1.2.1. Khái niệm công chức ngành thuế
Công chức ngành thuế là một loại công chức hành chính nhà nước trong bộ máy hành chính nhà nước. Công chức ngành thuế là một bộ phận của công chức hành chính nhà nước trong bộ máy của Bộ Tài chính, được phân loại theo vị trí công tác bao gồm: công chức giữ các chức danh lãnh đạo và công chức không giữ các chức danh quản lý, lãnh đạo.
Trên cơ sở quan niệm chung về công chức ngành thuế, có thể hiểu: công chức ngành thuế là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan thuế nhà nước ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
1.2.2. Phân loại công chức ngành thuế
Căn cứ vào Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thông tư số 09/2010/TT-BNV ngày 11/9/2010 của Bộ Nội vụ về ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, Thuế, Hải Quan, Dự trữ. Công chức chuyên ngành thuế được phân loại như sau:
- Công chức loại A: gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch Chuyên viên chính cao cấp và Kiểm soát viên cao cấp thuế
- Công chức loại B: gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch Chuyên viên chính và Kiểm soát viên chính thuế
- Công chức loại C: gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch Chuyên viên và Kiểm soát viên thuế
- Công chức loại D: gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch Cán sự và Trung cấp viên thuế
Nằm trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, công chức ngành thuế mang đầy đủ đặc điểm của công chức, đồng thời có những đặc điểm riêng:
Thứ nhất, công chức ngành thuế là người đem chính sách, pháp luật thuế của Nhà nước tuyên truyền giải thích cho nhân dân (người nộp thuế) hiểu và thi hành để nhằm thu đủ, thu đúng, thu kịp thời tiền thuế của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước đồng thời biết lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân về chính sách thuế để góp ý với Đảng, Nhà nước đặt chính sách, pháp luật thuế cho đúng, phù hợp với thực tiễn.
Thứ hai, công chức ngành thuế luôn có sự phối hợp chặt chẽ với công chức các sở, ban, ngành khác để triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, gắn bó với nhân dân ( người nộp thuế).
Thứ ba, công chức ngành thuế là người trực tiếp giải quyết tất cả các yêu cầu, quyền lợi chính đáng của người nộp thuế về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuế. Đây là những vấn đề liên quan, gắn liền với đời sống của người nộp thuế nên về cơ bản công chức ngành thuế phải luôn bám sát, gần gũi và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người nộp thuế để từ đó có những cách thức tiến hành công việc sao cho phù hợp để đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân.
Thứ tư, công chức ngành thuế trực tiếp hay phục vụ cho việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ nội địa của các thành phần kinh tế. Công chức thuế thực hiện nhiệm vụ, chức năng quản lý thuế và lệ phí…
Thứ năm, công chức ngành thuế có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ rất đa dạng, được đào tạo theo ngạch, bậc, chức danh và am hiểu về pháp luật thuế, cũng như các pháp luật liên quan…vì vậy, ngoài những yêu cầu chung
đối với công chức, công chức ngành thuế còn phải đáp ứng yêu cầu riêng của ngành có tính đặc thù.