Thứ nhất, sức khỏe
Sức khỏe của mỗi con người được đánh giá qua nhiều tiêu chí, song tiêu chí cơ bản nhất là thể lực và trí lực. Trí lực được đánh giá thông qua sự minh mẫn linh hoạt trong phản ánh xử lý công việc. Trí lực còn thể hiện ở người công chức có bản lĩnh trong công việc, dám nghĩ, dám làm, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và trong khuôn khổ pháp luật, đảm bảo các quyết định đó phải đúng, phù hợp và hiệu quả. Nếu chỉ có trình độ năng lực chuyên môn mà không có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ thì cũng không thể biến năng lực chuyên môn thành hoạt động thực tiễn được. Sự phát triển bình thường về thể chất và tâm lý trong một cơ thể khỏe mạnh cũng là điều kiện cần của người công chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, tinh thần tự giác học tập
Tinh thần tự giác học tập của công chức ngành thuế là yếu tố quyết định đến chất lượng của công chức. Nó thể hiện sự tu dưỡng, rèn luyện của bản thân về đạo đức, trí tuệ. Công chức cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thì thân họ có thể nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị…Nhân tố này vừa là tiền đề vừa là đòn bẩy trong công tác sử dụng công chức.
Tỉnh Thừa Thiên Huế là vùng đất cực Nam của vùng duyên hải Bắc Trung bộ, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, không có nhiều điều kiện để tiếp cận được những kiến thức tiến bộ của khu vực và thế giới, ngoài ra là các yếu tố về pháp lý, thể chế, chính sách đòi hỏi người công chức ngành thuế cần phải thay đổi nhận thức,tư duy, nâng cao năng lực, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện và học tập, có tinh thần vượt khó để từng bước nâng cao chất lượng công chức của ngành.
Thứ ba, động cơ cá nhân
Công chức nhà nước có biên chế suốt đời, nếu họ có nguyện vọng, mong muốn và yêu thích công việc, có ý thức trách nhiệm với công việc thì đây là động lực để họ phấn đấu và cống hiến. Động cơ cá nhân là một trong những yếu tố quan trọng trong xây dựng, nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức. Vì vậy, để nâng cao năng lực thực thi công vụ thì bản thân người công chức phải yêu thích công việc, mong muốn được làm việc và phát huy hết khả năng trong công việc.
Thứ tư, kinh nghiệm thực tiễn
Nhiệm vụ của công chức ngành thuế là tuyên truyền, giải thích chính sách thuế đến với người dân (người nộp thuế). Để thực hiện được điều này, trước hết công chức ngành thuế phải am hiểu, phải có một quá trình hiểu, gắn bó với địa phương nơi mình thực thi công vụ. Từ quá trình đó rút ra được kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được nhân dân (người nộp thuế) tín nhiệm, tin tưởng, điều này khó có thể có được ở một công chức trẻ mới từ các trường đại học, cao đẳng mới được tuyển dụng.
Tiếp đó, bản thân họ luôn luôn cần trau dồi về kỹ năng, nắm bắt được các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao tiếp và giải quyết công việc. Giao tiếp phù hợp với môi trường theo các cách cư xử khác nhau. Rút kinh nghiệm những yêu cầu đặt ra để thực thi công vụ thành công, chú ý lắng nghe một cách tích cực. Về phẩm chất đạo đức của công chức ngành thuế luôn cần rèn luyện về tâm lý vững vàng, nêu cao ý thức trách nhiệm, thái độ cử chỉ, tác phong cần thiết, tôn trọng quy tắc ứng xử, nêu cao đạo đức nghề nghiệp của công chức.
Như vậy, dù là kỹ năng hay phẩm chất đạo đức thì công chức ngành thuế luôn cần phải trải qua những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình công
tác từ đó họ rút ra những kinh nghiệm cần thiết cho bản thân để giải quyết công vụ đạt được hiệu quả.
Tiểu kết chương 1
Trong phạm vi của chương 1, tác giả đã hệ thống hóa một số vấn đề lý luận cơ bản về công chức và sử dụng công chức. Cụ thể đã đưa ra các khái niệm cơ bản như: công chức, công chức ngành thuế, sử dụng công chức, sử dụng công chức ngành thuế. Thông qua các luận cứ, tác giả cũng làm sáng tỏ một số vấn đề về vai trò của công chức và sự cần thiết phải sử dụng hiệu quả công chức, từ đó làm nền tảng lý luận khẳng định rằng công tác sử dụng công chức cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và không ngừng phát triển. Trong chương này tác giả đã tìm hiểu một số nội dung và yếu tố ảnh hưởng đến công tác sử dụng công chức ngành thuế hiện nay. Đồng thời làm tiền đề để phân tích, đánh giá thực trạng của chương 2 cũng như đưa ra được yêu cầu và đề xuất giải pháp, kiến nghị trong chương 3 của đề tài này.
Chương 2
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG CÔNG CHỨC CỦA NGÀNH THUẾ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ