3.2.2.1. Thông tin thứ cấp
Các thông tin về điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội, cũng như tình hình dân số lao động, đất, kết quả sản xuất nông nghiệp, kết quả tổ chức hoạt động khuyến nông … được lấy từ các báo cáo tổng kết hoạt động khuyến nông qua các năm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện, Niên giám thống kê, Internet, sách,…
Qua nguồn số liệu này giúp ta khái quát được tình hình chung của hệ thống khuyến nông và thực trạng chất lượng hoạt động khuyến nông.
3.2.2.2. Thông tin sơ cấp
Số liệu mới được tiến hành thu thập qua điều tra, phỏng vấn đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp và hộ nông dân ở các xã đã được chọn làm điểm nghiên cứu. Trong quá trình thực hiện đề tài, nghiên cứu sử dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu khác nhau để lấy thông tin số liệu mới. Trong đó chủ yếu là thông qua công cụ PRA (đánh giá có sự tham gia) được phối hợp sử dụng khi tiến hành điều tra. Để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của đề tài, các số liệu mới được thu thập từ nhiều nguồn và nhiều đối tượng khác nhau. Các hình thức thu thập sử dụng trong nghiên cứu bao gồm: phỏng vấn trực tiếp bằng phiếu điều tra, thảo luận nhóm và hội thảo có sự tham gia của các nhóm đối tượng khác nhau. Số lượng mẫu điều tra và đối tượng điều tra như được trình bày tại bảng 3.6.
Bảng 3.6. Số lượng cán bộ khuyến nông và nông dân được điều tra
Diễn giải Số phiếu Tỷ lệ (%)
1. Cán bộ lãnh đạo KN tỉnh 10 7,13
2. Cán bộ khuyến nông cấp huyện 20 14,29
3. Khuyến nông viên cơ sở (12 huyện, thành phố) 20 14,29
4. Hộ nông dân 90 64,29
- Xã Đức Chính 30 21,43
- Xã Lạc Long 30 21,43
- Xã Ngô Quyền 30 21,43
Tổng 140 100
- Điều tra cán bộ lãnh đạo khuyến nông tỉnh 10 người, chiếm 7,13% tổng số phiếu điều tra;
- Điều tra cán bộ khuyến nông cấp huyện: tổng số cán bộ điều tra là 20 người, chiếm tỷ lệ 14,29% tổng số phiếu điều tra. Trong đó lực lượng cán bộ khuyến nông cấp huyện là mỗi trạm từ một đến hai người, cán bộ khuyến nông viên cơ sở ở 12 huyện thành phố là 20 người.
- Điều tra hộ nông dân: tại 3 xã được chọn làm điểm nghiên cứu, mỗi xã chọn ngẫu nhiên 30 hộ nông dân để phỏng vấn bằng bộ câu hỏi định sẵn. Tổng số có 90 hộ nông dân, chiếm tỷ lệ 64,29% tổng số phiếu điều tra.
Trước khi tiến hành điều tra chính thức, nghiên cứu có tiến hành điều tra thử các nhóm đối tượng để hoàn thiện biểu phiếu điều tra. Và dựa trên các kết quả thu thập được từ cán bộ khuyến nông và hộ nông dân, nghiên cứu tiến hành phân tích và xử lý số liệu đưa ra nhận định và đánh giá về hoạt động khuyến nông trên địa bàn cùng các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động khuyến nông ở Hải Dương.
Ngoài ra, nghiên cứu còn tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực khuyến nông cùng các cấp lãnh đạo trên địa bàn Hải Dương để lấy ý kiến đánh giá về hoạt động khuyến nông trên địa bàn.