chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh
1.4.1. Chất lượng pháp luật về đánh giá công chức
Hoạt động đánh giá công chức phải được thực hiện đúng theo các quy định hiện hành trong các văn bản pháp luật về đánh giá công chức. Do đó, chất lượng pháp luật về đánh giá công chức là yêu cầu, đồng thời cũng là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho việc thực hiện có kết quả công tác đánh giá công chức. Chất lượng pháp luật về đánh giá công chức được xem xét ở nhiều khía cạnh, tiêu chí. Một trong số đó là tính ổn định và khả năng dự báo, định hướng của các quy định pháp luật về đánh giá công chức.
Văn bản quy phạm pháp luật là sự phản ánh khái quát các quan hệ xã hội và những quan hệ này luôn luôn vận động, biến đổi không ngừng, vì vậy, văn bản quy phạm pháp luật không phải là hiện tượng bất biến, nó cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo yêu cầu điều chỉnh pháp luật. Mặt khác, một trong những thuộc tính
của pháp luật là tính dự báo, định hướng cho sự phát triển của các quan hệ xã hội. Thuộc tính này đòi hỏi văn bản phải có độ ổn định cao. “Tuy nhiên, thực tế cho thấy có không ít trường hợp văn bản vừa được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung do nội dung quy phạm lạc hậu so với quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh, không phù hợp, không đảm bảo yêu cầu là chuẩn mực cho hành vi xử sự của các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật... Trong những trường hợp như vậy không thể nói đến chất lượng cũng như hiệu quả của văn bản đó” [26, tr.114]. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tế, một số văn bản quy phạm pháp luật bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn nên cũng cần được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế kịp thời. Chẳng hạn, sau hai năm triển khai thực hiện Nghị định số 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, một số quy định về tiêu chí đánh giá, phân loại công chức, viên chức đã không còn phù hợp, gây khó khăn, bất cập cho các cơ quan, đơn vị, địa phương khi thực hiện quy định của Nghị định; vấn đề này được khắc phục khi Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP. Tóm lại, chất lượng pháp luật về đánh giá công chức là yêu cầu, điều kiện quan trọng để đảm bảo cho việc thực hiện có kết quả công tác đánh giá công chức.
1.4.2. Quá trình triển khai thực hiện quy định pháp luật về đánh giá công chức
Quá trình triển khai thực hiện kịp thời và nghiêm túc các quy định pháp luật về đánh giá công chức là yêu cầu, điều kiện cần thiết và quan trọng đảm bảo cho việc thực hiện có kết quả công tác đánh giá công chức ở các cơ quan, đơn vị.
Tính kịp thời đặt ra đối với nhóm văn bản dưới luật được ban hành để hướng dẫn thực hiện luật, nghị định… “Tính kịp thời có ý nghĩa rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của các văn bản và trong chừng mực nào đó có thể hiểu hướng dẫn không kịp thời sẽ làm giảm, thậm chí làm kém hiệu quả của điều chỉnh pháp luật” [26, tr.123]. Chẳng hạn, ngay sau khi Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có hiệu lực thi hành (từ ngày 01 tháng 01 năm 2010), Bộ Nội vụ đã soạn thảo trình Chính phủ ban hành các Nghị định để triển khai thi hành Luật, trong đó có Nghị
định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (Điều 45 của Nghị định này quy định về trình tự, thủ tục đánh giá công chức), sau một thời gian thực hiện, Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định này bãi bỏ Điều 45 của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP), như vậy là kịp thời. Tuy nhiên, đến nay, Bộ vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về một số nội dung trong Nghị định số 56/2015/NĐ-CP (như: tiêu chí cụ thể đánh giá, phương pháp đánh giá…), đấy là thiếu tính kịp thời, dẫn đến các ngành, các địa phương triển khai thực hiện đánh giá theo những cách thức khác nhau và không thống nhất, kết quả là có ngành, địa phương thực hiện công tác đánh giá cán bộ, công chức tốt hơn, hiệu quả hơn một số ngành, địa phương khác.
Trong thực tiễn, cơ quan, đơn vị, địa phương nào chú trọng, nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản luật, nghị định về đánh giá công chức và thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong quá trình thực hiện thì ở cơ quan, đơn vị, địa phương đó, công tác đánh giá công chức thu được nhiều kết quả.
Như vậy, một trong những yêu cầu, điều kiện cần thiết và quan trọng đảm bảo cho việc thực hiện có kết quả đánh giá công chức ở các cơ quan, đơn vị là sự kịp thời và nghiêm túc trong quá trình triển khai thực hiện quy định của pháp luật về đánh giá công chức.
1.4.3. Mức độ nhận thức của từng chủ thể trong quá trình đánh giá
Đánh giá công chức là một quá trình có sự tham gia của nhiều chủ thể, như: bản thân công chức, đồng nghiệp, cấp trên trực tiếp, lãnh đạo cơ quan, công dân... Mỗi chủ thể khi tham gia vào quá trình đánh giá công chức đều có sự tác động, ảnh hưởng nhất định đến quá trình và kết quả đánh giá công chức. Mức độ nhận thức đúng đắn và phù hợp của các chủ thể này về đánh giá công chức là yêu cầu, điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện có kết quả đánh giá công chức ở cơ quan, đơn vị.
Để việc đánh giá công chức được đúng và thực chất, hiệu quả, tạo động lực làm việc cho công chức thì các chủ thể tham gia vào quá trình đánh giá công chức
phải am hiểu và tuân thủ các quy định pháp luật về đánh giá công chức, đồng thời, công chức phải nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình đối với công vụ và với việc đánh giá công chức ở cơ quan, đơn vị.