Với những giá trị vốn có, DTLS chính là một bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hoá nhân loại và là nguồn lực để phát triển kinh tế nói chung, ngành du lịch nói riêng. Đảng ta đã từng đưa ra nhiệm vụ “Bảo tồn, tôn tạo các DTLS tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch”. Vì thế, các địa phương đã chú trọng thực hiện các giải pháp QLNN về di tích đồng thời phát triển kinh tế bằng cách tạo ra những điểm đến di tích mang ý nghĩa lịch sử, giáo dục truyền thống hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, cần phải xác định rõ quan điểm phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các di tích phải luôn gắn công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị DTLS với việc khai thác phục vụ du lịch; hay nói cách khác phát triển du lịch vì mục tiêu văn hoá; đồng thời, việc bảo vệ tôn tạo di tích phải hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng đến tham quan nghiên cứu, trong đó có khách du lịch gắn với mục tiêu: Giáo dục truyền thống lịch sử và lòng tự hào yêu quê hương đất nước; giới thiệu cho khách du lịch trong nước và quốc tế về lịch sử, văn hoá, nét đẹp thiên nhiên nhằm tăng thêm lợi ích kinh tế cho xã hội. Hạn chế thấp nhất những tác động xấu từ hoạt động du lịch đối với tài sản văn hoá.
Khai thác các DTLS đúng tiềm năng góp phần vào việc phát triển du lịch văn hoá đồng thời cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy quá trình phát triển ngày càng năng động của đất nước. Bởi vậy, có thể nói kinh tế du lịch phát triển tạo điều kiện để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích nói chung, DTLS nói riêng góp phần quan trọng trong hoạt động khai thác, phát triển kinh tế.