Tổng quan tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sử DỤNG CÔNG CHỨC NGÀNH THUẾ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (Trang 47 - 53)

2.1.1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Thừa Thiên Huế là một tỉnh cực Nam của vùng duyên hải Bắc Trung bộ, có tọa độ địa lý từ 16000-16045 vĩ độ Bắc và 107000-108015 kinh độ Đông; nằm trên trục giao thông quan trọng Bắc - Nam, trục hành lang kinh tế Đông - Tây nối Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam theo đường 9. Thừa Thiên Huế ở vào vị trí trung độ của cả nước, nằm giữa Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn của hai vùng kinh tế phát triển nhất nước ta, cách Hà Nội khoảng 660km về phía Bắc và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1.080km về phía Nam. Phía Tây và phía Nam Thừa Thiên Huế được dãy núi Trường Sơn và Bạch Mã bao bọc, phía Đông giáp biển Đông với đường bờ biển dài 128km. Có chung ranh giới đất liền với tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và giáp biển Đông; có cảng Thuận An và cảng Chân Mây với độ sâu 18-20m, đủ điều kiện đón các tàu biển vận tải và du lịch công suất lớn, có cảng hàng không Quốc tế Phú Bài nằm trên đường Quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy dọc theo tỉnh.

Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính (6 huyện, 2 thị xã và thành phố Huế); diện tích tự nhiên hơn 5.000 km2. Cố đô Huế - Di sản văn hoá thế giới, lưu giữ nhiều giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, tiêu biểu của dân tộc Việt Nam và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng; các giá trị văn hoá - nghệ thuật bác học và dân gian phong phú, đa dạng liên quan đến Cố đô và con người xứ

Huế, trong đó Nhã nhạc Cung đình Huế là di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO xếp hạng, ngoài ra, có Vịnh Lăng Cô được công nhận là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế có hệ thống đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, chất lượng cao; trung tâm y tế chuyên sâu lớn của cả nước; có nhiều ngành nghề truyền thống; chất lượng nguồn nhân lực khá so với các tỉnh khác trong vùng và cả nước.

2.1.1.2. Tình hình về phát triển kinh tế

Năm 2017, kinh tế của tỉnh duy trì ổn định và có sự tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,76%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng lượt khách du lịch đến Huế đạt 3,7 triệu lượt. Công nghiệp - xây dựng tăng 12,69%. Nông - lâm - ngư nghiệp tăng 2,74%. Nông nghiệp được mùa, năng suất lúa bình quân đạt gần 60 tạ/ha, sản lượng lúa cả năm đạt trên 327,4 nghìn tấn. Có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn là 30 xã (đạt 28,85%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 4,5%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 6.772 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 6.052 tỷ đồng, đạt kế hoạch giao. Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người đạt 1.626 USD. Giá trị xuất khẩu đạt 800 triệu USD.

Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chiếm 53% trong GDP và đóng vai trò chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Du lịch phát triển khá nhanh cả về quy mô và chất lượng, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Doanh thu du lịch tăng bình quân 19%/năm. Sản phẩm du lịch phát triển đa dạng. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, liên kết, hợp tác du lịch được đẩy mạnh.

Phát huy vị thế của trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ để phát triển dịch vụ theo hướng chuyên sâu và chất lượng cao. Các dịch vụ thương mại, vận tải - kho bãi, bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng từng bước phát triển và mở rộng quy mô, phạm vi

hoạt động. Hệ thống các siêu thị, trung tâm mua sắm được xây dựng hiện đại. Mạng lưới phân phối hàng hoá mở rộng.

Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 35,4%/năm. Năng lực sản xuất của một số doanh nghiệp được nâng lên. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề được đầu tư, phát triển.

Nông nghiệp phát triển toàn diện, chiếm 11,6% trong GDP. Sản lượng lương thực bình quân đạt trên 30 vạn tấn/năm. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Triển khai, nhân rộng nhiều mô hình có hiệu quả. Ngành chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Nuôi trồng và chế biến thủy sản tăng nhanh. Kinh tế rừng phát triển mạnh. Phát triển đa dạng ngành nghề và dịch vụ trong nông thôn. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm còn 31%. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.

Hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại triển khai tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng quan hệ quốc tế, liên kết hợp tác khu vực. Đã phối hợp tốt giữa hoạt động đối ngoại với ngoại giao văn hoá và ngoại giao kinh tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) duy trì khá, với các dự án lớn như Khu du lịch Laguna của Tập đoàn Banyan Tree, chế biến thủy sản của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam…; triển khai có hiệu quả các dự án ODA, NGO. Tăng cường liên kết, hợp tác các địa phương trong vùng, khu vực và các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển. Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác được duy trì và từng bước đổi mới. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu và ngân sách của tỉnh. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh; tham gia tích cực các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường,

đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội [Trang 1 Báo cáo số 237- BC/TU, ngày 28/12/2017 của BTVTU Thừa Thiên Huế: Báo cáo năm 2018]

2.1.1.3. Khái quát về dân cư, xã hội - Dân số và cơ cấu, thành phần dân cư

Năm 2017, tỉnh có dân số gần 1,2 triệu người, trong đó nữ có 550.707 người. Dân tộc Kinh chiếm đa số với 96,1% dân số; có 5 dân tộc thiểu số: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy và Vân Kiều, chiếm 3,9% dân số toàn tỉnh, tập trung ở chủ yếu ở hai huyện A Lưới và Nam Đông. [Trang 1 Báo cáo số 164-BC/TU, ngày 12/6/2017 của BTVTU Thừa Thiên Huế về công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số]

Thừa Thiên Huế có 6 dân tộc chính. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, dân tộc Cơ Tu và Tà Ôi chiếm tỷ lệ lớn, sau đó đến Pa Hy, Pa Cô và Vân Kiều. Ngoài ra còn có một bộ phận nhỏ dân tộc khác như: Nùng, Tày, Mường…Lực lượng lao động toàn tỉnh từ 15 tuổi trở lên: 614.915 người, chiếm tỷ lệ 54,15%. Trong đó, phân theo thành thị: 305.128 người, chiếm tỷ lệ 49,62%; phân theo nông thôn: 309.787 người, chiếm tỷ lệ 50,38%.

- Về xã hội

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế. Đời sống văn hoá của nhân dân ngày càng phong phú; nhiều giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, văn hoá Huế được phát huy. Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh nông thôn có chuyển biến bước đầu.

+ Nhiều di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng được tu bổ, khai thác và phát huy giá trị. Các loại hình văn hoá phi vật thể, nhất là Nhã nhạc Cung đình và các loại hình văn hoá truyền thống Huế được sưu tầm, khôi phục, phát triển. Công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá trong đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Thành công của các kỳ Festival Huế đã góp phần phát triển du lịch và nâng cao hoạt động ngoại giao văn hoá trong thời kỳ hội

nhập. Thành phố Huế được công nhận là “Thành phố Văn hoá ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường của ASEAN”.

+Hệ thống các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư. Văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động thể dục, thể thao có nhiều tiến bộ. Đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân tâm huyết với quê hương, đất nước; đã sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, một số tác phẩm đạt giải cao.

+ Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên. Học sinh tốt nghiệp phổ thông, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp ngày càng nhiều. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Mạng lưới trường học phát triển nhanh. Các xã, phường, thị trấn đều có trung tâm học tập cộng đồng. 100% giáo viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn và nhiều giáo viên đạt trình độ trên chuẩn.

Đại học Huế phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định vai trò của một đại học vùng trọng điểm, một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đã phát huy thế mạnh đào tạo các ngành khoa học xã hội - nhân văn, khoa học nông nghiệp, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ - kỹ thuật, y, dược và sư phạm.

Các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề phát triển nhanh. Hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo ngoài công lập được duy trì. Hội khuyến học các cấp được củng cố và hoạt động có hiệu quả. Hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học được tăng cường. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến.

+ Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tăng cường; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Các thiết chế của trung tâm y tế chuyên sâu, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Trường Đại học Y Dược Huế không ngừng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo; phát triển theo mô hình Đại học khoa học sức khỏe. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm đã đáp ứng yêu cầu của một trung tâm khu vực. Hệ thống phòng kiểm nghiệm được công nhận đạt tiêu chuẩn trên 3 lĩnh vực dược, hóa, sinh học. Các thiết chế khác của Trung tâm y tế chuyên sâu tiếp tục được đầu tư hiện đại, như: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Quốc tế, Trung tâm Ung bướu miền Trung...

Mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư xây dựng và phát triển khá toàn diện theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hoá. Nhiều bệnh viện tuyến huyện được xây mới, cải tạo và nâng cấp hoàn chỉnh. Công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm đạt kết quả tốt, nhiều năm liền không để xảy ra dịch, bệnh lớn.

Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực y tế, y học được đẩy mạnh. Đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ quản lý ngành y tế phát triển nhanh về số lượng, được đào tạo căn bản, có năng lực, trình độ chuyên môn cao, y đức tốt, đáp ứng yêu cầu triển khai các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

+ Hạ tầng và thiết chế về khoa học - công nghệ phát triển, gồm hệ thống các trường đại học, nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực: Trung tâm Tim mạch, Trung tâm truyền máu khu vực miền Trung, Trung tâm Ung bướu, Trung tâm nội soi tiêu hoá, Trung tâm kỹ thuật - tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, Trung tâm kiểm định hoá, dược, mỹ phẩm... Hoàn thành quy hoạch Khu công nghệ cao và dự án Bảo tàng thiên nhiên Duyên hải miền Trung.

+ Thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56%; hàng năm tạo việc làm mới cho hơn 16.000 lao động. Các chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn được lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hơn 5.000 nhà ở cho các hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,7%.

Thường xuyên chú trọng công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với nước. Đã vận động xây dựng 2.046 ngôi nhà tình nghĩa với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo; tạo sự đồng thuận xã hội.

Sau gần ba thập kỷ đổi mới, nền kinh tế Thừa Thiên Huế đã có bước tăng trưởng rõ rệt, trình độ của lực lượng sản xuất đạt được bước tiến quan trọng theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đó là kết quả của những biến chuyển quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội và đổi mới tư duy trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sử DỤNG CÔNG CHỨC NGÀNH THUẾ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (Trang 47 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)