3.1.2.1. Đặc điểm về dân số và nguồn nhân lực
Số liệu Bảng 3.2 cho thấy tỷ lệ lao động đang làm việc chiếm 49,85% tổng dân số trên địa bàn huyện, trong đó lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 52,84% tổng lao động đang làm việc. Về chất lượng nguồn lao động nhìn chung nguồn lao động của Tam Đảo có chất lượng thấp. Số người lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ trọng lớn 53,9 %. Lao động qua đào tạo chiếm tỷ trọng nhỏ và tập trung vào đội ngũ công chức cấp xã, huyện và viên chức các ngành giáo dục, y tế... Với những đặc trưng về dân số và nguồn lao động dồi dào, việc phát triển trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp sẽ gặp nhiều thuận lợi (Phòng Lao động, Thương binh-Xã hội huyện Tam Đảo, 2017).
Bảng 3.2. Lao động huyện Tam Đảo năm 2017
Chỉ tiêu Năm 2017
1. Tổng dân số (người) 78.734 2. Tổng lao động đang làm việc 39.252 Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 20.744 Công nghiệp, TTCN, xây dựng 8.695
Dịch vụ 9.813
3. Chất lượng nguồn lao động 39.252 Lao động chưa qua đào tạo 21.076 Công nhân kỹ thuật 7.888 Trình độ trung cấp 5.108 Cao đẳng, đại học trở lên 5.180
3.1.2.2. Về yếu tố truyền thống, dân tộc, tôn giáo
Trên địa bàn huyện Tam Đảo có các dân tộc: Kinh, Sán Dìu, Lào, Mường, Hoa, Mông, Dao, Khơ me, trong đó dân tộc Kinh chiếm 55,1 %, dân tộc Sán Dìu chiếm 44,76%, các dân tộc khác chỉ chiếm 0,14%. Sau nhiều đời chung sống có sự giao thoa nhất định giữa các dân tộc, nên tuy có nhiều phong tục, tập quán, bản sắc khác nhau, nhưng về phát triển kinh tế đã có được sự bắt nhịp nhất định của đồng bào dân tộc thiểu số và người Kinh (UBND tỉnh Vĩnh Phúc, 2014).
Huyện Tam Đảo có 110 di tích đình, chùa, đền, miếu, trong đó có nhiều di tích có giá trị văn hoá cao. Bên cạnh đó Tam Đảo còn có nhiều di tích lịch sử cách mạng quan trọng của cả nước. Hàng năm, huyện Tam Đảo có 33 lễ hội lớn, nhỏ ở các xã, thôn được tổ chức tại các đình, đền, chùa trong huyện; một số lễ hội tiêu biểu có sức thu hút khách du lịch như Lễ hội Tây Thiên, Hội Vật Làng Hà (UBND tỉnh Vĩnh Phúc, 2014).
3.1.2.3. Vùng đệm vườn Quốc gia Tam Đảo trên địa bàn huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc
Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 quy định: “Vùng đệm là vùng rừng, vùng đất hoặc vùng đất có mặt nước nằm sát ranh giới với khu rừng đặc dụng, có tác dụng ngăn chặn hoặc giảm nhẹ sự xâm hại khu rừng đặc dụng” (Quốc hội, 2004).
Vùng đệm VQG Tam Đảo là vùng giáp ranh liền kề và bao bọc xung quanh VQG Tam Đảo, có 07 xã với diện tích 8.495 ha, dân số khoảng 58.494 người, độ cao tuyệt đối thấp (<100 m), độ dốc nhỏ (<150) thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đây là vùng dân cư đông đúc, mức sống trung bình còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo khá cao và phương thức sản xuất nông nghiệp là chính. Kết cấu hạ tầng KT-XH còn hạn chế và nguồn nhân lực tuy dồi dào nhưng chất lượng, trình độ còn ở mức thấp (Vườn Quốc gia Tam Đảo, 2010).
Thị trấn Tam Đảo: là vùng đệm của VQG Tam Đảo, thuộc sự quản lý của huyện Tam Đảo và có tổng diện tích tự nhiên khoảng 215 ha. Hiện tại có 174 hộ với 616 nhân khẩu. Thu nhập chính của họ chủ yếu là kinh doanh du lịch, các dịch vụ phục vụ du lịch, trồng rau xanh (Su su), …. Nâng cao hiệu quả trong công tác QLBVR tại thị trấn Tam Đảo sẽ đảm bảo cho sự phát triển được du lịch sinh thái và tạo ra nguồn thu đáng kể (Vườn Quốc gia Tam Đảo, 2010).
Thu nhập người dân sống trong vùng đệm VQG Tam Đảo đã được cải thiện nhiều thông qua các chương trình, dự án, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Song
khoảng cách chênh lệch về thu nhập khá lớn và có xu thế càng ngày càng nới rộng nên đời sống gặp không ít khó khăn. Thu nhập của người dân từ các loại cây ngắn ngày là nguồn thu chủ yếu lại thấp, không ổn định do trình độ canh tác và đầu tư thấp, cơ cấu cây trồng tuy đã chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng vẫn chưa phù hợp, thiếu đất canh tác, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, đời sống của bộ phân người dân vùng đệm gặp khó khăn, vì cuộc sống mưu sinh đã ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên rừng trên địa bàn huyện và VQG Tam Đảo như: Khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ, động vật hoang dã trái phép, khai thác các nguồn tài nguyên và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên... Vì vậy cần có sự đầu tư nguồn lực cả về con người lẫn kinh tế, để góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, giảm đói, nghèo thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân vùng đệm. Đồng thời, đặt ra trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc duy trì những kết quả tốt đẹp đã đạt được, đặc biệt là việc giữ vững và nâng cao nhận thức ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống của người dân vùng đệm trước những áp lực của cuộc sống (Vườn Quốc gia Tam Đảo, 2010).