Các yếu tố ảnh hƣởng đến đánh giá công chức cơ quan chuyên môn thuộc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công chức cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh cao bằng (Trang 42 - 46)

thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh

1.3.1. Yếu tố chung

Đánh giá công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, trước hết cũng giống như đánh giá công chức nói chung, bị tác động, chi phối bởi một số yếu tố như sau:

Một là, yếu tố kinh tế. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến pháp luật về công chức, công vụ nói chung, trong đó có pháp luật về đánh giá công chức, thể hiện trên các phương diện khác nhau từ vĩ mô đến vi mô. Ở góc độ vĩ mô, theo quan điểm của chủ nghĩa Mac-Lênin thì kinh tế với vai trò là cơ sở hạ tầng sẽ quyết định pháp luật với vai trò là kiến trúc thượng tầng, trong đó có pháp luật về công chức, công vụ; tức là pháp luật nói chung và pháp luật về công chức, công vụ nói riêng (trong đó có pháp luật về đánh giá công chức) phải phù hợp với tình hình kinh tế chung của quốc gia. Xét ở góc độ cụ thể, sự tác động, ảnh hưởng của kinh tế (yếu tố vật chất) đối với đánh giá công chức thể hiện ở quá trình thực thi công vụ của công chức theo quy định của pháp luật (thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ hay không hoặc thậm chí có tiêu cực, tham nhũng…), tức là sự tác động của kinh tế đến đạo đức, tinh thần trách nhiệm, thái độ của công chức - là những căn cứ, nội dung và tiêu chí để đánh giá công chức.

Hai là, yếu tố lợi ích. Sự ảnh hưởng của yếu tố lợi ích đến đánh giá công chức biểu hiện ở chỗ: một số chủ thể tham gia vào quá trình đánh giá công chức có thể vì lợi ích cá nhân (lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất: cơ hội thăng tiến, quy hoạch, bổ nhiệm…) nên không thật sự công tâm, công bằng, khách quan trong nhận xét, đánh giá đối với cấp trên, với đồng nghiệp, với cấp dưới, làm cho kết quả đánh giá không thực chất, và do đó sẽ ảnh hưởng đến các khâu tiếp theo của công tác cán bộ, công chức. Trong điều kiện hiện nay, khi nước ta đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện thể chế và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng thì bên cạnh những mặt tích cực mà các quá trình này mang lại, cũng có những mặt trái nhất định, trong đó có một bộ phận công chức có tư tưởng chạy theo lợi ích cá nhân, thu vén lợi ích bất chính dẫn đến không dám đánh giá đúng sự thật, đánh giá khách quan trong cơ quan, đơn vị mình.

Ba là, chủ thể tham gia vào quá trình đánh giá công chức.

Có nhiều chủ thể tham gia vào quá trình đánh giá công chức và mỗi chủ thể đều có tác động, ảnh hưởng nhất định đến quá trình đánh giá công chức. Chẳng hạn: đối với bản thân công chức, kết quả tự đánh giá của công chức thường mang nặng

tính chủ quan và theo chiều hướng tốt; đối với đồng nghiệp, kết quả đánh giá cũng bị chi phối bởi tình cảm cá nhân (ủng hộ hay không ủng hộ, đố kỵ hay thương yêu…); đối với cấp trên hay người đứng đầu, kết quả đánh giá, phân loại công chức cấp dưới sẽ không chính xác nếu họ có những định kiến cá nhân nhất định về công chức, không công tâm, không phát huy được tính dân chủ trong công tác đánh giá hay họ e ngại khi đánh giá thẳng thắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu của cấp dưới đối với mình…

Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát quy trình đánh giá công chức. Thực tế cho thấy, cơ quan, đơn vị nào chú trọng và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát quy trình đánh giá công chức thì chất lượng đánh giá công chức ở cơ quan, đơn vị đó sẽ được bảo đảm; ngược lại, cơ quan, đơn vị nào không chú trọng thực hiện hoặc thực hiện không chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát này thì công tác đánh giá công chức sẽ được thực hiện một cách hình thức, qua loa và dễ xảy ra tiêu cực. Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát quy trình đánh giá công chức là một trong những yếu tố tác động không nhỏ đến đánh giá công chức nói chung và đánh giá công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

1.3.2. Yếu tố chuyên biệt

Ngoài các yếu tố chung nêu trên đây, do đặc điểm đặc thù của công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh nên hoạt động đánh giá công chức trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh còn chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố chuyên biệt, đặc thù, như sau:

Một là, tính chất, mức độ phức tạp của công việc.

Tính chất công việc của công chức làm việc trong các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh khác với công chức làm việc trong các cơ quan khác trong hệ thống cơ quan nhà nước ở nước ta như: cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội, trong hệ thống Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân... Công việc (hay nhiệm vụ) của công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là trực tiếp thực thi công vụ nhằm thực hiện chức năng tham mưu, giúp lãnh đạo sở, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh và UBND tỉnh quản lý các lĩnh

vực của đời sống xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cấp chính quyền địa phương ở tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Hoạt động của công chức trong các cơ quan này diễn ra thường xuyên, liên tục và mang tính phức tạp. Mức độ phức tạp của công việc của công chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh ngày càng cao vì các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp, nhiều vấn đề mới, nổi cộm, nhạy cảm phát sinh cần giải quyết, nhất là những vấn đề liên quan đến tôn giáo, bảo vệ môi trường… Trong mỗi cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, mỗi công việc cũng có tính chất, mức độ phức tạp khác nhau. Mặt khác, công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể với mức độ phức tạp cao hơn so với công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, cụ thể: hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý đối với công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; thực hiện việc thanh tra theo ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; thực hiện hợp tác quốc tế về ngành, lĩnh vực quản lý và theo phân công hoặc ủy quyền của UBND tỉnh...

Mặc dù công việc của công chức trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có tính chất và mức độ phức tạp như vừa chỉ ra trên đây, nhưng quy định về nội dung, căn cứ, quy trình đánh giá và tiêu chí phân loại đánh giá cũng được thực hiện giống với công chức trong các cơ quan khác (cụ thể là công chức nói chung theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008). Điều đó vô hình chung tạo ra sự cào bằng, bình quân trong đánh giá công chức. Như vậy, tính chất và mức độ phức tạp của công việc của công chức là một trong những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến hoạt động đánh giá công chức.

Hai là, tính chất, yêu cầu của vị trí công tác.

Tính chất, yêu cầu của các vị trí công tác khác nhau trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh sẽ tác động đến đánh giá công chức trong cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, thể hiện rõ ở chỗ có sự khác nhau nhất định trong quy định về tiêu chí đánh giá, phân loại công chức gắn với vị trí công tác của công chức.

Mỗi cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh có chức năng, nhiệm vụ khác nhau (chẳng hạn, chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp khác với chức năng nhiệm vụ của Sở Nội vụ, Sở Y tế…), để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó cần có những vị trí công tác nhất định, mỗi vị trí công tác lại có những nhiệm vụ chi tiết với các tính chất, yêu cầu khác nhau đối với người thực hiện, thể hiện trên các phương diện như: trình độ chuyên môn, ngạch công chức, mức độ đòi hỏi của tư duy đối với công việc, năng lực quản lý, kinh nghiệm công tác, độ tuổi, kỹ năng công việc… Do vậy, tính chất, yêu cầu của các vị trí công tác khác nhau trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh như: vị trí công tác lãnh đạo, quản lý (giám đốc, phó giám đốc sở, trưởng, phó phòng thuộc sở,…); vị trí công tác của nhóm công chức chuyên môn, nghiệp vụ (tham mưu tổng hợp văn hóa - xã hội, tổng hợp nội chính, thẩm định giá đất, quản lý đào đạo - bồi dưỡng,…); vị trí công tác của nhóm công chức hỗ trợ, phục vụ (tổ chức nhân sự, hành chính tổng hợp, hành chính một cửa, công nghệ thông tin,…) là yếu tố tác động đến đánh giá công chức trong các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công chức cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh cao bằng (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)