chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Cao Bằng; nâng cao năng lực công chức trực tiếp tham mưu về đánh giá công chức trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh
Để nâng cao chất lượng đánh giá công chức trong các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Cao Bằng, việc thống nhất và nâng cao nhận thức về đánh giá công chức cho đội ngũ công chức cơ quan chuyên môn, chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình đánh giá, là việc cần thực hiện thường xuyên; bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao năng lực công chức trực tiếp tham mưu về đánh giá công chức trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Theo đó, cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, thống nhất và nâng cao nhận thức phải làm cho mọi công chức hiểu rõ tầm quan trọng, vai trò, nội dung, mục đích của việc đánh giá công chức. Đánh giá công chức là một việc hệ trọng và nhạy cảm, có ảnh hưởng lớn đến cá nhân công chức, đến hoạt động của cơ quan, tổ chức và xa hơn nữa là ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương. Đánh giá đúng năng lực, phẩm chất, kết quả và chất lượng thực thi công vụ của từng công chức sẽ đóng góp tích cực cho việc bố trí, sắp xếp công việc được chính xác, tạo điều kiện cho công chức phát huy được sở trường của mình, từ đó có động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngược lại, đánh giá công chức không đúng, không thực chất, không khách quan thì không những bố trí, sử dụng công chức không đúng mà quan trọng hơn là sẽ làm mai một dần động lực phấn đấu phát triển, có khi thui chột tài năng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.
Muốn vậy, cơ quan chuyên môn phải thường xuyên tiến hành tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể công chức về nội dung, nguyên tắc, quy trình và vai trò của đánh giá công chức. Thông qua công tác tuyên truyền, quán triệt để khắc phục tình trạng nhận thức chưa đầy đủ hoặc còn xem nhẹ đánh giá công chức, cụ thể là các biểu hiện nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, yêu cầu của đánh giá công chức, hiểu đánh giá công chức còn phiến diện, nặng nề, quá nhấn mạnh vào tính nhạy cảm, phức tạp
trong công tác này mà chưa thấy được ý nghĩa nhân văn trong đánh giá công chức; khắc phục thái độ nể nang, né tránh, xuê xoa, “dĩ hòa vi quý” trong đánh giá công chức. Song song với đó, cần phải tuyên truyền để những người tham gia đánh giá công chức nhận thức rõ về cái “tâm” và “tầm” của mình khi tham gia vào quá trình đánh giá. Trong việc đánh giá công chức thì đánh giá “lòng người” là khó nhất, vì trong thực tế có một bộ phận công chức “nghĩ khác nói khác”, “nói khác làm khác”, “nói mà không làm”. Cái “tâm” ở đây chính là ý thức, trách nhiệm của người tham gia đánh giá. Mục đích và động cơ của người tham gia đánh giá cần thực sự trong sáng: đánh giá đúng để bố trí, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng được đúng. Nếu thiếu sự công tâm, trung thực thì khó có thể đánh giá một cách khách quan, vô tư, cho dù có đầy đủ tri thức để đánh giá. Cái “tầm” chính là kiến thức cần thiết để đánh giá đúng công chức. Những kiến thức đó chính là những quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, về đánh giá công chức. Muốn vậy, người tham gia đánh giá phải được học tập, nâng cao trình độ nhận thức, thảo luận dân chủ, công khai để đánh giá đúng công chức.
Thứ hai, thường xuyên quan tâm, cử công chức tham gia các lớp tập huấn, khóa đào tạo, bồi dưỡng, nhất là những khóa tập huấn, bồi dưỡng về công tác nhân sự, đánh giá để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, khoa học cho công chức, như: kỹ năng tham mưu; kỹ năng phối hợp với đồng nghiệp, các cơ quan, đơn vị liên quan trong giải quyết công việc; kỹ năng văn bản; kỹ năng lập kế hoạch... góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, công tác đánh giá công chức. Chú trọng bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ công chức, đảng viên. Việc đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, củng cố niềm tin, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho công chức, đảng viên trong thực tiễn. Khi có bản lĩnh chính trị vững vàng thì công chức sẽ không bị dao động trước những tình huống khó khăn, phức tạp nảy sinh trong thực tiễn công việc, đặc biệt là với công việc tham mưu về công tác đánh giá công chức - là công việc rất hệ trọng và nhạy cảm.
Thứ ba, quán triệt và yêu cầu công chức cơ quan chuyên môn nêu cao tinh thần chủ động và dành thời gian tự học tập, nghiên cứu, cập nhật những kiến thức mới, những văn bản mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến đánh giá công chức để phục vụ cho công tác tham mưu của mình đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Thứ tư, triển khai các biện pháp nhằm siết chặt kỷ cương, nâng cao trách nhiệm, thái độ, ứng xử của công chức cơ quan chuyên môn, như: tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, nhất là kiểm tra, thanh tra đột xuất; tập huấn cách ứng xử cho công chức; yêu cầu công chức nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công, không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người công chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng… Những điều này cũng đòi hỏi mỗi công chức cơ quan chuyên môn phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, nỗ lực vươn lên mới có thể hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao và phục vụ nhân dân tốt hơn.