Ninh Bình là một vùng đất cổ nằm ở vị trí cửa ngõ cực nam của tam giác châu thổ sông Hồng và miền Bắc. Vùng đất này còn nhiều dấu tích liên quan trực tiếp đến các nền minh cổ ở Việt Nam như văn hóa Tràng An, văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đa Bút, văn hóa Đông Sơn. Nơi đây có cố đô Hoa Lư từng là kinh đô của ba Triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và Hậu Lý. Địa bàn hiểm trở ở vùng núi Ninh Bình là căn cứ quân sự của các Triều đại nhà Trần và Tây Sơn. Trong kháng chiến chống ngoại xâm nơi đây có phòng tuyến Tam Điệp, chiến khu Quỳnh Lưu, hành cung Vũ Lâm và là địa bàn trọng yếu của chiến dịch Hà Nam Ninh lịch sử. Những đặc điểm về lịch sử, văn hóa, tự nhiên và con người đã tạo cho vùng đất Ninh Bình một hệ thống các di tích phong phú và đa dạng góp phần phát triển ngành du lịch Ninh Bình.
Theo kết quả tổng kiểm kê di tích trên địa bàn, hiện nay tỉnh Ninh Bình có 1.499 di tích được phân bố đều khắp 146 xã, phường, thị trấn. Tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 314 di tích đã được xếp hạng, gồm 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 79 di tích cấp quốc gia (trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt), 250 di tích cấp tỉnh.Các di tích tiêu biểu là: đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, chùa Nhất Trụ (Cố đô Hoa Lư); đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (xã Gia Phương), đền thờ Nguyễn Công Trứ, đền Thánh Nguyễn, đình Trùng Thượng, đình Trùng Hạ, nhà thờ đá Phát Diệm, khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu...
Công tác quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Ninh Bình những năm qua được chú trọng thực hiện; tỉnh đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm quản lý di sản văn hóa, thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển một cách bền vững. Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết và các Quy định, quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý nhà nước còn đượcthực hiện:
Một là: Thường xuyên thực hiện điều tra, kiểm kê, phân loại các di sản văn hóa trên địa bàn, xây dựng kế hoạch nghiên cứu phát huy các giá trị di sản văn hóa. Thực hiện Luật Di sản văn hóa và hướng dẫn của Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Phòng Văn hóa - thông tin các huyện, thị xã, thành phố tiến hành tổng kiểm kê Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm kê toàn diện trên tất cả các mặt: số lượng di tích, loại hình di tích, nhân vật thờ cúng, khảo tả sơ lược di tích, hiện vật, niên đại.... Trên cơ sở kết quả kiểm kê, đã tiến hành phân loại, nghiên cứu sơ bộ về tổng thể di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, xác định các di tích lịch sử văn hóa có tiềm năng khai thác du lịch.
Hai là: Nâng cao hiệu quả công tác tu bổ, tôn tạo di tích, bảo tồn, khôi phục di sản văn hóa phi vật thể nhằm đảm bảo yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có tổng số 158 di tích được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, đã huy động được nguồn lực xã hội hóa trong công tác tu bổ di tích, được các tầng lớp xã hội tham gia hưởng ứng, ước tính, kinh phí huy động từ xã hội hóa cho công tác tu bổ di tích lên tới hàng chục tỷ đồng. Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch - văn hoá gắn kết vào những tuyến du lịch hấp dẫn, có tác dụng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế cho cộng đồng dân cư, nguồn thu từ các di tích cũng tăng lên.
Ba là:Xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa trên địa bàn. Xây dựng các tour du lịch về các điểm di tích văn hóa lịch sử, gắn với các điểm di tích lịch sử văn hóa như Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới Tràng An, Cố đô Hoa Lư, nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Bích Động, chùa Địch Lộng, khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính... và các di tích lịch sử có giá trị khác.
Bốn là: Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt tại nơi có di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được khai thác du lịch về tầm quan trọng và giá trị của các di tích, về bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác đối với việc bảo vệ di tích, môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng.
Năm là: phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững. Cộng đồng là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa, trong nhiều trường hợp, cộng đồng chính là linh hồn, là tâm điểm của di sản. Phát triển du lịch không thể tách rời vai trò của cộng đồng ở khu vực có di sản văn hóa được khai thác du lịch. Các mô hình phát triển du lịch cộng đồng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình đã và đang thực hiện ở Gia Vân (Gia Viễn), Yên Khánh, Cúc Phương (Nho Quan) đã minh chứng điều đó [40, tr. 101].
Tỉnh Ninh Bình là một trong những tỉnh đạt được những thành quả nổi bật trong công tác QLNN về DTLS như: thực hiện tốt công tác kiểm kê di tích, chú trọng công tác tu bổ, khai thác tốt giá trị của di tích trong việc phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, huy động được sức mạnh của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ, gìn giữ di tích. Bởi những điểm đó, tỉnh Quảng Trị dựa vào những giải pháp hay, hiệu quả để áp dụng vào thực tiễn QLNN tại địa phương.