Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.2. Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng đội ngũ công chức,viên chức
ngành bảo hiểm xã hội
2.1.2.1. Đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường
Kinh tế thị trường là mô hình kinh tế mà ở đó các quan hệ kinh tế đều được thực hiện trên thị trường, thông qua quá trình trao đổi mua bán. Nền kinh tế thị trường không chấp nhận những tư duy cũ, làm việc ỷ lại, quan liêu, vô trách nhiệm và kém hiệu quả của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là công chức, viên chức ngành BHXH. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH ảnh hưởng lớn đến kết quả an sinh xã hội, chất lượng lao động, hiệu suất lao động trên cả nước. Đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH chất lượng cao được sử dụng hiệu quả là mô hình tăng trưởng khoa học mà BHXH Việt Nam đang hướng tới. Để phù hợp với cơ chế quản lý mới, đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH cần có kiến thức, có năng lực và trình độ thật sự (Hà Quang Trường, 2017).
2.1.2.2. Sự đòi hỏi của quá trình cải cách – hiện đại hóa hành chính nhà nước
Cải cách – hiện đại hóa hành chính nhà nước là một khâu đột phá để xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, thống nhất, thông suốt, hiệu lực hiệu quả. Cải cách thủ tục hành chính là cắt bỏ những quyền lực gây cản trở, nhũng nhiễu, làm rối loạn bộ máy hành chính. Do vậy, cải cách – hiện đại hóa hành chính nhà nước không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là góp
phần tích cực xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong sạch vững mạnh, đáp ứng lòng tin yêu của người dân, doanh nghiệp. Thực tế, vận hành bộ máy hành chính luôn là khâu yếu của quốc gia đang phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. (Đặng Xuân Hoan, 2015).
2.1.2.3. Yêu cầu mở cửa hội nhập
Chính phủ (2003): Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những điều kiện tiên quyết để nước ta hội nhập thành công trên tinh thần tranh thủ được ngoại lực, phát huy được nội lực, giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo đảm độc lập tự chủ. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu đào tạo được đội ngũ những người làm công tác HNKTQT thông thạo về nghiệp vụ, ngoại ngữ, am hiểu luật pháp quốc tế, đáp ứng được những yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đòi hỏi đội ngũ công chức, viên chức của ngành BHXH phải nắm vững chủ trương, chính sách pháp luật về kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước, hiểu biết sâu những quy định của pháp luật của các tổ chức quốc tế trên cơ sở tinh thông nghiệp vụ, chuyên môn, sử dụng thành thạo ngoại ngữ và vi tính. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của ngành BHXH như là quá trình tự thân do yêu cầu của mở cửa hội nhập quốc tế.