Đánh giá công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập huyện thái thụy, tỉnh thái bình (Trang 92 - 94)

Các nguồn thu tài chính được quản lý tập trung thống nhất tại phòng Tài chính - kế toán của bệnh viện theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.

Đối với các khoản thu viện phí, cả hai bệnh viện đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện nên việc kiểm tra, kiểm soát này tương đối chặt chẽ, các chi phí phát sinh hàng ngày của người bệnh đều được thống kê, tổng hợp và được áp đúng giá quy định của các cấp có thẩm quyền. Các bác sỹ điều trị, điều dưỡng các khoa và kế toán kiểm soát bệnh án có trách nhiệm ký duyệt bảng kê các khoản chi cho người bệnh để làm căn cứ cho phòng Tài chính - kế toán thực hiện việc thu viện phí. Các bảng kê này đều được người bệnh hoặc người nhà người bệnh ký xác nhận trước khi thanh toán trực tiếp với người bệnh hoặc với cơ quan Bảo hiểm y tế.

Việc thu viện phí trực tiếp của người bệnh đều sử dụng hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, một liên của hóa đơn trả cho người bệnh.

Cuối mỗi tháng, trước khi ký xác nhận báo cáo tổng hợp thu viện phí, các kế toán viên đều thực hiện việc kiểm tra chéo giữa các bộ phận thu viện phí và đối chiếu với khoa phòng về số bệnh nhân xuất viện thanh toán. Mặt khác, hàng tháng, tổ giám định BHYT tập trung của BHXH tỉnh Thái Bình tổ chức giám định thanh toán kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chấn chỉnh kịp thời các sai xót như lạm dụng quỹ BHYT, cung ứng sử dụng thuốc ngoài quy định, công khai sử dụng dịch vụ cho người bệnh.

Nguồn viện trợ và nguồn thu khác: khi tiếp nhận hàng viện trợ đều có các thủ tục xác nhận viện trợ theo quy định, các nguồn thu bằng tiền mặt của bệnh viện được quản lý chặt chẽ theo chế độ của Nhà nước quy định.

Đối với các khoản chi đều phải có kế hoạch được duyệt, thực hiện đúng các quy định của luật ngân sách, chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, chế độ đấu thầu và mua sắm tài sản.

Các kế toán viên thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát về giá, chất lượng, số lượng, lô sản xuất, hạn dùng của hàng hóa, sản phẩm trước khi nhập kho.

Các khoản chi đúng chế độ, định mức do cơ quan có thẩm quyền quy định và công khai trong Quy chế chi tiêu nội bộ, được Giám đốc bệnh viện duyệt chi. Thông qua Quy chế chi tiêu nội bộ còn là cơ sở để cán bộ nhân viên bệnh viện, Kho bạc nhà nước làm căn cứ để giám sát chi.

Ngoài ra, các bệnh viện còn chịu sự kiểm tra, giám sát theo kế hoạch hoặc đột xuất của các cấp có thẩm quyền như Kiểm toán nhà nước, Thanh tra kho bạc tỉnh, Thanh tra tỉnh, Thanh tra của Sở Tài chính, kiểm tra của phòng Kế hoạch – tài chính Sở Y tế, kiểm tra của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình.

Quy chế chi tiêu nội bộ được xây dựng từ đầu năm, được thảo luận rộng rãi tại Hội nghị cán bộ công nhân viên chức. Trong năm, nếu có sự thay đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế để hoạt động, Ban lãnh đạo xin ý kiến của cán bộ viên chức tại các cuộc họp cơ quan, quyết định thực hiện. Hoạt động quản lý tài chính của các bệnh viện công huyện Thái Thụy trước hết chịu sự kiểm tra, kiểm soát của nội bộ đơn vị. Phòng Tài chính - kế toán của các bệnh viện phải tự tổ chức kiểm tra, giám sát chéo giữa các bộ phận và đối chiếu với các khoa phòng, bộ phận về các khoản thu. Bộ phận Ban thanh tra nhân dân có quyền kiểm tra nội bộ theo yêu cầu của Ban lãnh đạo, Ban chấp hành công đoàn về công tác thu – chi tài chính.

Bảng 4.19. Bảng tổng hợp ý kiến đánh giá về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán công tác tài chính hàng năm

Nội dung

BĐK Thái Thụy (tổng phiếu điều tra: 12)

BVĐK Thái Ninh (tổng phiếu điều tra: 12) Rất hợp lý (%) Hợ p lý (%) Hợp lý một phần (%) Khôn g hợp lý (%) Rất hợp lý (%) Hợ p lý (%) Hợp lý một phần (%) Không hợp lý (%)

1. Thực hiện kiểm tra nội bộ, kiểm tra chéo về công tác tài chính

25 67 8 92 8

2. Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán theo kế hoạch, đột xuất của các đơn vị cấp trên

17 75 8 100

Nguồn: Tổng hợp từ phiếu điều tra của tác giả (2017)

Hàng tháng, bộ phận Tài chính - kế toán báo cáo, công khai tài chính trước Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ về các khoản thu, chi trong tháng tại đơn vị và dự kiến mức chi thu nhập tăng thêm ngoài lương cho từng cán bộ.

Ngoài ra, hàng năm đơn vị còn chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của Sở Y tế, Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước tỉnh, Thanh tra tỉnh, Kiểm toán nhà nước, về các hoạt động tài chính của đơn vị.

Trong công tác kiểm tra nội bộ cũng như kiểm tra của các đơn vị cấp trên vẫn còn những yếu tố chưa phù hợp, chưa sát sao với tình hình thực tế. Cán bộ phòng Tài chính kế toán đã chủ động kiểm tra việc thống kê thanh toán với bệnh án nhưng chưa kiểm soát được số thuốc, vật tư y tế đã đến tay bệnh nhân chưa, còn hiện tượng lạm dụng bệnh án ảo không? hoặc việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật ngoại trú đã được thu đủ chưa, còn tình trạng “thanh toán trực tiếp” với cán bộ trực tiếp làm kỹ thuật không? Việc kiểm tra, giám sát của cơ quan BHXH về công tác thanh toán tài chính khám chữa bệnh còn chồng chéo, hàng tháng tổ giám định tập trung của cơ quan BHXH tỉnh thực hiện giám định kiểm tra tại đơn vị để quyết toán hàng quý, nhưng một năm thì vẫn có phòng Giám định cũng của cơ quan BHXH tỉnh về thẩm định thanh toán lại, còn có các đơn vị Thanh tra, Kiểm toán BHXH Việt Nam tiếp tục kiểm tra xuất toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT, gây không ít bức xúc cho cán bộ y tế.

Các chế độ, chính sách được thể hiện công khai, chi tiết tại Quy chế chi tiêu nội bộ, cũng là căn cứ để đối chiếu giám sát các chế độ người lao động được hưởng. Công tác tài chính đã đảm bảo tính công khai, minh bạch tới cán bộ nhân viên trong đơn vị, góp phần ổn định chính trị, đoàn kết nội bộ, tư tưởng của người lao động yên tâm công tác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập huyện thái thụy, tỉnh thái bình (Trang 92 - 94)