Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.3. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ công chức,viên
4.3.4. Chính sách đãi ngộ, tạo động lực đối với đội ngũ công chức,viên chức
ngành bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương
Trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam cũng như BHXH tỉnh Hải Dương đã thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách chế độ về tiền lương, phụ cấp, chế độ tiền thưởng và phúc lợi xã hội. Kết quả đạt được đã có tác dụng khuyến khích đội ngũ công chức, viên chức của ngành cũng như là động lực để phát triển đội ngũ.
Về chính sách tiền lương, phụ cấp: Theo Quyết định số 37/2012/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2012 về thực hiện thí điểm mức chi tiền lương, thu nhập đối với ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2012- 2015, CCVC ngành BHXH được hưởng mức chi tiền lương gấp 1,8 lần so với chế độ tiền lương công chức, viên chức hiện nay do ngoài lương ngành BHXH không có các khoản phụ cấp như công chức nhà nước. Nguồn chi lấy từ lợi nhuận đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội. Ngoài tiền lương tăng thêm, BHXH tỉnh Hải Dương cũng đã thực hiện chi bổ sung thu nhập cho công chức, viên chức ngành BHXH với mức bằng 0,2 lần so với tiền lương Nhà nước quy định. Tiền lương tăng thêm 0,8 lần quy định trên (không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cáp ưu đãi giáo dục, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ) không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và chấm dứt khi thực hiện cải cách chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Bảng 4.19. Thu nhập bình quân theo chức danh bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2015 - 2017
Đơn vị: Triệu đồng Chức danh 2015 2016 2017 So sánh (%) 2016/2015 2017/2016 Bình quân Ban lãnh đạo 10,62 11,18 12,01 105,27 107,42 106,35 Trưởng, phó phòng ban 8,21 8,64 9,28 105,24 107,41 106,32 Chuyên viên 6,77 7,13 7,66 105,32 107,43 106,38 Công việc khác 4,81 5,07 5,45 105,41 107,50 106,45 Thu nhập bình quân/người 7,00 7,34 7,89 105,16 107,49 106,33 Nguồn: Phòng tổ chức cán bộ BHXH tỉnh Hải Dương (2018) Qua bảng có thể thấy thu nhập bình quân của công chức, viên chức tăng đều qua các năm. Nếu như năm 2016 thu nhập quân của công chức, viên chức là 7,34 triệu đồng/người/tháng thì năm 2017 thu nhập bình quân là 7,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,49% so với năm 2016. Đội ngũ chuyên viên ngành BHXH có mức lương trung bình từ 7,66 triệu đồng/người/tháng (năm 2017) tăng 7,43% so với năm 2016. Đây cũng là một phần tạo động lực cho đội ngũ chuyên viên chứng minh năng lực bản thân, tận tâm trong công việc với áp lực công việc ngày càng lớn như hiện nay mỗi 1 công chức, viên chức ngành BHXH tỉnh Hải Dương phải phục vụ 3.236 người, khối lượng công việc ngày càng phức tạp và khó khăn. Các viên chức làm công việc khác được hưởng hệ số 2,34 (trình độ đại học hiện nay) được hưởng mức lương 5,45 triệu đồng/người/tháng theo cơ chế, BHXH tỉnh Hải Dương cũng tạo điều kiện để các chuyên viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nâng cao cấp bậc cải thiện thu nhập.
Về công tác tạo điều kiện nơi ăn, chốn ở cho CCVC thì hiện nay tại hệ thống BHXH tỉnh Hải Dương, ngoài trụ sở làm việc được xây dựng khang trang còn có khu nhà công vụ đầy đủ tiện nghi dùng để tiếp khách và chỗ nghỉ cho những viên chức ở xa. Ngoài ra, ban lãnh đạo luôn tìm hiểu nắm bắt kịp thời những khó khăn về vật chất và tinh thần của đội ngũ công chức, viên chức để có hành động hỗ trợ giúp đỡ kịp lúc như thăm hỏi khi gia đình có tiệc hiếu, hỷ hoặc bị bệnh, tai nạn, hay mất mát,… đồng thời có những khoản hỗ trợ về vật chất cho những trường hợp công chức, viên chức gặp tai nạn, bệnh nặng phải trị bệnh tốn kém.
Những trường hợp gia đình công chức, viên chức gặp nhiều khó khăn, ban lãnh đạo và tổ chức đoàn thể trong đơn vị vận động đóng góp, ủng hộ, mức đóng góp tùy thuộc vào lòng hảo tâm của mỗi người… Mặc dù số tiền góp được không phải là lớn nhưng cũng phần nào giúp được viên chức trong những lúc khó khăn, nhưng trên hết đó là tình cảm của tập thể cơ quan, để người cán bộ, công chức, viên chức không cảm thấy lẻ loi trong những lúc khó khăn vì bên cạnh người thân họ còn có tập thể cơ quan luôn sẵn sàng quan tâm và chia sẻ khó khăn mà họ đang gặp phải. Ngoài ra, trong những năm gần đây, ngành BHXH tỉnh Hải Dương còn phát động các phong trào thi đua toàn ngành trong tỉnh nhằm huy động sự tham gia, chung tay của cộng đồng để ngày càng nâng cao chất lượng trong công tác an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh đó, tạo sân chơi cho CCVC để tăng cường mối giao lưu, hữu nghị, đoàn kết và hỗ trợ nhau tốt hơn trong công việc.
Khen thưởng, tôn vinh các giá trị nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, tính tích cực nghề nghiệp của CCVC là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc ngăn ngừa sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của công chức, viên chức. Do đó, chính sách này cần được xem là nội dung quan trọng trong sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý công chức, viên chức và các chính sách có liên quan trong thời gian tới.
Cần đổi mới, hoàn thiện các quy định về nội dung, phương pháp, tiêu chí đánh giá, xếp loại đội ngũ công chức, viên chức để làm căn cứ cho việc sử dụng, trọng dụng, khen thưởng, tôn vinh; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn thống nhất để khen thưởng, tôn vinh CCVC, trong đó cần có chính sách cho đội ngũ chuyên gia đầu ngành, trực tiếp làm nhiệm vụ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, ban hành thể chế, đường lối, chính sách phát triển đất nước.