2.2.4.1. Khái niệm về thích ứng với biến đổi khí hậu
Thích ứng có nghĩa là điều chỉnh, hoặc thụ động hoặc phản ứng tích cực hoặc có phòng bị trước được đưa ra với ý nghĩa giảm thiểu và cải thiện những hậu quả có hại của BĐKH. Thích ứng còn có nghĩa là tất cả những phản ứng đối với BĐKH nhằm làm giảm tính dễ bị tổn thương. Cây cối, động vật, và con người không thể tồn tại một cách đơn giản như trước khi có BĐKH nhưng hoàn toàn có thể thay đổi các hành vi của mình để thích ứng và giảm thiểu các rủi ro từ những thay đổi đó. Ngoài ra, thích ứng còn đòi hỏi sự đánh giá về các công nghệ và biện pháp khác nhau nhằm phòng tránh những hậu quả bất lợi của BĐKH bằng cách ngăn chặn hoặc hạn chế chúng, nhanh chóng tạo ra một sự thích ứng với BĐKH và phục hồi một cách có hiệu quả sau những tác động của chúng, hay là bằng cách lợi dụng những tác động tích cực. Hiểu biết về sự thích ứng với BĐKH có thể được nâng cao bằng cách nghiên cứu kỹ sự thích ứng với khí hậu hiện tại cũng như với khí hậu trong tương lai (Trần Thọ Đạt và Vũ Thị Hoài Thu, 2012).
Đối với nông dân, thích ứng là tăng khả năng sản xuất các cây trồng, vật nuôi trong điều kiện BĐKH bằng cách ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phù hơp. Thích ứng giúp làm giảm nguy cơ mất mùa và suy giảm năng suất của cây trồng, vật nuôi, đồng thời làm tăng khả phục hồi của cây trồng, vật nuôi và các hệ thống nông nghiệp sau khi bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Thích ứng cũng còn bao gồm cả việc áp dụng các giải pháp để tận dụng các tác động có lợi của BĐKH.
Thích ứng cũng còn được định nghĩa là một quá trình mà ở đó các cá nhân, cộng đồng hoặc các quốc gia thực hiện các chiến lược và kế hoạch để đối phó với BĐKH và tận dụng được các tác động có lợi của BĐKH (UNDP, 2005).
Nông nghiệp thích ứng với BĐKH nhằm mục đích nâng cao khả năng của các hệ thống nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, và kết hợp các nhu cầu cần thích ứng và tiềm năng giảm thiểu vào các chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, giải quyết đồng thời các thách thức về an ninh lương thực, phát triển và thích ứng, giảm thiểu các tác động của BĐKH, cho phép các quốc gia xác định được các giải pháp cho lợi ích tối đa và các giải pháp có những rủi ro cần phải quản lý.
Ngành nông nghiệp có thể áp dụng nhiều giải pháp để thích ứng BĐKH, chẳng hạn như:
-Sử dụng các loài, giống cây trồng và vật nuôi có khả năng chống chịu tốt
hơn với các thay đổi của các yếu tố thời tiết, và chống chịu tốt hơn với sâu bệnh;
-Đa dạng các loại hình sản xuất, kinh doanh, trồng đa dạng các cây, con,
phát triển các hệ sản xuất giàu về đa dạng sinh học;
-Cải thiện khả năng dự trữ lương thực (từ quy mô hộ đến cấp quốc gia)
nhằm đảm bảo có đủ nguồn lương thực, đảm bảo an ninh lương thực, kế cả trong hoàn cảnh có BĐKH;
-Cung cấp các thông tin cảnh báo sớm và kịp thời về khí hậu tới các cơ
quan, cá nhân liên quan đề kịp thời xác định và thực hiện các biện pháp ứng phó;
-Tăng cường ứng dụng các biện pháp thâm canh bền vững để sản xuất cây
trồng và chăn nuôi, ví dụ như bón phân cân đối, sử dụng thuốc BVTV hợp lý, áp dụng các biện pháp giảm xói mòn đất, quản lý tốt nguồn nước tưới;
-Cải tiến các hệ thống thủy lợi, thu hồi nước mưa, sử dụng nước ngầm và
các nguồn nước khác một cách bền vững.
Nông nghiệp thích ứng với BĐKH nhằm mục đích nâng cao khả năng của các hệ thống nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, và kết hợp các nhu cầu cần thích ứng và tiềm năng giảm thiểu vào các chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, giải quyết đồng thời các thách thức về an ninh lương thực, phát triển và thích ứng, giảm thiểu các tác động của BĐKH, cho phép các quốc gia xác định được các giải pháp cho lợi ích tối đa và các giải pháp có những rủi ro cần phải quản lý.
Để có thể giảm tình trạng dễ bị tổn thương do BĐKH, chúng ta phải tập trung xây dựng năng lực thích ứng, đặc biệt của những người dễ bị tổn thương nhất; và trong một số trường hợp, phải tập trung làm giảm sự hứng chịu hay tính nhạy cảm đối với tác động khí hậu. Chúng ta phải đảm bảo rằng những sáng kiến phát triển không vô tình làm tăng tình trạng dễ bị tổn thương. Chúng ta gọi quy trình này là sự thích ứng.
2.2.4.2. Các giải pháp thích ứng với BĐKH trong sản xuất lúa
Trong mấy thập kỷ qua, nhân loại đã chứng kiến và các nhà khoa học trên khắp thế giới đã liên tục báo động về những biến động bất thường của khí hậu toàn cầu. Thích ứng và giảm nhẹ tác động tiêu cực do BĐKH gây ra đã trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự tham gia của tất cả cộng đồng thế giới. Dưới sự hỗ trợ của Hiệp định Khung Quốc tế về Thay đổi Khí hậu (UNFCCC), một số công việc đã được bắt đầu cho Chương trình Hành động Thích ứng Quốc gia. Những hành động này bao gồm cả việc tăng cường xác định các hoạt động ưu tiên, bao gồm cả thích ứng đối với nước biển dâng ở các nước kém phát triển.
Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của BĐKH đến sự phát triển bền vững của đất nước, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã sớm có các chính sách ứng phó với BĐKH. Đối với hợp tác quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto. Bên cạnh đó Chính phủ cũng đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH. Có thể kể ra một số chính sách mà Chính phủ đã ban hành như: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được phê duyệt vào tháng 12 năm 2008, Chiến lược quốc gia phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2020, Chiến lược phát triển Thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược tăng trưởng xanh; Luật Đê điều; Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Pháp lệnh phòng chống lụt bão, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi,... Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2015 và sau đó là Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH.
Ngành nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu an ninh lương thực toàn cầu. Nhận thức được tầm quan trọng của an
ninh lương thực, gần đây các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới đã có những động thái tích cực để góp phần bình ổn an ninh lương thực ở phạm vi thế giới và mỗi quốc gia. Liên Hợp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cần khởi động lại cuộc Cách Mạng Xanh và tăng cường đầu tư mạnh hơn nữa cho sản xuất lương thực. Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) nhấn mạnh thế giới cần nhanh chóng bảo vệ các loại cây lương thực truyền thống cũng như các cây trồng khác khỏi tác động của tình trạng BĐKH và những thay đổi môi trường khác. Tổng Giám đốc FAO - ông Jacques Diouf khẳng định bảo vệ và sử dụng lâu dài các nguồn gen của cây trồng cho lương thực và nông nghiệp là vấn đề quan trọng nhằm bảo đảm thế giới sản xuất đủ lương thực nuôi sống dân số ngày càng tăng trong tương lai (Thông tấn xã Việt Nam, 2011).
Tổng Giám đốc FAO cũng cho biết hiện nay, các nước ký “Hiệp ước quốc
tế về Bảo vệ và Chia sẻ các nguồn gien của cây trồng cho lương thực và nông
nghiệp” đang bảo quản hơn 1,5 triệu mẫu gien của các loại cây trồng, từ đó tạo
cơ sở cho hơn 80% lương thực của thế giới và đây là công cụ quan trọng nhất cho việc điều chỉnh nông nghiệp phù hợp với BĐKH trong những năm tới. Hiện
nay, FAO đang sử dụng “Quỹ chia sẻ Lợi ích của Hiệp ước” nhằm hỗ trợ người
nông dân và các nhà chăn nuôi tại 21 nước đang phát triển biến các loại cây trồng quan trọng thích nghi với các điều kiện mới do BĐKH, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh và nhiều nhân tố khác gây nên (Tô Văn Trường, 2011).
Các tổ chức được thành lập rộng rãi trên thế giới nhằm chống lại BĐKH
như “Mạng lưới các thành phố ở Châu Á có khả năng chống chịu với Biến đổi
Khí hậu” (ACCCRN), “Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế” (UICN),… liên
tục xây dựng các dự án, tổ chức các cuộc hội thảo trên từng quốc gia về thích ứng với BĐKH với nội dung phân tích các giải pháp, kinh nghiệm để cùng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác ứng phó và chống chịu với biến đổi khí hậu; đồng thời giúp nâng cao hiểu biết về tính dễ bị tổn thương và khả năng thích ứng địa phương đối với BĐKH, tích hợp những giải pháp thích ứng BĐKH vào đời sống hiện tại và tương lai cho người dân địa phương (Thông tấn xã Việt Nam, 2011).
Khoa học công nghệ trong việc chọn lọc các mẫu gien ưu việt trong nông nghiệp được các nước trên thế giới chú trọng đầu tư. Sự nỗ lực của các nhà khoa học đã mang lại thành tựu tăng sản lượng lương thực đáng kể. Tại một phòng thí nghiệm tại trung tâm Can-bơ-rơ (Ô-xtrây-li-a) hàng trăm cây con được đặt trên
một băng chuyền đi qua một phòng công nghệ cao, mỗi cây đều được mã hóa và quét các dấu hiệu di truyền ưu việt. Quá trình lựa chọn thực hiện trước đó vài tháng đang hoàn thành nốt công đoạn cuối cùng. Phòng kiểm tra cây trồng cao 3m, được trang bị hệ thống chiếu la-de 3D và nhiều thiết bị khác để đo kích thước, tốc độ tăng trưởng và lượng nước tiêu hao. Nhờ những thiết bị công nghệ cao này, các nhà khoa học có thể nhanh chóng chọn ra được những giống cây trồng tốt nhất, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh BĐKH (Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo thích ứng với Biến đổi khí hậu, 2012).
Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các hoạt động nghiên cứu về thích ứng với BĐKH. Ở cấp quốc gia, Việt Nam đã lồng ghép chống BĐKH vào Luật bảo vệ môi trường, xây dựng các chương trình như: Chương trình nghị sự Agenda 21 của Việt Nam; Chiến lược quốc gia về quản lý môi trường biển và ven biển; Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020, ban hành Khung Chương trình hành động thích ứng với BĐKH của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giai đoạn 2008 - 2020 và mới đây nhất là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống BĐKH - Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ngày 16/12/2015.
Những biện pháp truyền thống đối phó với BĐKH như xây dựng hệ thống đê, mương, các công trình điều tiết và phân lũ, dự báo thời tiết đang được triển khai tích cực. Đặc biệt, nước ta chú trọng đầu tư nghiên cứu chọn tạo, đưa vào sản xuất các giống cây trồng mới thích nghi với BĐKH, chống chịu được rét, nóng, hạn hán, ngập úng hay phèn mặn. Từ năm 2009 đến nay, Viện Lúa ĐBSCL đã bước đầu tìm 30 dòng lúa có triển vọng chịu mặn là những dòng lúa kế thừa, được phát hiện chịu mặn qua nhiều lần thanh lọc trong phòng thí nghiệm và nhà lưới như giống lúa OM6976, OM6677, OM5464, OM5629, OM5166 được khảo nghiệm ở một số tỉnh: Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre. Trong đó giống lúa OM5464 đang được đề nghị nhân rộng và trình Bộ NN&PTNT công nhận là giống lúa sản xuất thử trong năm 2010 (Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo thích ứng với Biến đổi khí hậu, 2012).
Bên cạnh việc tìm ra giống lúa có khả năng thích ứng với BĐKH, đã có nhiều kết quả nghiên cứu đã tìm ra quy trình kỹ thuật canh tác lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Ví dụ xây dựng mô
hình “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa theo SRI trong sản xuất lúa
chất lượng” vụ xuân 2013 tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã
đạt kết quả tốt, hay mô hình "Canh tác lúa giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính"
do nhóm nghiên cứu trường Đại học Nông Lâm Huế nghiên cứu năm 2011 theo phương pháp tưới nước khô ướt xen kẽ đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính mà vẫn đảm bảo năng suất lúa. Đồng thời theo dõi các ảnh hưởng của những biến động thời tiết, gián tiếp tác động đến nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn, tăng xói lở do ảnh hưởng do nhiệt độ, lượng mưa, bão và lũ. Nghiên cứu về ảnh hưởng của ENSO đến chế độ thời tiết và đặc trưng khí hậu ở nhiều vùng của Việt Nam.
Biện pháp quan trọng khác là nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí hậu và BĐKH ở Việt Nam, tạo cơ hội để người dân tìm hiểu về BĐKH, đồng thời là hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng tới từng người dân, từng địa phương để có cách thích ứng với BĐKH. Qua những hoạt động này, nhận thức và sự hiểu biết của người dân về các vấn đề BĐKH chắc chắn sẽ tăng lên và góp phần thay đổi hành vi của họ với môi trường như tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên nước, bảo vệ rừng ngập mặn, thay đổi các thói quen canh tác nông nghiệp lạc hậu, trồng và bảo vệ các loại rừng phòng hộ ven biển.
PHẦN 3. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 3.1. ĐỊA ĐIỂM NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu được tiến hành trong phạm vi địa bàn hành chính của xã Nghĩa Thịnh, xã Nghĩa Lạc và thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
3.2. THỜI GIAN NGHIÊN CỨU
Thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 5/2015 đến tháng 8/2016.
3.3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Tình trạng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa.
3.4. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu triển khai các nội dung sau đây:
- Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; - Diễn biến khí hậu tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định;
- Tác động của BĐKH đến sản xuất lúa huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; - Tình trạng dễ bị tổn thương do BĐKH đến sản xuất lúa huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định;
- Thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định;
- Giải pháp ứng phó với BĐKH trong sản xuất lúa huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
3.5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.5.1. Phương pháp thu thập thông tin thứ cấp
- Thu thập các số liệu liên quan đến khí tượng như nhiệt độ, lượng mưa, số giờ nắng,…được theo dõi trong thời gian 35 năm của các trạm khí tượng tại tỉnh, viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.
- Thu thập thông tin về hiện trạng sản xuất nông nghiệp từ số liệu thống kê hàng năm, Tổng cục Thống kê, các Báo cáo điều tra nông nghiệp, nông thôn hàng năm; các báo cáo kết quả nghiên cứu liên quan đến đề tài đã được công bố;
- Số liệu thống kê nông nghiệp được thu thập chủ yếu từ sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, phòng NN&PTNN huyện Nghĩa Hưng, báo cáo điều tra từ nông hộ đáp ứng các yêu cầu về số liệu như sau:
+ Cơ cấu kinh tế của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định;