7. Bố cục của luận văn
2.3.3. Nguyên nhân của những hạn chế
2.3.3.1. Nguyên nhân khách quan
- Thứ nhất, lực lượng CBCC còn mỏng, số lượng hồ sơ TTHC luôn ở mức cao nhưng số lượng CBCC thì lại đang giảm vì đang trong quá trình thực hiện công tác tinh giản biên chế, hạn chế tuyển dụng thêm công chức. Trình độ chuyên môn, năng lực của một số CBCC còn hạn chế chưa đủ sức đảm đương với áp lực công việc ngày một tăng cao.
- Thứ hai, các quy định thường xuyên thay đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà đất, tư pháp hộ tịch nhưng chậm có văn bản hướng dẫn, có Nghị định đã có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn.
Tình trạng Nghị định chờ Thông tư làm cho CBCC rất lúng túng trong công tác áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật vào giải quyết TTHC. Đây là tình trạng chung trong rất nhiều lĩnh vực. Khi Nghị định, Thông tư ban hành và đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa có Quyết định công bố TTHC. Khi quyết định được công bố thì cấp tỉnh cũng không chuyển giao đầy đủ cho cán bộ chuyên môn để có thể cập nhật đầy đủ vào bộ TTHC chung áp dụng tại cấp huyện, gây khó khăn cho công tác kiểm soát TTHC.
- Thứ ba, hồ sơ lĩnh vực đất đai bị chậm trễ còn nhiều xuất phát từ nguyên nhân lớn là sự phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn.
Từ khi Nghị định số 43/2014/NĐ-CP có hiệu lực, Văn phòng Đăng ký đất đai không còn trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường nữa mà được chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong khi đó, vẫn chưa phân định rõ đâu là thủ tục giải quyết của Văn phòng Đăng ký đất đai, đâu là thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Phòng Tài nguyên và Môi trường. Trên thực tế, phần lớn các TTHC thuộc lĩnh vực đất đai hiện nay của Phòng Tài nguyên và Môi trường đều thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông với Văn phòng Đăng ký đất đai theo quy trình cũ nhưng áp theo những quy định mới do chưa có hướng dẫn của tỉnh để thực hiện. Hồ sơ liên thông khi chuyển qua Văn phòng đăng ký đất đai thì phải chuyển lên tỉnh, rất mất thời gian, làm cho hồ sơ trễ hẹn nhiều.
2.3.3.2. Nguyên nhân chủ quan
- Thứ nhất, tâm lý coi nhẹ công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng của đội ngũ CBCC.
Lãnh đạo UBND Thị xã đã rất chú trọng, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả Thị xã, tuy nhiên khi triển khai thực hiện tới các đơn vị thì chưa kiên quyết, nhất quán, chưa thường xuyên liên tục nên chưa phát huy hết hiệu quả của công tác này.
CBCC thường chỉ chú trọng vào công tác chuyên môn, giải quyết TTHC chứ chưa thực sự chú trọng đến việc tuân thủ theo quy trình. Khi có hồ sơ giải quyết trễ hẹn thì thường có tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, không nghiêm túc thực hiện thư xin lỗi cho người dân.
Một bộ phận CBCC chưa đề cao ý thức đối với công tác cải cách TTHC hiện nay. Họ cho rằng việc thực hiện TTHC theo quy trình một cửa, một cửa liên thông với một loạt các biểu mẫu thay đổi là rườm rà, là không cần thiết, gây mất thời gian nên tuân thủ không nghiêm. Công tác tư tưởng cho CBCC chưa được thực hiện tốt nên chưa tạo ra chuyển biến cần thiết về nhận thức và tinh thần trách nhiệm của CBCC.
Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa được phát huy triệt để, phân công trách nhiệm chưa thực sự tương xứng với năng lực chuyên môn của từng cá nhân CBCC.
- Thứ hai, cơ chế kiểm tra giám sát chưa chặt chẽ và ít hiệu quả, chế tài xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe.
Nhiều CBCC có mối quan hệ họ hàng, quen biết với các lãnh đạo cấp cao và coi đó là một lợi thế của bản thân mà không chuyên tâm cho việc thực thi nhiệm vụ. Khi các cá nhân này có sai phạm thì lãnh đạo cũng rất kiêng nể trong việc xử lý mà chỉ áp dụng các hình thức kiểm điểm, khiển trách trước tập thể, không đủ sức răn đe.
Công tác kiểm tra, giám sát thiếu thường xuyên, nên việc tiếp nhận và thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn nhiều sai sót. Nhiều
trường hợp chậm xác minh làm rõ những trường hợp có dư luận và nhất là chưa kiên quyết xử lý những CBCC vi phạm hoặc có hành vi quan liêu, hạch sách, gây khó khăn cho người dân.
- Thứ ba, năng lực của đội ngũ CBCC còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của quy trình thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Một bộ phận CBCC vẫn còn theo lối tư duy, phong cách làm việc cũ, chưa xác định rõ được nhiệm vụ phục vụ nhân dân của mình mà vẫn còn những thái độ tiếp xúc với tổ chức, công dân tại nơi công sở; thiếu tận tình, giúp đỡ, hướng dẫn trước những yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Một số CBCC vẫn lợi dụng
quyền hạn, trách nhiệm của mình để vụ lợi cá nhân, gây khó khăn, nhũng nhiễu cho người dân để thu lợi bất chính.
- Thứ tư, công tác khen thưởng, kỷ luật trong thực hiện cải cách hành chính nói chung và thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông nói riêng chưa được UBND Thị xã Hà Tiên quan tâm đúng mức. Chế độ, chính sách đối với CBCC làm việc tại Bộ phận TN&TKQ còn thấp. Với khối lượng công việc lớn, cộng với áp lực công việc khi phải thường xuyên tiếp xúc, trả lời, những thắc mắc, cũng như hướng dẫn tổ chức, cá nhân thì mức phụ cấp 400.000 đồng/tháng là chưa phù hợp.
Tiểu kết Chương 2
Trong thời gian qua, việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND Thị xã Hà Tiên đã đạt nhiều kết quả tích cực như: số TTHC thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được mở rộng; đa số TTHC được giải quyết đúng quy trình; tinh thần, trách nhiệm và thái độ giao tiếp của đội ngũ CBCC được cải thiện; tỉ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn được kéo giảm đáng kể; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cửa Bộ phận TN&TKQ được đầu tư, trang bị đầy đủ hơn,… Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như: vẫn còn tình trạng một số TTHC chưa giải quyết chưa đúng quy trình, thành phần hồ sơ rườm rà, phức tạp; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có liên quan chưa thật sự chặt chẽ; vẫn còn trường hợp trễ hẹn với tổ chức, cá nhân,…
Nguyên nhân của những hạn chế này xuất phát từ quy định của pháp luật hiện hành chưa hoàn thiện, tổ chức bộ máy triển khai, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, sự phối hợp chưa đồng bộ cho đến các điều kiện vật chất cho hoạt động này chưa bảo đảm. Do đó, việc đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND Thị xã Hà Tiên là một vấn đề mang tính cấp thiết.
Chương 3
PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN VIỆC THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG TẠI ÚY BAN NHÂN DÂN THỊ XÃ HÀ TIÊN, TỈNH KIÊN GIANG 3.1. Phương hướng hoàn thiện việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông giai đoạn 2018 - 2020
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) xác định mục tiêu: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiên đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển và du lịch; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ. Phát huy sức mạnh toàn dân, huy động mọi nguồn lực khai thác tốt tiềm năng thế mạnh. Phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo”. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Kiên Giang nói chung và Thị xã Hà Tiên nói riêng phải tiến hành mạnh mẽ công tác cải cách hành chính. Trong quá trình tiến hành phải tìm tòi sáng tạo hình thành các cơ chế, mô hình cải cách hành chính có tính đột phá, khoa học và sức lan tỏa rộng và là điển hình cho các địa phương khác trong và ngoài tỉnh học tập, áp dụng. Tuy nhiên như đã phân tích ở Chương 2 việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND Thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện.
Do đó, để hoàn thiện việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND Thị xã Hà Tiên là yêu cầu cấp thiết và phải xuất phát từ những phương hướng cơ bản sau đây:
- Hoàn thiện thể chế về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. - Đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dể thực hiện, ít tốn kém.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nâng lực thực hiện thi công vụ của đội ngũ CBCC làm việc tại Bộ phận TN&TKQ và đội ngũ CBCC làm công tác tham mưu, giải quyết TTHC tại các phòng chuyên môn.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, từng bước xây dựng Bộ phận TN&TKQ hiện đại để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
Để thực hiện thành công những định hướng này, UBND Thị xã Hà Tiên cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:
- Sửa đổi, bổ sung và ban hành quy chế phối hợp thực hiện cơ chế một cửa liên thông với các cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc vận hành cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại.
- Xây dựng và áp dụng phần mềm “một cửa hiện đại” trong giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.
- Mở rộng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông điện tử với hầu hết những TTHC thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính.
- Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với tất cả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND Thị xã Hà Tiên; lựa chọn một số TTHC để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
3.2. Giải pháp hoàn thiện việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế mộtcửa, một cửa liên thông tại Ủy ban nhân dân Thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang cửa, một cửa liên thông tại Ủy ban nhân dân Thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang 3.2.1. Hoàn thiện thể chế về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông
- Một là, hoàn thiện quy chế phối hợp trong thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Hiện nay, Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg đã được thay thế bằng Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg. Trong đó, có một số quy định mới như: đối với hồ sơ giải quyết quá hạn, hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết do lỗi của công chức khi
tiếp nhận hồ sơ thì cơ quan, tổ chức giải quyết hồ sơ phải, Bộ phận TN&TKQ phải có văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức, việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện không quá một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại một cơ quan chuyên môn, công chức làm việc tại TN&TKQ phải mặc đồng phục... Để triển khai thực hiện, UBND Thị xã Hà Tiên cần sửa đổi, ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại đơn vị mình. Trong đó, cần quy định rõ một số nội dung như sau: lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; vị trí, cơ sở vật chất và công chức làm việc tại Bộ phận TN&TKQ; quy trình giải quyết các TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đồng phục của công chức làm việc tại Bộ phận TN&TKQ; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; kinh phí thực hiện;... Đồng thời, quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đối với UBND các xã, phường trực thuộc, để làm cơ sở cho các đơn vị này triển khai thực hiện.
Ngoài ra, cần xác định trách nhiệm giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng rành mạch, rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan, bộ phận trong cùng một cơ quan và từng cán bộ có thẩm quyền, tránh sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, sự đùn đẩy trách nhiệm.
Hiện nay, khi hồ sơ bị trễ hạn, các bộ phận thường đổ lỗi cho nhau mà không có cơ quan, đơn vị nào nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình. Nếu như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan không tốt thì cơ chế một cửa, một cửa liên thông không thể được thực hiện có hiệu quả được. Do đó, cần phải phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan chuyên môn, giữa các khâu, các bộ phận. Việc phân công trách nhiệm phải khoa học, đảm bảo tính công bằng và phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan. Trong nội bộ một cơ quan chuyên môn, lãnh đạo cơ quan phải phân công trách nhiệm hợp lý giữa các cá nhân, bộ phận theo nguyên tắc phân công bộ phận theo chức năng, phân công cá nhân theo năng lực. Khi phân công nhiệm vụ, phải dựa vào năng lực của từng cá nhân để phân cho những công việc phù hợp, đảm bảo phát huy hết khả năng của họ. Đồng thời cần
phải có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các nhiệm vụ đó, đảm bảo quy được trách nhiệm rõ ràng khi xảy ra lỗi, trễ hẹn hồ sơ để có những biện pháp giải quyết kịp thời.
Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm về các sai sót, các hồ sơ trễ hẹn và phải có trách nhiệm giải trình không chỉ với cơ quan cấp trên mà còn với công dân, tổ chức. Khi xảy ra những sai sót, phải có báo cáo giải trình với cơ quan cấp trên, nêu rõ nguyên nhân và cam kết khắc phục, cải thiện. Bên cạnh đó, cũng phải có trách nhiệm xin lỗi công dân, tổ chức; nghiêm túc thực hiện thư xin lỗi và Chủ tịch UBND Thị xã phải là người ký vào thư xin lỗi đó.
- Hai là, ban hành quyết định công bố TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Điều này giúp cho tổ chức, cá nhân biết được TTHC mà họ có nhu cầu thực hiện việc tiếp nhận ở đâu, giải quyết như thế nào. Tuy đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được một thời gian, nhưng UBND Thị xã Hà Tiên chưa công bố TTHC nào giải quyết theo cơ chế một cửa, TTHC nào giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông. Vì vậy, có nhiều trường hợp, tổ chức, cá nhân đến Bộ phận TN&TKQ nộp hồ sơ thì lại được hướng dẫn về nộp tại phòng chuyên môn vì TTHC mà tổ chức, cá nhân yêu cầu giải quyết chưa áp dụng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hoặc ngược lại, khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ tại phòng chuyên môn lại được hướng dẫn đến Bộ phận TN&TKQ. Để khắc phục trường hợp này, UBND Thị xã Hà Tiên phải ban hành quyết định công bố TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại đơn vị mình.