Đánh giá công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, trước hết cũng giống như đánh giá công chức nói chung, bị tác động, chi phối bởi một số yếu tố như sau:
Một là, yếu tố kinh tế. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến pháp luật về công chức, công vụ nói chung, trong đó có pháp luật về đánh giá công chức, thể hiện trên các phương diện khác nhau từ vĩ mô đến vi mô. Ở góc độ vĩ mô, theo quan điểm của chủ nghĩa Mac-Lênin thì kinh tế với vai trò là cơ sở hạ tầng sẽ quyết định pháp luật với vai trò là kiến trúc thượng tầng, trong đó có pháp luật về công chức, công vụ; tức là pháp luật nói chung và pháp luật về công chức, công vụ nói riêng (trong đó có pháp luật về đánh giá công chức) phải phù hợp với tình hình kinh tế chung của quốc gia. Xét ở góc độ cụ thể, sự tác động, ảnh hưởng của kinh tế (yếu tố vật chất) đối với đánh giá công chức thể hiện ở quá trình thực thi công vụ của công chức theo quy định của pháp luật (thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ hay không hoặc thậm chí có tiêu cực, tham nhũng…), tức là sự tác động của kinh tế đến đạo đức, tinh thần trách nhiệm, thái độ của công chức - là những căn cứ, nội dung và tiêu chí để đánh giá công chức.
Hai là, yếu tố lợi ích. Sự ảnh hưởng của yếu tố lợi ích đến đánh giá công chức biểu hiện ở chỗ: một số chủ thể tham gia vào quá trình đánh giá công chức có thể vì lợi ích cá nhân (lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất: cơ hội thăng tiến, quy hoạch, bổ nhiệm…) nên không thật sự công tâm, công bằng, khách quan trong nhận xét, đánh giá đối với cấp trên, với đồng nghiệp, với cấp dưới, làm cho kết quả đánh giá không thực chất, và do đó sẽ ảnh hưởng đến các khâu tiếp theo của công tác cán bộ, công chức. Trong điều kiện hiện nay, khi nước ta đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện thể chế và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng thì bên cạnh những mặt tích cực mà các quá trình này mang lại, cũng có những mặt trái nhất định, trong đó có một bộ phận công chức có tư tưởng chạy theo lợi ích cá nhân, thu vén lợi ích bất chính dẫn đến không dám đánh giá đúng sự thật, đánh giá khách quan trong cơ quan, đơn vị mình.
Ba là, chủ thể tham gia vào quá trình đánh giá công chức.
Có nhiều chủ thể tham gia vào quá trình đánh giá công chức và mỗi chủ thể đều có tác động, ảnh hưởng nhất định đến quá trình đánh giá công chức. Chẳng hạn: đối với bản thân công chức, kết quả tự đánh giá của công chức thường mang nặng
tính chủ quan và theo chiều hướng tốt; đối với đồng nghiệp, kết quả đánh giá cũng bị chi phối bởi tình cảm cá nhân (ủng hộ hay không ủng hộ, đố kỵ hay thương yêu…); đối với cấp trên hay người đứng đầu, kết quả đánh giá, phân loại công chức cấp dưới sẽ không chính xác nếu họ có những định kiến cá nhân nhất định về công chức, không công tâm, không phát huy được tính dân chủ trong công tác đánh giá hay họ e ngại khi đánh giá thẳng thắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu của cấp dưới đối với mình…
Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát quy trình đánh giá công chức. Thực tế cho thấy, cơ quan, đơn vị nào chú trọng và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát quy trình đánh giá công chức thì chất lượng đánh giá công chức ở cơ quan, đơn vị đó sẽ được bảo đảm; ngược lại, cơ quan, đơn vị nào không chú trọng thực hiện hoặc thực hiện không chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát này thì công tác đánh giá công chức sẽ được thực hiện một cách hình thức, qua loa và dễ xảy ra tiêu cực. Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát quy trình đánh giá công chức là một trong những yếu tố tác động không nhỏ đến đánh giá công chức nói chung và đánh giá công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.