1.4. Nội dung sử dụng công chức ngành thuế
1.4.4. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm
“Bổ nhiệm là việc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cử CBCC giữ một chức vụ lãnh đạo có thời hạn trong cơ quan, đơn vị”. Việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào: nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 05 năm, trừ trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của cơ quan có thẩm quyền, khi hết thời hạn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại. Công chức được điều động đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý mới thì đương nhiên thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm.
Bổ nhiệm lại là việc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo tiếp tục giữ chức vụ đang đảm nhiệm khi hết thời hạn bổ nhiệm. Bổ nhiệm lại là để cán bộ phải thường xuyên rèn luyện, phấn đấu trên cương vị được giao, tránh trì trệ trong công tác cán bộ, đồng thời thực hiện “có lên, có xuống” nhằm kịp thời thay thế công chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
“Từ chức là việc CBCC lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”. Công chức có thể từ chức trong các trường hợp như: Công chức tự nguyện, chủ động xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý; nhận thấy không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; nhận thấy sai
phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình; có nguyện vọng xin từ chức vì các lý do cá nhân khác.
“Miễn nhiệm là việc CBCC được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm” [9]. Việc miễn nhiệm đối với công chức được thực hiện trong các trường hợp như: được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển, bố trí, phân công công tác khác mà không được kiêm nhiệm chức vụ cũ; Không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý; không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức. Công chức sau khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do miễn nhiệm được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức bố trí, phân công công tác khác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và trình độ, năng lực của công chức.