Kinh nghiệm thực thi chính sách bảo trợ xã hội ở trong nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả thực thi chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 46 - 49)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.2. Kinh nghiệm thực thi chính sách bảo trợ xã hội ở trong nước

Thời gian qua, công tác bảo trợ xã hội nhiều địa phương trên cả nước đã đạt được những kết quả nhất định.

* Kinh nghiệm ở tỉnh Thái Bình: Trong thời gian qua, Thái Bình đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng yếu

thế, Ngoài chính sách theo quy định của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh cũng đã ban hành thêm một số chính sách ưu tiên, trợ giúp cho các đối tượng có cuộc sống ổn định và hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng. Sở LĐTBXH đã tích cực phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ để triển khai tổ chức thực hiện. Từ năm 2011 đến năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành 04 văn bản chỉ đạo về thực hiện trợ giúp xã hội, liên sở đã ban hành 07 văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện, ngoài ra Sở có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh công tác trợ giúp xã hội cơ sở. Tổ chức tập huấn chính sách mới cho cán bộ LĐTBXH cấp huyện, xã. Riêng chính sách đối với người khuyết tật, Sở LĐTBXH phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn cho trên 2.000 người là thành viên của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã, phường, thị trấn; tập huấn cho gần 600 cán bộ là Chủ tịch, cán bộ LĐTBXH cấp xã về thực hiện Nghị định 136 và Thông tư số 29. Bên cạnh đó, do hậu quả của chiến tranh và từ những nguyên nhân khác nhau nên Thái Bình có số lượng đối tượng bảo trợ xã hội lớn. Thái Bình đang chi trả cho 93.945 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó, thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 57.929 người cao tuổi (theo Nghị định số 06) chiếm 61,7%, chi trả trợ cấp cho NKT: 31.483 đối tượng (chiếm 33,5%) với tổng kinh phí gần 275 tỷ đồng (Thái Bình đang thực hiện mức và hệ số theo quy định của Chính phủ đối với đối tượng tại cộng đồng). Đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội là 677 người (trong đó, đang quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở là 291 người). Ngoài mức quy định của Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ thêm tiền ăn cho đối tượng 150.000 đồng/người/tháng. Chính sách trợ giúp đột xuất được tỉnh thực hiện kịp thời đã giúp đời sống nhân dân khi bị rủi ro do thiên tai, tai nạn nghiêm trọng và những lý do bất khả kháng khác để nhanh chóng ổn định đời sống, ổn định sản xuất, đảm bảo kịp thời, nhanh, chính xác, không bỏ sót, nhầm lẫn hoặc tràn lan. Có thể thấy một trong những thành công trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên ở Thái Bình, đó là tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác triển khai, thực hiện kịp thời, quan tâm đến việc thực hiện chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác xét duyệt hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội cơ bản được các địa phương thực hiện tốt. Công tác tuyên truyền được trú trọng, các văn bản chỉ đạo từ cấp trung ương, cấp tỉnh thường xuyên được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở cấp xã, phường, thị trấn được đăng tải trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã để nhân dân được biết và cùng giám sát kiểm tra thực hiện (Khuyết danh, 2016b).

* Kinh nghiệm thực hiện chính sách BTXH ở tỉnh Quảng Ninh: Các đối tượng BTXH được quan tâm, thực hiện trợ cấp theo mức chuẩn của tỉnh kịp thời, đúng đối tượng. Điểm nổi bật của Quảng Ninh là thực hiện triển khai “chính sách bảo trợ xã hội đối với các thành viên thuộc hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh”. Đây là chính sách có tính đặc thù riêng của tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, các đối tượng thụ hưởng chính sách này được hưởng trợ cấp hàng tháng/người bằng 1,5 lần mức chuẩn của tỉnh quy định từng thời kỳ dành cho đối tượng BTXH trên địa bàn (được hưởng 450.000đ/người/tháng). Đối tượng thụ hưởng là người thuộc hộ nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, được UBND cấp xã đánh giá xác nhận thuộc hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo. Trong đó tất cả thành viên trong hộ hộ gia đình chưa có khả năng lao động hoặc không có khả năng tham gia lao động sản xuất, thuộc một trong các trường hợp sau: Trẻ em chưa đủ 15 tuổi, trường hợp đang học phổ thông, học nghề, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tối đa đến 22 tuổi; Người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên không có khả năng tham gia lao động sản xuất tạo ra thu nhập cho hộ gia đình; Người khuyết tật không có khả năng lao động sản xuất tạo ra thu nhập cho hộ gia đình; Người bệnh ốm đau thường xuyên (Khuyết danh, 2016a).

* Kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh: Công tác trợ giúp xã hội cho các đối tượng BTXH luôn được thành phố quan tâm. Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện trên địa bàn thành phố. Thực hiện Đề án 32, TP.HCM đã đào tạo cho 501 cán bộ, công chức, viên chức của xã, phường, tổ chức chính trị- xã hội, Trung tâm bảo trợ xã hội công lập, cơ sở giáo dục Lao động xã hội, trong đó bậc đại học hệ vừa học, vừa làm là 254 người; bậc trung cấp là 247 người; đồng thời cử 65 người tham gia chương trình đào tạo tập huấn do Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Philipine tổ chức, bao gồm lớp CTXH cấp cao là 30 người, thạc sỹ CTXH là 16 người và lớp đào tạo giảng viên dạy nghề CTXH là 22 người. TP.HCM hiện có 453.992 người cao tuổi, 49.699 người khuyết tật và 1,4 triệu trẻ em; số đối tương được hưởng trợ cấp thường xuyên tại phường, xã là 130.000 người, có 16 trung tâm bảo trợ xã hội công lập nuôi dưỡng trên 6.500 người; 58 cơ sở ngoài công lập đang nuôi dưỡng trên 3.200 đối tượng; 17 cơ sở cai nghiện ma túy đang quản lý 11.000 người nghiện. Hơn 3.000 cán bộ, viên chức, người lao động, nhân viên CTXH trên địa bàn thành phố đã cung cấp dịch vụ cho nhóm đối tượng nêu trên (Lê Việt, 2017).

* Kinh nghiệm của Quận Long Biên, TP Hà Nội

Quận Long Biên là quận thuộc thành phố Hà Nội, là một trong những quận được thành lập sau nên quận đã có nhiều lợi thế, điều kiện về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. BTXH được quận quan tâm đặt lên hàng đầu trong chính sách ASXH, gồm chính sách trợ cấp hàng tháng, đột xuất, chăm sóc y tế, chăm sóc giáo dục, hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ cho vay vốn...và đã có nhiều chính sách ưu đãi đặc thù đối với người nghèo. Ngoài chính sách của thành phố Hà Nội quy định hỗ trợ hàng tháng cho hộ nghèo có người già yếu không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động, quận đã bố trí nguồn kinh phí của địa phương để trợ cấp hàng tháng cho số người nghèo còn lại ngang bằng với mức trợ cấp của thành phố. Như vậy, 100% số hộ nghèo trên địa bàn quận được quan tâm hỗ trợ hàng tháng từ nguồn ngân sách của Thành phố và quận. Trụ sở hành chính của Quận được bố trí hợp lý, rộng rãi và là quận thực hiện mô hình điểm cơ chế một cửa liên thông của thành phố nên chính sách BTXH được đánh giá là đơn vị thực hiện tương đối tốt từ cách tuyên truyền phổ biến triển khai, thực hiện, tiếp nhận và trả kết quả. Tất cả các thủ tục hành chính đều được thực hiện qua một cửa, mọi chính sách liên quan đến BTXH đều được phối kết hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể một cách hợp lý.... Từ đó cho thấy để đảm bảo thực thi tốt chính sách BTXH, quận Long Biên đã bố trí đủ số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm chính sách từ cơ sở đến phòng chuyên môn, cán bộ tiếp nhận một cửa, sự phối kết hợp giữa các cơ quan ban ngành, đoàn thể (Phòng LĐTBXH quận Long biên, 2015).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả thực thi chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)