Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.4. Nội dung đánh giá chất lượng hoạt động khuyến nông
2.1.4.1. Tiêu chí chung
Hoạt động khuyến nông có những tiêu chí chung như sau: Làm thay đổi nông dân hay nông trại, tạo động cơ để nông dân thực hiện quyết định của mình; Giáo dục và huấn luyện nông dân giúp họ thành lập các tổ chức, các hội nông dân cùng nhau phát triển sản xuất kinh doanh; Giúp nông dân quyết định mục tiêu, đạt được mục đích, cho họ lời khuyên đúng lúc để họ nhận thức được vấn đề, nông dân có thể lựa chọn, thông báo cho họ kết quả mong đợi của sự lựa chọn. Như vậy hoạt động của khuyến nông luôn mang theo tiêu chí chung làm lợi cho dân, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp nông thôn.
2.1.4.2. Tiêu chí cụ thể cho từng hoạt động
Theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông quy định hoạt động khuyến nông Việt Nam có những nội dung chủ yếu sau
+ Thông tin, tuyên truyền
Tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiến bộ khoa học và công nghệ, thông tin thị trường, giá cả, phổ biến điển hình tiên tiến trong sản xuất, quản lý, kinh doanh, phát triển nông nghiệp, thủy sản.
Xuất bản, hướng dẫn và cung cấp thông tin đến người sản xuất bằng các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, hội thảo, hội thi, hội chợ, triển lãm và các hình thức thông tin tuyên truyền khác.
+ Bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo
Bồi dưỡng, tập huấn và truyền nghề cho người sản xuất để nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, quản lý kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.
Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người hoạt động khuyến nông, khuyến ngư (Chính phủ, 2010)
Tổ chức tham quan, khảo sát, học tập trong và ngoài nước.
Tập huấn là phương pháp huấn luyện mà cán bộ khuyến nông trực tiếp trình bày với nông dân một chuyên đề nào đó để nông dân hiểu rõ và áp dụng đúng kỹ thuật trong hoạt động sản xuất của họ
* Các bước thực hiện
Xác định mục tiêu tập huấn: thường gắn với dự án và công trình phát triển; Phối hợp với địa phương và cộng đồng: Lãnh đạo địa phương và cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc phối hợp thực hiện các công trình. Cần phối hợp với các tổ chức xã hội, quần chúng để động viên sự tham gia của dân vào hoạt động khuyến nông;
Chọn học viên tham gia tập huấn + Phải là nông dân trực tiếp sản xuất; + Muốn tham gia học và có cùng quan tâm;
+ Chú ý tỷ lệ Nam và Nữ, tuổi;
+ Phân bố đối tượng đồng đều ở thôn bản;
Chuẩn bị mô hình: Mô hình có tính đối chứng. Cần có phương tiện, mẫu vật, vật dụng và tài liệu;
Họp mặt nông dân: Trong cuộc họp này nên để nông dân ngồi thành hình tròn, để mọi người tự giới thiệu về mình, giảng viên nên tự giới thiệu trước và tạo không khí vui vẻ;
Tổ chức nhóm tập huấn: Phân loại nội dung để hình thành nên các nhóm, các lớp có cùng quan tâm, điều kiện kinh tế, nhận thức. Phân công nội dung thực hiện các chuyên đề nhỏ;
Trong quá trình tập huấn: Giảng viên trình bày đơn giản, hấp dẫn, dễ hiểu; cổ vũ nông dân thảo luận, làm, quan sát và phân tích.
+ Xây dựng mô hình và chuyển giao khoa học công nghệ
Xây dựng các mô hình trình diễn về tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp với từng địa phương, nhu cầu của người sản xuất.
Xây dựng các mô hình công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Chuyển giao kết quả khoa học công nghệ từ các mô hình trình diễn ra diện rộng (Chính phủ, 2010)
a. Sự cần thiết phải xây dựng các mô hình điểm
Để giúp cho người dân phát triển sản xuất và xóa đói giảm nghèo, việc xây dựng các mô hình sản xuất là rất cần thiết vì các lý do sau đây:
- Thực tế đã khẳng định, muốn làm giàu trong sản xuất nông, thì không thể sản xuất theo kiểu quảng canh, tự cấp, tự túc mà phải áp dụng các kỹ thuật tiến bộ, thâm canh tăng năng suất và tiến đến sản xuất theo hướng hàng hóa;
- Để đáp ứng yêu cầu của việc chuyển đổi phương thức canh tác nhằm phù hợp với thực tế sản xuất. Ví dụ, hiện nay khi diện tích bãi chăn thả ngày càng bị thu hẹp, việc duy trì số lượng đàn bò là rất khó khăn nếu vẫn thực hiện phương thức chăn thả truyền thống như trước đây. Do vậy, việc xây dựng các mô hình nuôi bò bán thâm canh là cần thiết để hướng dẫn cho người dân chuyển đổi
phương thức chăn nuôi nhằm thích ứng với tình hình mới của thực tiễn sản xuất để phát triển sản xuất chăn nuôi bò;
- Đáp ứng các nhu cầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp với điều kiện sinh thái để đem lại hiệu quả kinh tế, hoặc phải luồn lách theo thời vụ nhằm né tránh thời tiết khắc nghiệt;
- Nhằm tạo cho người dân về ý thức phát triển bền vững, nghĩa là phát triển kinh tế phải quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên;
- Tạo những hình mẫu về sản xuất để tổ chức các chuyến thăm quan học tập, các lớp tập huấn hay hội nghị đầu bờ nhằm chuyển giao các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất theo cách “nông dân tự chuyển giao cho nông dân”;
- Để ứng dụng những kỹ thuật mới hoặc thuyết phục người dân trước khi phổ biến ra diện rộng. Góp phần khẳng định tính khả thi của một phương án sản xuất để giai đoạn tiếp theo chỉ cần tiếp tục bổ sung chứ không cần mày mò thử nghiệm mà có thể yên tâm phát triển diện rộng khi có vốn đầu tư và có thị trường tiêu thụ sản phẩm;
Xây dựng mô hình điểm là phương pháp chủ đạo để chuyển giao các kỹ thuật tiến bộ cho người dân. Đây là phương pháp rất thành công, nhất là với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Và theo đánh giá của người dân thì xây dựng mô hình điểm là rất quan trọng vì: Nông dân chỉ làm theo khi họ thấy được kết quả và, mô hình là nhằm để khẳng định tính phù hợp của kỹ thuật tiến bộ tại địa phương.
b. Một số nguyên tắc khi thực hiện mô hình điểm
- Phải đáp ứng các nhu cầu đích thực của nông dân và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho họ;
- Người dân cần xác định rõ trách nhiệm của mình khi tham gia mô hình. Phải làm cho dân hiểu: Làm mô hình là vì lợi ích của chính họ, không phải làm cho dự án;
- Khuyến khích sự tham gia của người dân càng nhiều càng tốt, đó chính là điều kiện để đảm bảo tính bền vững của mô hình;
- Thông qua mô hình điểm để xây dựng năng lực và chuyển giao kỹ thuật cho người dân;
- Cần xác định qui mô phù hợp với khả năng đầu tư của dân để có thể thực hiện thành công mô hình và nhân rộng sau này;
- Kỹ thuật chuyển giao phải phù hợp với trình độ dân trí và các điều kiện thực tế của địa phương;
- Chú ý sự phát triển bền vững và khả năng để nhân rộng.
+ Tư vấn và dịch vụ
Tư vấn, hỗ trợ chính sách, pháp luật về: đất đai, thủy sản, thị trường, khoa học công nghệ, áp dụng kinh nghiệm tiên tiến trong sản xuất, quản lý, kinh doanh về phát triển nông nghiệp, thủy sản.
Dịch vụ trong các lĩnh vực: pháp luật, tập huấn, đào tạo, cung cấp thông tin, chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thị trường, giá cả, đầu tư, tín dụng, xây dựng dự án, cung ứng vật tư kỹ thuật, thiết bị và các hoạt động khác có liên quan đến nông nghiệp, thủy sản theo quy định của pháp luật (Chính phủ, 2010).
Tư vấn, hỗ trợ việc khởi sự doanh nghiệp nhỏ và vừa lập dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, tuyển dụng, đào tạo lao động, huy động vốn, xin ưu đãi đầu tư và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn theo vùng, lãnh thổ và địa phương (Chính phủ, 2010).
Tư vấn, hỗ trợ phát triển, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến nông lâm, thủy sản, nghề muối.
Tư vấn, hỗ trợ quản lý, sử dụng nước sạch nông thôn và vệ sinh môi trường nông thôn.
Tư vấn, hỗ trợ đổi mới tổ chức, cải tiến quản lý, hợp lý hoá sản xuất, hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, của tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (Chính phủ, 2010).
Tham gia các hoạt động về khuyến nông, khuyến ngư trong các chương trình hợp tác quốc tế.
Trao đổi kinh nghiệm khuyến nông, khuyến ngư với các tổ chức, cá nhân nước ngoài và các tổ chức quốc tế (Chính phủ, 2010)
Như vậy, nội dung hoạt động của khuyến nông là rất rộng rãi liên quan đến rất nhiều mặt của cuộc sống như kinh tế, xã hội và môi trường. Khuyến nông làm tốt nội dung này sẽ giúp cho người nông dân phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên hoạt động khuyến nông có hiệu quả hay không còn phụ thuộc nhiều đến việc nghiên cứu để từ đó đưa ra những kỹ thuật tiến bộ mới phù hợp với điều kiện sản xuất, tập quán canh tác của nông dân địa phương, từ đó họ đến với khuyến nông hoàn toàn tự nguyện.