Hoạt động đánh giá công chức phải được thực hiện đúng theo các quy định hiện hành trong các văn bản pháp luật về đánh giá công chức. Do đó, chất lượng pháp luật về đánh giá công chức là yêu cầu, đồng thời cũng là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho việc thực hiện có kết quả công tác đánh giá công chức. Chất lượng pháp luật về đánh giá công chức được xem xét ở nhiều khía cạnh, tiêu chí. Một trong số đó là tính ổn định và khả năng dự báo, định hướng của các quy định pháp luật về đánh giá công chức.
Văn bản quy phạm pháp luật là sự phản ánh khái quát các quan hệ xã hội và những quan hệ này luôn luôn vận động, biến đổi không ngừng, vì vậy, văn bản quy phạm pháp luật không phải là hiện tượng bất biến, nó cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo yêu cầu điều chỉnh pháp luật. Mặt khác, một trong những thuộc tính
của pháp luật là tính dự báo, định hướng cho sự phát triển của các quan hệ xã hội. Thuộc tính này đòi hỏi văn bản phải có độ ổn định cao. “Tuy nhiên, thực tế cho thấy có không ít trường hợp văn bản vừa được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung do nội dung quy phạm lạc hậu so với quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh, không phù hợp, không đảm bảo yêu cầu là chuẩn mực cho hành vi xử sự của các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật... Trong những trường hợp như vậy không thể nói đến chất lượng cũng như hiệu quả của văn bản đó” [26, tr.114]. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tế, một số văn bản quy phạm pháp luật bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn nên cũng cần được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế kịp thời. Chẳng hạn, sau hai năm triển khai thực hiện Nghị định số 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, một số quy định về tiêu chí đánh giá, phân loại công chức, viên chức đã không còn phù hợp, gây khó khăn, bất cập cho các cơ quan, đơn vị, địa phương khi thực hiện quy định của Nghị định; vấn đề này được khắc phục khi Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP. Tóm lại, chất lượng pháp luật về đánh giá công chức là yêu cầu, điều kiện quan trọng để đảm bảo cho việc thực hiện có kết quả công tác đánh giá công chức.