Các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ đối với đơn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập huyện thái thụy, tỉnh thái bình (Trang 28 - 33)

với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế

2.1.3.1. Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, chiến lược phát triển của ngành

- Cùng với các chính sách mới về kinh tế, xã hội, trong những năm qua nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách để củng cố, phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế đồng thời đảm bảo công bằng và hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và cá chính sách về tài chính áp dụng cho quản lý trong bệnh viện nói riêng. Các chính sách này tạo hành lang pháp lý cho bệnh viện tổ chức tốt quản lý tài chính trong đó phải kể đến chính sách viện phí và bảo hiểm y tế.

- Cùng với chính sách của Đảng và Nhà nước, ngành Y tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia bảo vệ sức khỏe, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 qua quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính Phủ, trong đó nêu rõ các mục tiêu cần thực hiện cụ thể:

+ Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và tàn tật; khống chế các bệnh truyền nhiễm, các bệnh gây dịch thường gặp và mới nổi, không để dịch lớn xảy ra. Hạn chế, tiến tới kiểm soát các yếu tố nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm, các bệnh liên quan đến môi trường, lối sống, hành vi, an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng, bệnh học đường.

+ Nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Phát

triển y tế phổ cập, bác sỹ gia đình, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao phủ y tế toàn dân kết hợp với phát triển y tế chuyên sâu. Tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Phát triển y tế ngoài công lập, tăng cường phối hợp công - tư. Hiện đại hóa và phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

+ Chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý, khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng đủ nhu cầu dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của người dân, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng, tăng cường lồng ghép các yếu tố về dân số vào hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành.

+ Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng; tăng cường nhân lực y tế cho khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và một số chuyên khoa; chú trọng phát triển nhân lực y tế có trình độ cao; mở rộng đào tạo điều dưỡng trình độ đại học, cao đẳng, tiến tới đạt cơ cấu hợp lý giữa bác sỹ và điều dưỡng, kỹ thuật viên, bảo đảm cân đối giữa đào tạo và sử dụng nhân lực y tế.

+ Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính ngành y tế, tăng nhanh đầu tư công cho y tế, phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe; sử dụng nguồn tài chính y tế hiệu quả.

+ Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, máu, chế phẩm máu và trang thiết bị y tế có chất lượng với giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân; quản lý, sử dụng thuốc và trang thiết bị hợp lý, an toàn và hiệu quả.

+ Nâng cao năng lực quản lý và năng lực thực hiện chính sách y tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển hệ thống thông tin y tế đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển ngành y tế.

2.1.3.2. Đội ngũ cán bộ

Để quản lý tài chính bệnh viện theo cơ chế tự chủ có hiệu quả cần ít nhất 3 yếu tố chính: con người; cơ sở vật chất, trang thiết bị và tình trạng kinh tế của địa phương.

Một vài năm trở lại đây, đội ngũ cán bộ y tế đã có những bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Chính phủ, Bộ Y tế đã có những chính sách khuyến khích đào tạo, đãi ngộ cán bộ y tế, mạng lưới các cơ sở đào tại cán bộ y

tế đã được mở rộng với nhiều hình thức đào tạo nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ y tế nhất là đối với cán bộ có trình độ đại học.

Tuy nhiên, công tác đào tạo cán bộ y tế còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, Bộ Y tế chưa có chương trình thực tập chuẩn 18 tháng tại các bệnh viện cho các bác sỹ sau khi tốt nghiệp đại học y để đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Mặc dù đã có những chuyển biến trong tuyển dụng, phân bổ nhân lực vẫn còn nhiều bất cập, cán bộ y tế có trình độ đại học tập trung chủ yếu ở các thành phố và khu vực kinh tế phát triển. Hiện có tới 45% nhân lực y tế có trình độ đại học trở nên ở tuyến trung ương, trong khi ở địa phương chỉ là 23%. Tại địa phương, 50% bác sỹ và 69% dược sỹ đại học làm việc ở tuyến tỉnh, 34% bác sỹ và 31% dược sĩ đại học làm việc ở tuyến huyện, còn lại là ở tuyến xã. Mặt khác, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa phù hợp, chưa tương xứng với thời gian học tập, công sức, môi trường, điều kiện làm việc vất vả, độc hại, nguy hiểm, nhất là các tuyến cơ sở. (Đỗ Thị Nhường, 2017).

Do vậy, đối với với các bệnh viện tuyến huyện những năm qua việc tuyển dụng các bác sỹ còn gặp rất nhiều khó khăn, có những năm chỉ tuyển được 1 đến 2 bác sỹ chính quy ra trường, tỷ lệ bác sỹ trên một vạn dân theo quyết định 2992/QĐ-BYT ngày 17/7/2015 đến năm 2020 là 8 bác sỹ trên 1 vạn dân nhưng tại các bệnh viện công huyện Thái Thụy chỉ có 61 bác sỹ trên 27 vạn dân tương ứng với 2,3 bác sỹ trên 1 vạn dân (năm 2011 khu vực đồng bằng Sông Hồng là 5,3 bác sỹ/1 vạn dân).

2.1.3.3. Cở sở vật chất trang thiết bị

Trước tình hình cơ sở hạ tầng của các cơ sở y tế bị xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu, các bệnh viện tuyến huyện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên chất lượng chưa cao, người dân chưa tin tưởng tuyến dưới, luôn có xu hướng vượt tuyến lên tuyến trên, là một trong những nguyên nhân dẫn đến quá quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, ngay từ năm 2005, Bộ Y tế đã phối hợp với các địa phương xây dựng đề án Nâng cấp bệnh viện tuyến huyện giai đoạn 2005 – 2008 từ nguồn Ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ.Các cơ sở y tế tuyến huyện đã khang trang, rộng rãi hơn, số giường bệnh được tăng thêm.

Tuy nhiên một số công trình được xây dựng từ những năm 2000 đến nay đã xuống cấp, các phòng bệnh trở lên lạc hậu không đạt quy chuẩn, không đáp ứng được việc mở rộng phát triển bệnh viện.

Trang thiết bị y tế được các chương trình y tế tài trợ như Unicef, EU, GIZ, KfW, phần nào tháo gỡ được khó khăn về nhu cầu trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến huyện trong khi khoản đầu tư này từ ngân sách nhà nước là không có. Tuy nhiên, các chương trình tài trợ không xuất phát từ nhu cầu thực tế của các bệnh viện, nên có trang thiết bị hiện đại nhưng không có nhân lực để sử dụng, các trang thiết bị có nhu cầu sử dụng ngay thì lại không có, gây lãng phí nguồn đầu tư. Nhiều năm gần đây, ngân sách nhà nước không bố trí đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện, trong khi quỹ phát triển sự nghiệp được trích tối thiểu 25% từ chênh lệch thu chi sự nghiệp nhưng các bệnh viện trích tối đa chỉ đạt 25% không đủ để sửa chữa, bổ sung, mua sắm các trang thiết bị hiện đại, có giá trị lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ thuật và nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

2.1.3.4. Tài chính bệnh viện

Mặc dù nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cấp về giá trị tuyệt đối tăng hàng năm nhưng tỷ trọng lại giảm. Hạn chế về nguồn kinh phí vẫn là khó khăn nổi bật của hầu hết các bệnh viện. Nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng trong khi chi ngân sách cho y tế không được đầu tư ở mức độ tương ứng. Khung giá viện phí hiện nay vẫn ở mức thu một phần viện phí gây nhiều khó khăn cho các bệnh viện trong việc đảm bảo kinh phí hoạt động trong bối cảnh thực hiện tự chủ về tài chính.

Hiện nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, nguồn thu từ bảo hiểm y tế chiếm khoảng 95% tổng thu viện phí. Tuy nhiên, cơ chế thanh toán kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay gây ra tình trạng bệnh viện tuyến dưới không muốn chuyển người bệnh lên tuyến trên. Tình trạng chậm thanh quyết toán kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, không thống nhất giữa cơ quan bảo hiểm y tế và bệnh viện đã gây khó khăn cho các bệnh viện.

2.1.3.5. Quản lý nhà nước về y tế

Năm 2003, Trung tâm y tế huyện Thái Thụy chia tách thành trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện huyện và phòng y tế huyện. Trong khi số bác sỹ làm việc tại tuyến huyện, xã còn ít thì việc chia tách đòi hỏi bổ nhiệm thêm cán bộ lãnh đạo gây thiếu hụt cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên môn.

- Một số vấn đề khác như tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm và lạm dụng kỹ thuật trong khám, chữa bệnh.

Giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC đối với thu trực tiếp từ người bệnh, theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT- BYT-BTC đối với người bệnh có thẻ BHYT, tuy nhiên đến nay chưa được thực hiện đúng lộ trình, nên hầu hết các bệnh viện gặp khó khăn, phải tìm mọi biện pháp tăng thu, cải thiện đời sống nhân viên y tế, vì vậy tình trạng thu hút lao động chất lượng cao, mở rộng các dịch vụ kỹ thuật nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh là rất khó khăn và xu hướng lạm dụng xét nghiệm, kỹ thuật là khó tránh khỏi.

Ngày 04/6/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Quyết định số 2151/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Bộ Y tế cam kết, 100% số cán bộ y tế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ hành chính, điều dưỡng viên, nữ hộ sinh, bảo vệ - những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân sẽ được tập huấn về giao tiếp, ứng xử với người bệnh. Các bệnh viện phải thành lập các đơn vị chăm sóc khách hàng; duy trì, củng cố hòm thư góp ý, đường dây nóng, triển khai Đề án Tiếp sức người bệnh; xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực. Tất cả đều không nằm ngoài mục đích đem lại sự hài lòng cho người bệnh.

Ngày 17/7/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra quyết định số 2992/QĐ-BYT phê duyệt kế hoạch phát triển nhân lực trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2015 – 2020 với mục tiêu: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Tăng nhanh số lượng nhân lực, nhất là bác sỹ, ưu tiên nhân lực cho các địa phương còn nhiều khó khăn, các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã.

- Chú trọng phát triển đội ngũ bác sỹ chuyên khoa.

- Nâng cao trình độ và năng lực quản lý điều hành nhân lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý bệnh viện;

- Xây dựng chính sách và chế độ đãi ngộ hợp lý cho nhân lực khám bệnh chữa bệnh.

Các chỉ tiêu về nhân lực y tế cần đạt vào năm 2020:

- Trong lĩnh vực khám bệnh chữa bệnh, đạt chỉ tiêu 8 bác sỹ, 2 dược sỹ đại học và 16 điều dưỡng cho 10.000 dân.

- Mỗi bệnh viện tuyến huyện có ít nhất 5 bác sỹ chuyên khoa cấp I thuộc các chuyên ngành chủ yếu, bao gồm nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa và truyền nhiễm.

- Đạt 90% tổng số các lãnh đạo bệnh viện được đào tạo và cấp chứng chỉ về quản lý bệnh viện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập huyện thái thụy, tỉnh thái bình (Trang 28 - 33)