Hạn chế quản lý nhà nước về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cư kuin, tỉnh đắk lắk (Trang 70 - 74)

Trong những năm qua, các cấp, các ngành của huyện luôn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm xóa đói, giảm nghèo và đã mang lại hiệu quả thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Theo Ủy ban nhân dân huyện, nếu như cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 7,36% thì đến cuối năm 2015 đã giảm xuống còn 5,06%. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm 2016 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện theo chuẩn nghèo tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/11/2015, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 còn cao, chiếm 9,33%. Trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 22,49%/tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số và chiếm 70,92%/tổng số hộ nghèo toàn huyện. Cuối năm 2016, huyện có 03 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 10% [30, tr.8].

Hiện số hộ nghèo cũ còn cao, có 2.085 hộ, chiếm 92,13%; số hộ nghèo mới 178 hộ, chiếm 7,87%. Khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa nhóm hộ có thu nhập cao của huyện và nhóm hộ nghèo nhất có xu hướng gia tăng.

Trong thời gian qua, tỷ lệ hộ nghèo của huyện được đánh giá là đã giảm nhanh ở các xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhiều thôn, buôn tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số còn thấp so với mức thu nhập bình quân chung. Từ đó, việc triển khai giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc còn tồn tại những hạn chế sau:

- Hạn chế về triển khai chương trình, kế hoạch giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số:

Nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phù thuộc vào phân bổ của cấp trên, do đó các đơn vị địa phương còn bị động trong quá trình thực hiện.

Nguồn lực phân bổ thực hiện các chương trình, kế hoạch chưa đảm bảo. - Hạn chế trong việc triển khai thực hiện chính sách chính sách:

+ Hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số tuy số lượng văn bản được ban hành nhiều, nhưng thiếu đồng bộ, phối hợp dẫn đến trùng chính sách như: chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ học nghề…

+ Một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao như chính sách hỗ trợ nhà ở với mức hỗ trợ còn bình quân và thấp, chính sách đầu tư nguồn nhân lực cho người dân tộc thiểu số, chính sách cử tuyển chưa gắn với sử dụng sau đâò tạo, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú.

+ Việc tổ chức thực hiện chính sách ở một số nơi còn chưa kịp thời, còn chậm và bỏ sót đối tượng, nhất là trong tổ chức chi trả cho các đối tượng thụ hưởng nên chưa phát huy được hiệu quả của chính sách.

+ Thiếu sự gắn kết giữa hỗ trợ đời sống, phát triển sản xuất với chuyển giao khoa học, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư. Một số địa phương và hộ nghèo chưa kết hợp áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Phần lớn hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích, kém hiệu quả, khả năng thu hồi hoàn trả vốn thấp.

+ Nguồn nhân lực còn dàn trãi, chưa đủ mạnh; chính sách gắn với chương trình, dự án theo giai đoạn mà chưa hướng tới đối tượng thụ hưởng, vì vậy khi kết thúc chương trình, dự án mục tiêu đề ra chưa thực hiện đầy đủ.

+ Còn nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, ít chính sách hỗ trợ cộng đồng nên tạo nên sự so bì trong nhân dân và chưa khuyến khích được người nghèo,, vùng nghèo tích cực vươn lên thoáy nghèo, chưa tạo được động lực rõ nét đến sự thay đổi về nhận thức và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong thực hiện chính sách dân tộc.

- Hạn chế trong đội ngủ cán bộ quản lý nhà nước về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số:

Cán bộ, công chức ở huyện, xã, thôn, buôn chưa có đủ trình độ, năng lực, tâm huyết và kinh nghiệm trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo.

Chưa xây dựng chương trình đào tạo quy mô đồng bộ về công tác giảm nghèo để đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới cũng như sự chuyển biến của cơ chế quản lý.

Chưa có chế độ đãi ngộ và khuyến khích đội ngũ thực thi nhiệm vụ này. Cha ông ta thường nói ‘‘có thực mới vực được đạo’’, nếu hoạt động chỉ bằng lòng nhiệt tình, tâm huyết mà thiếu điều kiện vật chất cần thiết thì chưa đủ. Trong khi đó nhiệm vụ này khá cam go và thực hiện chủ yếu ở những vùng khó khăn, lại càng khó khăn hơn khi hiện nay, đối tượng còn lại là cái ‘‘lõi’’ của nghèo đói, trong khi thù lao hiện nay cho họ rất ít ỏi.

- Hạn chế về nguồn lực tài chính trong hoạt động giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số:

Nguồn lực huy động cho chương trình giảm nghèo còn khiêm tốn. Nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế và đầu tư dàn trải, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, vốn cho khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ còn quá ít, nên chưa đáp ứng được việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc huy động nguồn lực trong nhân dân chưa đạt yêu cầu.

- Hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra và đánh giá hoạt động giảm nghèo:

Công tác thanh tra, kiểm tra và đánh giá chưa được quy định rõ ràng, sự phối hợp giữa các phòng, ban và Ủy ban nhân dân các xã chưa đồng bộ, chế độ thông tin báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời. Những khiếm khuyết nói trên đã làm cho hiệu quả của chương trình giảm nghèo bị giảm bớt một phần.

Do hạn chế từ công tác thanh tra, kiểm tra, do đó việc thống kê, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thời gian qua ở một số địa phương còn chạy theo thành tích, cố gắng hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao nên việc đánh giá tỷ lệ hộ nghèo còn thấp hơn thực tế. Từ đó ở một vài xã một bộ phận người thực sự nghèo chưa được tiếp cận với các chương trình giảm nghèo.

- Một số nơi trong quá trình tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, chưa kiên quyết trong công tác điều tra và bình xét hộ nghèo, còn chịu sự tác động bởi những yếu tố bên ngoài dẫn đến tình trạng còn sai sót hộ nghèo; một số xã việc quản lý số liệu hộ nghèo chưa thật chặt chẽ, dẫn đến tình trạng báo cáo số liệu hộ nghèo chưa thống nhất trong cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể.

- Công tác tuyên truyền về ý nghĩa của các chủ trương, đường lối của Đảng, chương trình, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc; nâng cao ý thứ tự lực, tự cường trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận trong đồng bào vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động vươn lên; dẫn đến người dân chưa nắm bắt được yêu cầu, chưa hiểu rõ mục đích và nội dung chính sách, chưa được tiếp cận nhiều các dịch vụ xã hội và bằng lòng với hiện tại, chưa thực sự quyết tâm vươn lên thoát nghèo, nên một số nơi gặp khó khăn trong triển khai thực hiện.

- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới trong đồng bào dân tộc tại chỗ còn cao; hộ thoát nghèo chưa thật sự vững chắc, hộ cận nghèo tương đối lớn; khả năng tái nghèo, nghèo mới cao.

Nguy cơ tái nghèo có thể tăng do thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả, cơ hội của người nghèo về việc làm ngày càng khó khăn hơn do đổi mới khoa học, công nghệ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cư kuin, tỉnh đắk lắk (Trang 70 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)