Giải pháp tăng cường quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ tại bệnh viện công

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập huyện thái thụy, tỉnh thái bình (Trang 100 - 104)

TỰ CHỦ TẠI BỆNH VIỆN CÔNG LẬP HUYỆN THÁI THỤY

4.4.1. Mục tiêu, định hướng phát triển các bệnh viện công lập huyện Thái Thụy trong thời gian tới

4.4.1.1. Mục tiêu

Xây dựng bệnh viện công tuyến huyện trở thành đơn vị y tế chuyên sâu của khu vực vành đai biển, có cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, có đội ngũ cán bộ chuyên môn và quản lý đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời gian tới. Lấy người bệnh là trung tâm, sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu phát triển.

4.4.1.2. Các nhiệm vụ trọng tâm

- Kiện toàn tổ chức, tăng cường đào tạo cán bộ: lập kế hoạch, tổ chức đào tạo cán bộ quản lý về mọi mặt như: quản lý bệnh viện, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, học sau và trên đại học để đạt chuẩn cán bộ quản lý bệnh viện. Cử cán bộ đi học nâng cao trình độ và áp dụng những kỹ thuật hiện đại tại các bệnh viện có uy tín; đào tạo, truyền thông giáo dục đạo đức, tác phong, nề lối làm việc, thái độ ứng xử đối với người bệnh và người nhà người bệnh.

Tách các khoa, phòng đến quý III năm 2017 sẽ đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II đối với Bệnh viện đa khoa Thái Thụy.

Hoàn thiện các thủ tục hành chính, đủ về năng lực của cán bộ, đầy đủ cơ sở đề nghị UBND tỉnh tăng giường điều trị cho bệnh nhân theo kế hoạch lên 200 giường vào quý IV năm 2017 đối với Bệnh viện đa khoa Thái Thụy và 150 giường vào quý II năm 2018 đối với Bệnh viện đa khoa Thái Ninh .

Hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ phát triển các kỹ thuật mới được đào tạo như nội soi cổ tử cung, điện não kỹ thuật số, doppler xương sọ, máy đo lưu huyết não, hệ thống X.quang số hóa (DR), siêu âm 4D, siêu âm tim, siêu âm nội mạch, hệ thống chạy thận nhân tạo.

Các điều trị kỹ thuật cao: tiếp tục phát huy hiệu quả của hệ thống mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco, nội soi chẩn đoán và điều trị tai mũi họng, phát triển kỹ thuật lọc máu bằng thận nhân tạo hiện đại, điều trị chỉnh hình răng hàm mặt.

- Tăng cường công tác điều hành quản lý:

Chuyên môn: Xây dựng nền nếp làm việc chính quy, chuyên môn hóa cao, thực hiện tốt các quy chế bệnh viện, quy trình kỹ thuật. Lấy người bệnh là trung tâm, bảo đảm và cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị, tăng cường kiểm soát kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm; phòng ngừa và giảm các tai biến, sai sót chuyên môn, bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Tăng cường triển khai và phát triển y học cổ truyền, xây dựng phác đồ điều trị bằng y học cổ truyền đối với một số bệnh mà y học cổ truyền có khả năng điều trị đạt kết quả tốt.

Giảm bớt các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người bệnh bằng nâng cao chất lượng quản lý, áp dụng hệ thống tin học vào quản lý bệnh viện, thực hiện đề án “Bệnh viện thông minh” của tỉnh.

-Tài chính: Thực hiện tốt nhiệm vụ làm kinh tế y tế theo quy chế bệnh viện, thực hiện tốt công tác xã hội hóa y tế.

Đa dạng hóa các hình thức đầu tư cơ sở vật chất như: sự đầu tư của Nhà nước, các chương trình y tế, mở nhiều hình thức đầu tư xã hội hóa như góp vốn của cán bộ viên chức, đặt thuê máy, phân chia thu nhập theo vốn góp với các đơn vị có đủ năng lực tài chính và có đủ tư cách pháp nhân cũng như năng lực chuyên môn.

Quản lý tốt các nguồn kinh phí, đảm bảo thu đúng thu đủ, tránh thất thoát lãng phí nguồn lực.

Tăng cường kiểm soát nội bộ, công tác kiểm toán và công khai hóa tài chính, hạch toán tới từng bộ phận.

Từng bước khoán định mức kỹ thuật đối với các vật tư y tế tiêu hao.

Kiểm tra, giám sát: thực hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động của bệnh viện, đặc biệt trong công tác chuyên môn và công tác tài chính.

Thi đua, khen thưởng: là điều kiện xuyên suốt trong quá trình phát triển của bệnh viện, tạo động lực lao động, học tập cho mọi cán bộ công nhân viên chức trong bệnh viện.

- Mở rộng hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nghiên cứu khoa học:

Chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật: tiếp tục liên kết với các bệnh viện tuyến truyên, trường cao đẳng, đại học, để đào tạo cán bộ có đủ điều kiện làm chủ các phương tiện hiện đại.

Mở rộng hợp tác quốc tế: chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ thông qua các chương trình y tế nhất là trong huấn luyện và đào tạo.

Đào tạo cán bộ chuyên sâu: đáp ứng cho việc chuyên môn hóa trong từng lĩnh vực chuyên môn làm tăng chất lượng điều trị, nâng cao hiệu quả phục vụ của bệnh viện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học: mời các giảng viên của trường Đại học Y dược Thái Bình đào tạo phương pháp nghiên cứu khoa học cho bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên khác, tạo điều kiện phát triển và hình thành các đề tài khoa học kỹ thuật có tính ứng dụng cao đáp ứng với nhu cầu chuyên môn, hình thành các đề tài khoa học cấp tỉnh.

- Thường xuyên giáo dục y đức, thái độ ứng xử cho cán bộ viên chức và người lao động

Con người là nhân tố, động lực quyết định cho sự phát triển và thành công của bệnh viện, vì vậy công tác truyền thông cho cán bộ viên chức, người lao động về y đức, thái độ ứng xử là nhiệm vụ hàng đầu để có một lực lượng “vừa hồng, vừa chuyên”.

Chủ động hoạt động của bệnh viện trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị kỹ thuật, và nguồn lực tiếp tục thực hiện với các mục tiêu:

Hiệu quả xã hội: bệnh nhân được thụ hưởng các kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị mà không phải đi xa, giảm được các chi phí.

Hiệu quả về chuyên môn: đào tạo được cán bộ có trình độ tay nghề cao, làm chủ được các phương tiện và kỹ thuật hiện đại, đáp ứng được nhu cầu học tập vươn lên của cán bộ viên chức, người lao động.

Hiệu quả về kinh tế: hài hòa lợi ích của nhà nước, của tập thể và lợi ích cá nhân.

- Quan tâm đến đời sống cán bộ viên chức và người lao động

Tạo môi trường làm việc thân thiện, dân chủ, điều kiện làm việc thuận lợi và đề cao giá trị tinh thần, đạo đức của người thầy thuốc, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Tạo nguồn tài chính để đảm bảo thu nhập tăng thêm cho cán bộ gắn liền với hiệu quả hoạt động chuyên môn, để họ luôn an tâm công tác và dồn hết tâm sức vào công tác khám chữa bệnh và các chương trình mục tiêu quốc gia khác góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

4.4.1.3. Quan điểm định hướng về tự chủ tài chính tại bệnh viện công lập trong thời gian tới

Tự chủ tài chính là yêu cầu bắt buộc đối với các đơn vị bệnh viện công, trong bối cảnh bội chi và chủ trương giảm chi thường xuyên. Thực hiện tự chủ là bước đột phá lớn nhằm nâng cao chất lượng mọi mặt, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Thực hiện cơ chế tự chủ đòi hỏi các bệnh viện phải thay đổi thái độ, phong cách phục vụ và không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để bệnh nhân chọn bệnh viện là nơi đến khám chữa bệnh.

Việc tuyển chọn nhân lực, đào tạo nhân lực: đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thực hiện chuyên môn, với kế hoạch phát triển ngắn hạn và dài hạn của bệnh viện. Ưu tiên thi tuyển viên chức với các bác sĩ, lao động có trình độ cao, còn các trường hợp còn lại có thể hợp đồng dài hạn, hợp đồng thời vụ.

Việc đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phải có kế hoạch sát thực tế, tránh lãng phí và đồng bộ với người sử dụng.

Thực hiện tự chủ tài chính không có nghĩa là tận thu, “thị trường hóa”, phải đảm bảo lợi ích 3 bên: nhà nước, tập thể và cá nhân.

Tự chủ tài chính gắn với cơ chế quản lý cơ bản đối với các bệnh viện, gắn vai trò và trách nhiệm của cơ quan BHXH với tư cách là người chi trả, là đối tác chính của các bệnh viện cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh.

Tự chủ tài chính là phải đổi mới toàn diện hoạt động của bệnh viện (về cơ chế, tổ chức quản lý, năng lực quản lý, cơ chế chi trả, phương thức chi trả, cơ chế kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ, cơ chế bảo đảm các chức năng cơ bản của bệnh viện như: điều trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, hoạt động xã hội) và đổi mới quản lý chung đối với việc cung ứng dịch vụ y tế, quản lý chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, với những mục tiêu mang tính nhân văn của lĩnh vực y tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập huyện thái thụy, tỉnh thái bình (Trang 100 - 104)