Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn của các vấn đề nghiên cứu
2.2.2. Cơ sở thực tiễn về các vấn đề nghiên cứu ở Việt Nam
2.2.2.1. Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai ở đồng bằng sông Cửu Long
Người dân ở đây chủ yếu sống bằng canh tác nông, lâm, ngư nghiệp nên đất đai không những vừa là tư liệu sản xuất chính mà còn là tài sản có giá trị nhất của họ.
Những năm gần đây, trước áp lực tăng trưởng kinh tế của vùng và chỉ tiêu phần trăm tăng trưởng kinh tế hàng năm của từng địa phương, buộc các địa phương phải đưa ra các chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong cơ cấu tổng sản phẩm của từng địa phương. Các chính sách thu hút đầu tư mở rộng các khu công nghiệp, khu kinh tế, các dự án sản xuất nuôi trồng thủy sản, lâm sản được các địa phương đặc biệt quan tâm. Đi liền với sự phát triển này, thì thách thức đặt ra đối với các địa phương là việc thu hồi đất, đền bù, giải toả, hỗ trợ tái định cư... Đây cũng là một trong những lĩnh vực có tỷ lệ đơn khiếu nại cao hiện nay đối với các địa phương trong khu vực nói chung và Đồng Tháp nói riêng (Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ, 2009).
Nhìn lại những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình tranh chấp, khiếu kiện diễn biến rất phức tạp nhất là ở lĩnh vực đất đai; công tác giải quyết tranh chấp, khiếu kiện còn nhiều bất cập, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm còn xảy ra ở nơi này, nơi khác, nhiều đơn thư để tồn đọng quá hạn, một số
Quyết định giải quyết tranh chấp đã có hiệu lực pháp luật từ nhiều năm nhưng chưa được thi hành; kết quả giải quyết chỉ đạt 60 - 70%. Đến khi có Nghị định số 89/CP ngày 07/8/1997 của Chính phủ về việc Ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân và Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, tình hình tranh chấp, khiếu kiện có phần giảm về mặt số lượng nhưng về tính chất và mức độ vẫn còn gay gắt, phức tạp; kết quả giải quyết có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, lượng đơn thư tồn đọng vẫn còn ở mức cao, tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp đến các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo tuy có giảm, song vẫn còn xảy ra; kỷ cương, kỷ luật hành chính trong công tác giải quyết tranh chấp, khiếu kiện đôi khi chưa nghiêm, có nơi, có lúc còn buông lỏng.
Năm 2008, tình hình khiếu nại về đất đai ở các tỉnh Nam bộ diễn ra khá gay gắt, tình trạng khiếu nại vượt cấp kéo đông người về các cơ quan Trung ương khá phổ biến ở nhiều địa phương trong khu vực. Trong đó chủ yếu là khiếu nại đòi lại đất trước đây đưa vào các tập đoàn, hợp tác xã; đất có nguồn gốc chưa đảm bảo tính pháp lý (đã được cấp nhưng chưa làm đầy đủ các thủ tục theo quy định) nay thu hồi lại; khiếu nại giá đất, loại đất, bồi thường, tái định cư chưa thoả đáng khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng... Riêng ở Đồng Tháp thời gian qua cũng phát sinh một số vụ việc khiếu nại bức xúc phức tạp, đông người, kéo dài, điển hình như: vụ tranh chấp đất tràm ở vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông; vụ tranh chấp đất tràm ở nông trường Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, vụ tranh chấp ở Cồn Tân Long, huyện Thanh Bình, vụ tranh chấp ở Khu kinh tế cửa khẩu Thường Phước, huyện Hồng Ngự... (Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ, 2009).
Nguyên nhân chính của việc khiếu kiện, tái khiếu, khiếu tố vượt cấp, đông người là do các địa phương khi thu hồi đất chỉ chú trọng đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi hỗ trợ một phần để đào tạo, chuyển đổi việc làm cho người bị thu hồi đất, chứ chưa quan tâm đầy đủ đến các chính sách chăm lo đời sống cho người dân sau khi bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, do vai trò trách nhiệm Thủ trưởng các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết tranh chấp, khiếu kiện có những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu; việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai nhất là ở cơ sở còn nhiều thiếu sót, bất cập; các yếu kém về tổ chức bộ máy, năng lực cán bộ, công chức,
quan điểm vận dụng pháp luật còn máy móc, thiếu thực tiễn; giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đôi khi không kịp thời, chưa chú trọng đến quyền lợi chính đáng của người dân, gây bức xúc cho nhân dân dẫn đến khiếu kiện. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, bất cập, thiếu đồng bộ, vấn đề xung đột thẩm quyền đối với những tranh chấp khiếu kiện về đất đai đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước 15/10/1993...Ngoài ra do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn nhiều hạn chế. Do vậy, nhận thức và hiểu biết pháp luật của công dân về quan hệ sở hữu đất đai còn sai lệch nên dễ bị kích động, lôi kéo, xúi giục khiếu kiện.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp đã ban hành Chỉ thị số 03 CT/TU ngày 08/3/2001 về việc tăng cường giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đồng thời tổ chức quán triệt và thực hiện một số văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. UBND tỉnh cũng ban hành các Chỉ thị nhằm chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác làm cơ sở để giải quyết các khiếu nại về đất đai (như khung giá đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...)
Từ việc tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo nói trên, vai trò trách nhiệm của Thủ trưởng các ngành, các cấp và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được nâng lên, giải quyết kịp thời các khiếu kiện phát sinh trong thời gian luật định, nhất là đối với các vụ khiếu kiện bức xúc, phức tạp, đông người, kéo dài. Các cơ quan, tổ chức ngày càng xác định rõ hơn trách nhiệm của mình thể hiện qua việc xây dựng quy chế, quy ước phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu kiện theo thẩm quyền. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được tăng cường, xác định kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ bản đã đi vào nề nếp, tỷ lệ giải quyết hàng năm luôn đạt trên 80%, số đơn tồn đọng cũng giảm đến mức thấp nhất, từ đó đã góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển (Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ, 2009).
Từ thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại ở Đồng Tháp trong thời gian qua, có thể nêu lên một số kinh nghiệm trong giải quyết khiếu nại đông người như sau:
- Khi có khiếu kiện đông người lên Trung ương thì Chủ tịch UBND các địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, nếu vì lý do bất khả kháng thì cần bố trí người có trách nhiệm để trực tiếp đối thoại với công dân, trong các trường hợp cần thiết thì phối hợp với cơ quan có thẩm quyền sở tại có biện pháp hành chính để buộc công dân phải chấp hành và trở về địa phương, chấm dứt tình trạng phó mặc cho các cơ quan Trung ương và trụ sở tiếp công dân. Việc giải quyết khiếu nại phải đảm bảo trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Đối với các vụ việc còn tồn đọng, hiện đang khiếu vượt cấp, đông người, Uỷ ban nhân dân các địa phương phải nhanh chóng tổ chức thống kê lại trên cơ sở đó phối hợp với các ngành của tỉnh, với các bộ, ngành chức năng của Trung ương đề ra biện pháp giải quyết tổng thể phù hợp với thực tế tại địa phương mình kể cả các biện pháp cần sự hỗ trợ của Chính phủ thì trình Chính phủ có ý kiến cho phép địa phương thực hiện (như tạo quỹ đất, điều tiết đất của các nông lâm trường, đất đang sử dụng không hiệu quả, đất cấp, cho thuê, cho mượn có nguồn gốc không hợp pháp...v.v). Trong quá trình giải quyết nếu có khó khăn thì phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thống nhất biện pháp giải quyết để công dân chấm dứt khiếu kiện.
- Các địa phương phải công khai, nhất quán các quy hoạch, tránh mâu thuẫn giữa các quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng. Bên cạnh đó, phải quy định rõ quyền lợi người dân sống trong vùng quy hoạch nhưng chưa thực hiện quy hoạch để người dân yên tâm. Trong thực tế nhiều công dân vừa qua trong diện này khiếu nại vì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lo lắng không được bồi thường, không được tái định cư... Có chính sách ưu đãi hơn đối với những hộ dân bị thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, vận dụng linh hoạt các chính sách về giá, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ tạo công ăn việc làm để các hộ dân an tâm ổn định đời sống. Khuyến khích nhà đầu tư đào tạo nghề, thu hút lao động, ưu tiên cho những người lao động bị thu hồi đất. Đối với các dự án phát triển kinh tế, nên có tổ chức tư vấn cho người dân trong đàm phán với các nhà đầu tư, về giá trị tài sản giao dịch, nên khuyến khích các nhà đầu tư thoả thuận cho người dân góp vốn cổ phần đối với tài sản, đất đai (hoặc thuê) để người dân được trực tiếp tham gia vào dự án. Như vậy, Nhà nước vừa giảm được chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, vừa giúp người dân sử dụng nguồn vốn của mình có hiệu quả và cộng đồng trách nhiệm với các nhà đầu tư, xoá bỏ phân
biệt đối xử và rút ngắn chênh lệch giàu nghèo và ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất (Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ, 2009).
- Hàng năm, các địa phương cần ban hành quyết định quy định giá đất tại địa phương sát đúng với giá thị trường để người dân thực hiện đúng nghĩa vụ đóng thuế sử dụng đất. Trước đấy chúng ta thường có chính sách nhẹ thu đối với người dân nên khi định giá đất để thu thuế sử dụng đất không sát đúng, thường thấp hơn giá trị thực tế, do vậy nhà nước không những bị thất thu về thuế, mà người dân bị thu hồi đất lại khiếu nại về việc giá đền bù thấp, không đúng giá thực tế gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng giao đất cho các dự án.
Có thể thấy, các vụ khiếu kiện đông người xẩy ra trong thực tế của các địa phương thường gặp là các khiếu kiện liên quan đến vấn đề quy hoạch, đền bù, giải toả khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho các công trình công cộng, lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng v.v. Tuy nhiên, không phải vụ khiếu kiện đông người nào các cá nhân trong đoàn khiếu kiện cũng đồng nhất về những đòi hỏi phải được giải quyết, hoặc quyền lợi mà họ được thụ hưởng do việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đem lại. Bởi khi có phương án thu hồi đất của Nhà nước thì các cá nhân có đất bị thu hồi trong phạm vi dự án không có cùng diện tích, loại đất, hạng đất giống nhau, tài sản trên đất cũng khác nhau, nên quyền lợi của họ khi được bồi thường sẽ khác nhau. Việc liên kết với nhau để khiếu kiện đông người khi việc đền bù của Nhà nước không thoả mãn đòi hỏi của họ là nhằm gây áp lực với các cơ quan chức năng, và chính quyền địa phương để được sớm giải quyết, mối liên kết này chỉ mang tính nhất thời. Trong số này có người đòi hỏi về giá, có người yêu cầu chính sách tái định cư, có người yêu cầu về đo đếm số lượng tài sản trên đất, loại đất .v.v. Do vậy, việc giải quyết các khiếu kiện đông người không nên thực hiện theo hình thức yêu cầu cử người đại diện của đoàn khiếu kiện đông người tiếp xúc và làm việc với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết như trước đây nhiều địa phương đã thực hiện. Bởi vì, trên thực tế quyền lợi và sự đòi hỏi giải quyết của các thành viên trong đoàn khiếu kiện là khác nhau, không loại trừ lý do người đại diện lúc nào cũng đặt lợi ích của họ lên trên tất cả trong quá trình thương thuyết giải quyết vụ việc. Nên mặc dù các cơ quan có thẩm quyền giải quyết có thể thương lượng được đối với người đại diện ở một mức độ nào đó nhưng khi tập thể đoàn khiếu kiện không thống nhất thì lại phải thương lượng lại từ đầu. Làm như vậy vừa mất thời gian lại
không giải quyết được hết các yêu cầu khiếu nại, vì một số người không trực tiếp đề đạt được yêu cầu của họ, nên càng bức xúc gây mất trật tự, thậm chí quá khích gây rối, làm cho khiếu kiện có thể trở thành “điểm nóng”... Do đó, mọi khiếu kiện đều phải được giải quyết theo các quy định của pháp luật, với cách thức và biện pháp thích hợp. Vấn đề ở đây là việc các cán bộ trực tiếp thụ lý giải quyết phải vận dụng linh hoạt phương pháp giải quyết thích hợp với từng loại đối tượng khiếu kiện và nội dung khiếu kiện. Ngay khi có vụ việc khiếu kiện đông người phát sinh, các cơ quan chức năng, có thẩm quyền nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương nơi xẩy ra khiếu kiện đông người tiến hành tiếp xúc với từng cá nhân và yêu cầu họ thực hiện đơn khiếu nại của mình theo quy định của pháp luật để thụ lý giải quyết thành vụ việc riêng lẻ. Khi cán bộ thụ lý đã tiếp nhận đơn khiếu nại của từng thành viên trong đoàn kiếu kiện, thì họ sẽ yên tâm chờ được xem xét, giải quyết. Sau khi tiếp xúc, phân tích nội dung yêu cầu trong các khiếu nại của từng thành viên trong đoàn khiếu kiện đông người, cán bộ thụ lý phân loại các khiếu nại có cùng nội dung thành từng nhóm để tiến hành tiếp xúc, xác minh, từng trường hợp cụ thể đối chiếu với các văn bản quy định của Nhà nước để đề xuất giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhằm chấm dứt khiếu kiện. Người giải quyết khiếu kiện phải làm tốt công tác tiếp xúc để công tác giải quyết được thuận lợi, đạt hiệu quả cao, hạn chế khiếu kiện tiếp theo. Việc giải quyết của các cơ quan chức năng, của các cấp chính quyền phải đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng các chủ trương, chính sách, các văn bản pháp luật làm căn cứ giải quyết. Không nên vận dụng để giải quyết một vài trường hợp cá biệt gây bất bình trong đám đông và làm phát sinh những khiếu kiện khác đối với các trường hợp đã giải quyết trước đó (Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ, 2009).
Ngoài ra, để hạn chế khiếu nại kéo dài, phức tạp, vượt cấp, đông người chúng ta cũng cần phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu sau:
Một là, phải tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại với công dân để khi giải quyết đảm bảo chính xác, khách quan có tình, có lý và có tính thuyết phục cao. Đối với những trường hợp đã giải quyết thoả đáng, đúng chính sách, đúng pháp luật, thì các cơ quan chức năng, có thẩm quyền phải phối hợp với các cơ