2.1.6.1. Yếu tố pháp luật
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện ở một số điểm sau: Luôn luôn xác định mục tiêu cao nhất của mình là vì con người; là nhà nước mà mọi quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các cơ quan nhà nước do mình trực tiếp bầu ra; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật và thể hiện địa vị tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội... (Nguyễn Thị Doan, 2009).
Pháp luật là công cụ quản lý vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và trong QLNN về BVR nói riêng, đảm bảo việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân và các chủ rừng; hoàn thiện cơ sở pháp lý nhà nước; xác định rõ nguyên tắc tổ chức, hoạt động cũng như thẩm quyền của cơ quan nhà nước; là cơ sở xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước…
Pháp luật BVR quy định chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ của các cơ quan QLNN trong lĩnh vực BVR, được quy định cụ thể tại Điều 38, Điều 39, Điều 79, Điều 80, Điều 81 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 và quy định quyền và nghĩa vụ của chủ rừng từ Điều 59 đến Điều 78 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và ở các văn bản pháp luật khác (Quốc hội, 2004).
Pháp luật trong công tác QLNN về BVR (Quốc hội, 2004) quy định một hệ thống chính sách quản lý đối với lĩnh vực BVR, cụ thể như:
- Nhà nước có chính sách đầu tư cho hoạt động BVR, gắn liền đồng bộ với chính sách phát triển KT-XH khác, ưu tiên xây dựng cơ bản cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, định canh, định cư, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân vùng miền núi.
- Nhà nước đầu tư cho các hoạt động BVR đặc dụng, phòng hộ, rừng Quốc gia; bảo vệ các loài thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực cho BVR, …
Muốn đảm bảo chính sách trên, đòi hòi có hành lang pháp lý vững chắc thông qua: Đẩy mạnh rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật về QLBVR; luật tục, phong tục, tập quán của địa phương và dân tộc ít người cần được xem xét, kết hợp với pháp luật nhà nước để xây dựng Quy ước BVR…
Pháp luật trong QLNN về BVR điều chỉnh quan hệ, cơ cấu tổ chức: Nghị định 23/2006/NĐ-CP quy định: “Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước; tổ chức; cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, hoặc đơn vị tương đương (sau đây gọi tắt là cộng đồng dân cư thôn) hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng tại Việt Nam” (Chính phủ, 2006c). Tác giả cụ thể như sau: Pháp luật BVR quy định toàn bộ hoạt động của cơ quan QLNN về BVR, người đại diện cho cơ quan QLNN về BVR, những đối tượng tham gia vào công tác BVR: Bộ Nông nghiệp
và PTNT, Cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm,… những người trực tiếp tham gia BVR và những người có hành vi vi pháp pháp luật về BVR,… Quy định cụ thể mối quan hệ giữa các đối tượng như cơ quan QLNN về BVR cấp trên với cấp dưới; cán bộ kiểm lâm với những người tham gia BVR; người đứng đầu cơ quan QLNN về BVR với những người có hành vi vi phạm pháp luật, …”. Do vậy đòi hỏi pháp luật phải quy định rõ ràng địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các chủ thể trong công tác QLNN về BVR.
Pháp luật BVR có tính quy phạm, nó chứa đựng những quy tắc xử sự của con người, là khuôn mẫu được mọi người làm theo, là tiêu chuẩn để đánh giá tính hợp pháp hay không hợp pháp; các quy tắc trong BVR do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt ra có tính bắt buộc thể hiện ý giai cấp công nhân, nhân dân lao động, thể hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; là công cụ quản lý hành chính nhà nước về BVR. Pháp luật là cơ sở pháp lý cho việc quy định cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan QLNN về BVR, của các chủ rừng và các đối tượng có liên quan đến rừng; là cơ sở để xây dựng khung hành lang pháp lý trong QLBVR&PTR đối với ba loại rừng: đặc dụng, phòng hộ và sản xuất, sao cho việc triển khai hoạt động được đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, là cơ sở để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong QLNN về BVR, … (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2013b).
2.1.6.2. Yếu tố kinh tế
Tài nguyên rừng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT- XH địa phương, mang lại nguồn lợi ích kinh tế vô cùng lớn như: là nơi lưu trữ nhiều loại khoáng sản quý; cung cấp một sản lượng lớn lâm sản phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng từ các loại gỗ, tre, nứa để các nhà kinh doanh thiết kế tạo ra hàng trăm mặt hàng đa dạng và phong phú như trang sức, mĩ nghệ, dụng cụ lao động, thuyền bè truyền thống, ..; cung cấp hệ động vật quý hiếm; cung cấp nguồn dược liệu vô giá, từ ngàn xưa, con người đã khai thác các sản phẩm của rừng để làm thuốc chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe, nhiều quốc gia đã phát triển ngành khoa học “dược liệu rừng” nhằm khai thác có hiệu quả hơn nữa nguồn dược liệu vô cùng phong phú của rừng. Chính vì giá trị siêu lợi nhuận từ rừng mà tình trạng khai thác, săn bắt, mua bán trái phép lâm sản đang diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác BVR của các cấp, các ngành (Cục Kiểm lâm, 2016).
Rừng ngoài việc cung cấp lâm sản, rừng còn là nơi cung cấp những điểm du lịch sinh thái lý tưởng, cùng với phát triển kinh tế, đô thị hóa nên việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để phục vụ xây dựng các khu du lịch, công trình thủy điện, đường giao thông, cơ sở hạ tầng, khu dân cư… ngày càng nhiều. Đây cũng chính là áp lực lớn trong công tác QLNN về BVR, nếu không có quy hoạch, kế hoạch BVR cụ thể dễ dẫn đến tài nguyên rừng bị ảnh hưởng nặng nề từ người dân, khách du lịch và bởi chính các công trình xây dựng (Cục Kiểm lâm, 2016).
2.1.6.3. Yếu tố xã hội
Do nghèo đói, lao động việc làm ít, trình độ học vấn thấp, áp lực dân số tăng nhanh, tệ nạn xã hội, phong tục tập quán di dân tự do, dân tộc thiểu số thiếu đất làm nhà, đất sản xuất nên xảy ra hiện tượng phá rừng, lấn chiếm đất, khai thác lâm sản tự do để phục vụ cuộc sống hàng ngày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng (Cục Kiểm lâm, 2016).
Để giảm áp lực vào rừng, chính quyền các cấp cần tập trung đầu tư cho giáo dục, văn hóa để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân địa phương, để mọi người thấy và áp dụng được những chủ trương, chính sách của nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra phải giải quyết yếu tố việc làm, xóa đói, giảm nghèo, như vậy sẽ đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế tệ nạn xã hội, người dân không phải bỏ đất đẻ di chuyển sang vùng đất khác kiếm ăn, hạn chế việc phá rừng hay phụ thuộc vào rừng của người nhân (Cục Kiểm lâm, 2016).
2.1.6.4. Yếu tố nghiệp vụ, kỹ thuật
Bên cạnh những yếu tố khách quan trên thì công tác QLNN về BVR còn ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan từ chính các nhà làm công tác quản lý. Được thể hiện ở nghiệp vụ tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về BVR, PCCCR; công tác quản lý, nắm bắt diễn biến các tụ điểm là trọng điểm cháy rừng, trọng điểm khai thác rừng trái phép, các hành vi khai thác, vận chuyển, phá rừng trái phép; nghiệp vụ thanh tra, pháp chế…, hay áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong việc kiểm tra rừng... nhằm truyền đạt thông tin pháp luật BVR tới mọi đối tượng, cũng như nắm bắt được tình hình diễn biến tài nguyên rừng, các hành vi vi phạm để có biện pháp ngăn chặn, xử lý, hạn chế tối đa thiệt hại đối với rừng và đất lâm nghiệp. Để thực hiện tốt nghiệp vụ, đòi hỏi người cán bộ quản lý phải đảm bảo đủ năng lực về trình độ chuyên môn, khả năng nhận định và phân tích tính hình, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc... (Cục Kiểm lâm, 2016).