Sử dụng công chức ngành thuế là một trong những nội dung quan trọng của công tác cán bộ. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
nên việc sử dụng công chức cũng phải tuân theo pháp luật và nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Vì vậy, trong quá trình sử dụng công chức ngành thuế cần tuân thủ một số nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, nguyên tắc khách quan
Nguyên tắc này đòi hỏi cơ quan sử dụng công chức phải căn cứ vào nhu cầu của công việc để bố trí, sắp xếp. Tránh tình trạng bố trí, sắp xếp công chức bị chi phối bởi thái độ chủ quan, cảm tính của người lãnh đạo như: bố trí những người không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, những người cùng “bè cánh”, “nhất thân nhì quen”, “con ông cháu cha”.
Khách quan trong sử dụng công chức ngành thuế đòi hỏi phải đảm bảo tính vô tư và công bằng trong quá trình bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển công chức vào các vị trí quan trọng. Phải dựa trên những tiêu chuẩn chức danh, năng lực thực tế và kết quả đánh giá để bố trí, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm công chức, loại trừ yếu tố thiên vị. Tuân thủ nguyên tắc này trong công tác nhân sự sẽ loại trừ yếu tố chủ quan, hướng tới sự công bằng trong công tác bố trí, sắp xếp công chức.
Thứ hai, nguyên tắc tập trung dân chủ
Trong quản lý và sử dụng công chức ngành thuế, nguyên tắc này vừa bảo đảm sự quản lý tập trung, vừa tạo điều kiện, phát huy tính chủ động, sáng tạo. Ðây là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của nhà nước ta nên việc thực hiện quản lý HCNN phải tuân theo nguyên tắc này. Ðiều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” [16]. “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ
thống chính trị” [3]. Chính vì vậy, trong sử dụng công chức ngành thuế cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này.
Nội dung nguyên tắc tập trung dân chủ bao hàm sự kết hợp giữa hai yếu tố tập trung và dân chủ, vừa đảm bảo sự lãnh đạo tập trung trên cơ sở dân chủ, vừa đảm bảo mở rộng dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung. Tập trung trong sử dụng công chức nghĩa là cấp trên có quyền hạn và trách nhiệm tham gia vào việc đề bạt, bổ nhiệm, điều động công chức trong phạm vi thẩm quyền được giao. Dân chủ trong sử dụng công chức được thể hiện rõ hiện rõ ở tính công khai, tập thể như: tổ chức lấy ý kiến của nhiều người, nhiều bộ phận liên quan đối với việc bổ nhiệm, đề bạt, điều động, luân chuyển công chức. Cũng cần lưu ý rằng, việc tổ chức lấy ý kiến một cách dân chủ công khai như vậy là để cho cấp lãnh đạo có thêm cơ sở cân nhắc, xem xét sao cho quyết định đưa ra là hợp lý nhất. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong sử dụng công chức hành chính sẽ góp phần đẩy lùi bệnh quan liêu, hình thức, nguy cơ độc đoán, chuyên quyền.
Thứ ba, đảm bảo nguyên tắc cơ cấu
Nội dung của nguyên tắc cơ cấu trong sử dụng công chức ngành thuế rất rộng, bao gồm cơ cấu ngạch bậc, giới tính, dân tộc, lứa tuổi... Vận dụng nguyên tắc cơ cấu trong sử dụng công chức ngành thuế có ý nghĩa rất lớn trong việc phát huy thế mạnh của tập thể. Một tập thể có cơ cấu hợp lý sẽ phát huy được các thế mạnh nhờ sự bổ sung về kiến thức, kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ.
Khi bố trí, sắp xếp công chức vào các phòng, chi cục thuế chuyên môn ở ngành thuế cần chú ý đảm bảo các loại cơ cấu cơ bản như sau: già - trẻ; nam - nữ; công chức ở các ngạch bậc khác nhau.
Thứ tư, nguyên tắc sử dụng công chức ngành thuế trên cơ sở quy hoạch. Sử dụng công chức ngành thuế phải có tiền đề là quy hoạch. Sử dụng
phải căn cứ vào mục tiêu. Mục tiêu của hoạt động quản lý dẫn đến mục tiêu sử dụng công chức. Quy hoạch công chức là quá trình thực hiện đồng bộ các chủ trương, biện pháp để tạo nguồn và xây dựng đội ngũ công chức, đặc biệt là công chức lãnh đạo, quản lý.
Mục đích của công tác quy hoạch công chức nhằm tạo sự chủ động trong công tác CBCC; khắc phục tình trạng hụt hẫng trong đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ, giữ vững đoàn kết nội bộ và ổn định chính trị. Nguyên tắc này đòi hỏi việc đề bạt, bổ nhiệm công chức trong cơ quan, đơn vị phải dựa vào nguồn công chức dự bị cho các chức danh lãnh đạo, quản lý. Làm tốt công tác quy hoạch công chức sẽ tạo tính chủ động trong sử dụng công chức. Bên cạnh đó, quy hoạch công chức cũng góp phần tạo ra hiệu quả thiết thực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức.
Thứ năm, sử dụng công chức ngành thuế phải hình thành cơ cấu công chức tối ưu. Tương tự như sử dụng lao động trong doanh nghiệp, sử dụng công chức ngành thuế phải đảm bảo cơ cấu tối ưu, nghĩa là đảm bảo phù hợp giữa số lượng công chức với số lượng ngành nghề, chất lượng, độ tuổi, giới tính…Ngoài ra phải phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ phận hoặc cá nhân với nhau, đồng thời phải tạo được sự đồng bộ, ăn khớp giữa các cá nhân, bộ phận nhằm thúc đẩy năng suất và hiệu quả công việc.
Thứ sáu, phải đảm bảo yếu tố tinh thần, vật chất cho công chức. Đây là nguyên tắc quan trọng trong sử dụng công chức ngành thuế.
Thứ bảy, nguyên tắc phân loại một cách khoa học. Đây là cơ sở khoa học hóa công tác sử dụng công chức ngành thuế. Để sử dụng nhân tài đúng chỗ, cần phân loại một cách khoa học. Có hai cách phân loại, phân loại theo người và phân loại theo công việc. Phân loại theo người là căn cứ vào quá
trình học tập,công tác, chức vụ để phân loại. Phân loại theo công việc là căn cứ theo tính chất công việc, mức độ khó dễ, trách nhiệm, điều kiện cần có để phân loại. Mỗi cách phân loại đều có ưu, nhược điểm riêng, trên thực tế có thể kết hợp cả hai cách phân loại sử dụng công chức ngành thuế để đạt hiệu quả hơn.
Thứ tám, nguyên tác phù hợp công việc. Trên cơ sở phân loại khoa học, việc sử dụng công chức ngành thuế phải đảm bảo, xuất phát từ yêu cầu và tính chất công việc. Tùy theo yêu cầu và tính chất công việc mà lựa chọn người có tri thức, năng lực, phẩm chất, đạo đức…Ngoài ra, trong quá trình sử dụng công chức ngành thuế cũng cần tuân thủ nguyên tắc vừa có đức vừa có tài; nguyên tắc công bằng bình đẳng…