Kiểm soát bệnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu bệnh mốc xanh (penicillium italicum), mốc lục (penicillium digitatum) trên quả cây có múi (Trang 34 - 35)

Biện pháp phòng ngừa để kiểm soát bệnh mốc lục trên cam sau thu hoạch chủ yếu là thực hiện đúng các biện pháp tránh làm tổn thương quả khi thu hoạch, xử lí, vận chuyển, bảo quản quả. Thực hiện vệ sinh nghiêm ngặt hạn chế tối đa sự phát triển bào tử. Biện pháp chủ yếu để phòng trừ là các biện pháp vật lý liên quan đến tam giác bệnh: chọn thời gian thu hái thích hợp, thu hái kịp thời không để quá chín và tránh làm tổn thương, xây xát cho quả khi thu hoạch, vận chuyển, bao gói, bảo quản để hạn chế tối đa sự tấn công của Penicillium (S. Fatemi and H. Borji, 2011).

Khi bảo quản nên chọn quả lành, loại bỏ hết những quả thối, tổn thương, xây xát. Nhà cất giữ cần phải khử trùng, làm vệ sinh sạch sẽ, thoáng khí và có nhiệt độ, độ ẩm thích hợp.

Ngoài ra, bệnh mốc lục có thể được kiểm soát bằng hóa chất. Thuốc diệt nấm được sử dụng hiệu quả như Thiabendazole, Imazalil… Đầu tiên cam thu hoạch về rửa sạch bằng nước, sau đó nhúng trong hóa chất với thời gian xác định ở nồng độ thích hợp. Công đoạn tiếp theo, cam rửa lại bằng nước sạch khi đó có thể mang đi bảo quản. Hiện nay xuất hiện hiện tượng kháng thuốc của nấm dẫn tới hiệu quả của thuốc diệt nấm giảm. Tuy nhiên, việc kháng thuốc của nấm bệnh có thể được giảm thiểu bằng cách sử dụng đồng thời nhiều thuốc diệt nấm hoặc sử dụng thuốc diệt nấm kết hợp xử lí nhiệt. Mặt khác, khi kết hợp thuốc diệt nấm với kalisorbat cho hiệu quả cao ngay với cả Penicillium kháng thuốc diệt nấm (M. Herrero et al., 2009). Một nghiên cứu cho thấy chất dầu khoáng, xitrala (citral) nồng độ 60- 150 mL/L có hiệu quả trong việc phòng trừ bệnh mốc xanh, mốc lục, thối chua trên cam Navel đặc biệt nó có hiệu quả đối với quả lây nhiễm nhân tạo bằng phương pháp làm mỏng vỏ hơn là phương pháp chọc lỗ (E. Wuryatmo et al., 2014).

Biện pháp phòng trừ mốc lục trước và sau khi thu hoạch được đánh giá trong thí nghiệm của J. L. Smilanick et al. (2006). Theo đó, nếu phun thiophanate methyl (TM) trước khi thu hoạch 1 tuần thì tỷ lệ bệnh mốc lục là 16 % trong khi thí nghiệm không phun là 89.5 %. Phun thiabendazole (TBZ) khi xếp quả trong thùng trước khi làm chín quả có hiệu quả rất tốt. TBZ kết hợp với natri bicarbonate có thể giảm mốc lục xuống 2 % so với đối chứng không xử lý là 11 %.

R.S Pimenta et al. (2009) đã chứng minh được tiềm năng kiểm soát bệnh bằng phương pháp sinh học khi sử dụng Saccharomycopis crataegensis để kiểm soát P.digitatum. Tương tự, M.Zamani (2009) cho thấy hiệu quả của Pantoea agglomerans đối với P.digitatum trong phương pháp xử lí sau thu hoạch. Nghiên cứu của Weining Hao et al. (2010) cho thấy tiềm năng phòng trừ của

Bacillus amyloliquefaciens đối với bệnh mốc xanh, mốc lục và thối chua trên cây có múi.

Mốc xanh cũng có thể được kiểm soát bằng natri carbonate nóng trong 150 s ở nhiệt độ 45 oC với nồng độ 3 hoặc 4 % làm giảm tỷ lệ thối lên đến 90 % (P. L. Smilanick et al., 2000).

Nhúng quả trong nước nóng 55 oC trong 3 phút có thể làm giảm khả năng nảy mầm của bào tử P.digitatum, đường kính vết bệnh 0.32 cm giảm hơn so với quýt đối chứng là 9.68 cm. Trong thời gian 5 ngày bảo quản ở điều kiện 22 - 24 oC, độ ẩm 85 – 90 % quýt được nhúng trong nhiệt độ trên có tỷ lệ bệnh, chỉ số bệnh giảm, khả năng sinh bào tử của P.digitatum cũng giảm (S. Inkha et al., 2009).

Với nghiên cứu của Đào Thiện và cs (2010) cho thấy với nồng độ ethanol 7 % khối lượng trong điều kiện t = 30 oC, hoạt độ nước aw = 0,99 đã ức chế hoàn toàn sự phát triển của 3 chủng nấm mốc Aspersillus flavus NN1, Penicillium digitatum TP1, Penicillium italicum TP2.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu bệnh mốc xanh (penicillium italicum), mốc lục (penicillium digitatum) trên quả cây có múi (Trang 34 - 35)