2.4. Nguyên nhân của những hạn chế trong đánh giá công chức cơ quan
2.4.1. Nguyên nhân khách quan
Một là, hệ thống pháp luật về công chức và những quy định làm cơ sở pháp lý cho đánh giá công chức chưa đồng bộ, đầy đủ và chặt chẽ; khi triển khai thực hiện còn nhiều điểm bất cập nhưng chậm có văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp, hoàn thiện, khiến cho việc đánh giá công chức ở các địa phương, cơ quan, đơn vị còn gặp vướng mắc, lúng túng và chưa đạt hiệu quả cao, chưa phát huy được vai trò của đánh giá công chức.
Hai là, quy định tại Nghị định số 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí đánh giá công chức hầu hết còn chung chung, định tính nên thực tế thực hiện đánh giá, phân loại công chức còn mang nặng tính chủ quan, cảm tính và kết quả phân loại đánh giá chưa phản ánh được thực chất kết quả thực thi nhiệm vụ của công chức; bên cạnh đó, do Nghị định cũng chưa quy định cụ thể về thời điểm đánh giá, phân loại công chức phải trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm nên thực tế đã có không ít nơi thực hiện ngược lại trình tự, tức là bình xét thi đua trước rồi mới đánh giá, phân loại công chức, điều này cho thấy sự hình thức của công tác đánh giá, phân loại công chức ở một số cơ quan, đơn vị.
Ba là, tác động của mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế làm nảy sinh các tiêu cực như: chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, thu vén lợi ích bất chính, tình trạng suy thoái phẩm chất đạo đức, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức có xu hướng tăng lên, sự xâm nhập của ý thức hệ, văn hóa, lối sống tư sản… vào trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, trong đó có vấn đề đánh giá công chức. Kết quả đánh giá công chức không tránh khỏi bị tác động bởi yếu tố này nên ít nhiều không đảm bảo sự khách quan, chính xác.