế các loại cây trồng truyền thống. Từ chủ trương trên, nhiều huyện đã có đề án, chiến lược đối với việc phát triển vùng sản xuất cây dược liệu. Cụ thể tại Sơn Động, huyện có đề án trồng cây dược liệu, cây bản địa trên rừng tự nhiên nghèo kiệt tại các xã: An Lập, Tuấn Đạo, Yên Định... bước đầu phát huy hiệu quả. Hơn 150ha lim xanh, dổi xanh, ba kích, khôi nguyên được đưa vào trồng, chăm sóc phát triển tốt. Hằng năm, từ Chương trình 30a của Chính phủ cũng giúp hình thành, mở rộng diện tích trồng các giống cây thuốc quý.
Trên địa bàn huyện Tân Yên, để đa dạng hóa giống cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân, UBND huyện đã và đang hỗ trợ bà con thực hiện đề án phát triển cây dược liệu đến từng xã, thị trấn. Huyện phấn đấu trồng mới 120ha đinh lăng, gấc, kim tiền thảo, địa liền, chùm ngây trong giai đoạn 2015-2020, bước đầu cũng đã cho một số hiệu quả tích cực.
Từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Yên Dũng có chính sách hỗ trợ 100 nghìn đồng/sào cho hộ sản xuất cây dược liệu tập trung quy mô từ 1,5ha trở lên; đồng thời chỉ đạo các xã vận động người dân dồn đổi ruộng, hình thành vùng chuyên canh nhằm liên kết với các doanh nghiệp bảo đảm đầu ra thuận lợi cho các nông hộ.
Cây dược liệu đã và đang mở ra hướng sản xuất hiệu quả cho các hộ dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, công ty chế biến dược liệu thành thực phẩm chức năng, thuốc góp phần tiêu thụ sản phẩm cho bà con. 2.2.2.2. Kinh nghiệm phát triển sản xuất cây đinh lăng của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
Hiện nay, tại tỉnh Nam Định Huyện Hải Hậu được chon là 1 trong 2 huyện thực hiện Dự án “Phát triển các hoạt động thương mại sinh học trong lĩnh vực hợp chất tự nhiên tại Việt Nam” (BioTrade) ở nội dung: Phát triển dược liệu đinh lăng theo Hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Đây là lợi thế rất lớn cho sự phát triển ngành nông nghiệp của huyện nói riêng, của tỉnh Nam Định nói chung với hơn 15.000ha đất nông nghiệp, huyện Hải Hậu có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành trồng trọt, trong đó có sản xuất cây dược liệu các loại.
Theo số liệu của Chi cục Thống kê huyện Hải Hậu (2016), hiện nay, trên địa bàn huyện có 457ha trồng cây dược liệu gồm: đinh lăng, diệp hạ châu, dây thìa canh.
Trồng cây đinh lăng, từ lâu đã được coi là một ngành “kinh tế xanh”, góp phần thiết thực trong xây dựng nông thôn mới huyện Hải Hậu bền vững và phát triển. Cây đinh lăng đã được trồng rất nhiều năm trên đồng đất của huyện Hải Hậu và trong mười năm gần đây diện tích trồng đinh lăng ngày càng được mở rộng. Năm 2013, tất cả các xã trong huyện đều trồng cây đinh lăng với tổng diện tích khoảng 46,3ha, tập trung nhiều tại các xã Hải Ninh, Hải Quang, Hải Châu, Hải Giang, Hải Lộc, Hải Đông, Hải Hà... Nhiều hộ tận dụng đất chuyển đổi, đất lúa kém hiệu quả sang trồng đinh lăng với quy mô 1.000-3.000m2, điển hình như hộ ông Lâm Văn Tinh xóm 10 xã Hải Hà trồng gần 10.000m2, hộ ông Nguyễn Văn Thích xóm 2 xã Hải Quang trồng trên 2.000m2… Thu nhập từ trồng đinh lăng cũng ngày càng tăng lên. Đối với các hộ mới trồng đinh lăng, sau 2 năm sẽ cho thu hoạch, cứ 1 sào đinh lăng cho thu nhập 30-45 triệu đồng, trừ chi phí lãi 19-21 triệu đồng. Với giá bán như hiện nay là 23.000 đồng/kg, nhiều hộ trên địa bàn huyện đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng.
Để phát triển đinh lăng dược liệu, thời gian tới huyện Hải Hậu thực hiện triển khai Dự án Thương mại Sinh học tại Việt Nam, Viện Dược liệu, Cty CP Traphaco phối hợp xây dựng quy trình sản xuất từ khâu chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến cây đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu cây đinh lăng Hải Hậu được WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) công nhận.
2.2.2.3. Kinh nghiệm phát triển sản xuất cây sâm Ngọc Linh của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Thực hiện theo Nghị quyết 114/2014/NQ-HĐND về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 – 2020, HĐND huyện Nam Trà My đến nay cũng đã ban hành Nghị quyết Phát triển cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện đến năm 2020. Giai đoạn đến năm 2020, huyện sẽ hình thành và hoàn thiện 2 địa điểm bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh. Trong đó, vùng bảo tồn là thôn 2, thôn 3, thôn 4 xã Trà Linh và thôn 2 (Tắk Râng) xã Trà Cang. Mục tiêu của vùng bảo tồn này là đảm bảo cung cấp đủ lượng cây giống cho nhân dân xã Trà Linh, một số thôn của xã Trà Nam, Trà Cang nuôi trồng, phát triển thành vùng sâm nguyên liệu.
Đối với vùng phát triển, Nam Trà My xác định chọn thôn 2, thôn 4, thôn 5 xã Trà Nam và thôn 2, thôn 3 xã Trà Cang. Tại đây sẽ xây dựng vườn Sâm Tâk-Ngo với mục tiêu ngoài việc bảo tồn cần phát triển trồng thêm một số diện tích để mở rộng diện tích vùng sâm trên địa bàn huyện. Đối với vùng phát triển, Nam Trà My xác định chọn thôn 2, thôn 4, thôn 5 xã Trà Nam và thôn 2, thôn 3 xã Trà Cang. Tại đây sẽ xây dựng vườn Sâm Tâk-Ngo với mục tiêu ngoài việc bảo tồn cần phát triển trồng thêm một số diện tích để mở rộng diện tích vùng sâm trên địa bàn huyện.
Theo ông Hồ Quang Bửu (2016), Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện: “Trên cơ sở các Nghị quyết kể trên, đến nay Nam Trà My đã quy hoạch được 7 điểm bảo tồn Sâm Ngọc Linh với diện tích 19.000ha. Đồng thời huyện cũng đã quy hoạch một khu Sâm gốc với diện tích hơn 100ha nhằm từng bước di dời, hạ độ cao sâm trên đỉnh Ngọc Linh xuống thấp để phát triển diện tích sâm của huyện. Cạnh đó, sắp tới huyện sẽ tổ chức đoàn khảo sát để lên đỉnh Ngọc Linh khảo sát thực địa và nghiên cứu, di thực sâm xuống thấp”.
Ngoài ra, hiện UBND huyện Nam Trà My cũng đang kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn có sự quan tâm, đồng hành cùng chính quyền địa phương để phát triển, mở rộng thương hiệu cây Sâm Ngọc Linh đúng với lợi thế, tiềm năng có được của huyện.