Giải quyết việc làm là vấn đề rất quan trọng của đời sống kinh tế, xã hội, pháp luật. Hiện nay, việc làm và giải quyết việc làm luôn được các quốc gia đặc biệt quan tâm, không chỉ trên phạm vi một nước mà còn có sự liên kết giữa các quốc gia để giải quyết những vấn đề liên quan. Giải quyết việc làm có vai trò góp phần ổn định và phát riển kinh tế. Đối với nước ta trong quá trình CNH, HĐH thì tạo thêm việc làm cho người lao động, kiềm chế thất
nghiệp ở tỷ lệ thấp là một trong những mục tiêu kinh tế vĩ mô mà Nhà nước thường xuyên quan tâm thực hiện. Sự phát triển kinh tế phụ thuộc vào vấn đề sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực và nguồn vốn. Trong đó, việc sử dụng nguồn nhân lực có vai trò quan trọng và quyết định sự phát triển đó.
Chủ nghĩa Mác-Lênin đã khẳng định: Bất kỳ một quá trình sản xuất nào cũng đều là sự kết hợp của ba yếu tố cơ bản đó là sức lao động, tư liệu lao động và đối tượng lao động. Đó là những yếu tố vật chất cho quá trình lao động diễn ra. Thực vậy, tư liệu sản xuất tự nó không thể tạo ra các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu cần thiết của con người và xã hội, nếu như không có sự kết hợp của sức lao động. Sức lao động của con người luôn đóng vai trò quyết định trong quá trình sản xuất ở mọi thời đại. Nhân tố con người vừa là chủ thể vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đảng ta coi việc phát huy nhân tố con người như là một nguồn lực quan trọng nhất của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Đây chính là nguồn tài nguyên vô giá, nguồn nội lực dồi dào cần được chăm sóc để phát triển. Đầu tư vào con người và phát huy nguồn lực con người là yếu tố cơ bản để phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, người lao động chỉ có thể phát huy được vai trò chủ thể của mình trong quá trình sản xuất khi họ có việc làm. Việc làm đối với người lao động là nhu cầu để tồn tại và phát triển. Vì vậy, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với mọi quốc gia, mọi cấp chính quyền.Với tư cách là một bộ phận cấu thành nên lực lượng lao động xã hội, lực lượng lao động người dân tộc thiểu số cũng có đầy đủ vai trò, tính chất của lực lượng lao động nôi chung. Vì thế giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội nôi chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng.