Tuyển dụng viên chức được thực hiện thường xuyên bởi các đơn vị có nhu cầu và do các đơn vị này tổ chức hực hiện. Việc tuyển dụng viên chức hiện nay được thực hiện thông qua hai hình thức là thi tuyển và xét tuyển. Đối với mỗi lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của viên chức có đặc thù riêng. Vì vậy, hình thức tuyển dụng viên chức của mỗi lĩnh vực hoạt động không hoàn toàn giống nhau. Việc lựa chọn hình thức tuyển dụng của mỗi quốc gia cũng khác nhau. Có quốc gia tuyển dụng viên chức bắt
buộc bằng hình thức thi tuyển do Chính phủ tổ chức chung cho cả nước nhưng có quốc gia thì việc tổ chức tuyển dụng viên chức thông qua hình thức xét tuyển, trong thời gian thử việc nếu hoàn thành đúng chức trách, nhiệm vụ sẽ được tuyển dụng và bổ nhiệm chính thức vào hạng viên chức theo quy định và tiêu chuẩn chung của cả nước.
Việc tuyển dụng viên chức theo các hình thức trên cũng xuất phát từ điều kiện kinh tế xã hội của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ. Vì vậy, có thể kết hợp cả hai hình thức tuyển dụng viên chức để đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị sự nghiệp của đất nước.
Thi tuyển
Thi tuyển là hình thức rất quan trọng để hình thành nên đội ngũ viên chức. vấn đề thi tuyển này được quy định trong nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Đây là khung pháp lý quan trọng mà khi tuyển dụng viên chức các ĐVSNCL phải tuân thủ theo và tùy từng yêu cầu công việc cụ thể mà đơn vị tuyển dụng quy định thêm các điều kiện khác khi tuyển dụng.
Việc tuyển dụng viên chức liên quan đến chất lượng hoạt động của cơ quan, sự phát triển của cơ quan, tổ chức, thậm chí là sự tồn vong của tổ chức cho nên việc tuyển dụng viên chức cần phải có những quy định chặt chẽ. Tại Mục 2, Điều 7, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP có quy định rõ:
- Người dự thi tuyển viên chức phải thực hiện các bài thi sau: Thi kiến thức chung và thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành. Việc thi tin học văn phòng và
ngoại ngữ đối với người dự thi tuyển viên chức thực hiện theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và yêu cầu của vị trí việc làm.
- Thi kiến thức chung: Thi viết về pháp luật viên chức; chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và những hiểu biết cơ bản về ngành hoặc
lĩnh vực tuyển dụng.
- Thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành thông qua hình thức thi viết hoặc trắc nghiệm và thi thực hành. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định hình thức và nội dung thi phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
- Trường hợp vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành là ngoại ngữ hoặc công nghệ thông tin, bài thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành là
ngoại ngữ hoặc công nghệ thông tin thì người dự tuyển không phải thi ngoại ngữ hoặc thi tin học văn phòng quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.
- Thi ngoại ngữ: Thi một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
- Thi tin học văn phòng: Thi thực hành trên máy hoặc thi trắc nghiệm theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
- Căn cứ vào khả năng, điều kiện cụ thể, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định hình thức thi trên giấy hoặc trên máy vi tính.
Điều kiện miễn thi một số môn cũng được quy định rõ tại Điều 8, Mục 2, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ, người đăng ký dự tuyển được miễn thi môn ngoại ngữ hoặc tin học trong các trường hợp sau:
- Miễn thi môn ngoại ngữ trong trường hợp môn nghiệp vụ chuyên ngành không phải là ngoại ngữ nếu người thi tuyển có bằng tốt nghiệp đại học về ngoại ngữ; có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.
- Miễn thi môn tin học văn phòng trong trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên chuyên ngành công nghệ thông tin.
Ưu điểm của hình thức thi tuyển là hiệu suất cao, không mất nhiều thời gian, cùng lúc có thể đánh giá được nhiều thí sinh. Sử dụng hình thức thi tuyển trong tuyển dụng giúp cho việc đánh giá ứng viên tương đối khách quan. Chính vì vậy đây sẽ là hình thức tuyển dụng được sử dụng rộng rãi trong các kỳ thi tuyển viên chức.
Việc thi tuyển bằng hình thức thi viết có hạn chế nhất định: Không đánh giá được toàn diện về thái độ, đạo đức, tính cách, khả năng diễn đạt bằng lời của ứng viên. Vì vậy, các ĐVSNCL cần tổ chức các phương thức đánh giá khác như phỏng vấn, mô phỏng tình huống trắc nghiệm tâm lý trong tuyển dụng.
Xét tuyển
Về hình thức xét tuyển, đây là một hình thức tuyển dụng viên chức mới và cũng là một quy định phù hợp với điều kiện ở nước ta. Bởi hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường thì khoảng cách về sự phát triển kinh tế của các vùng khác nhau trên cả nước là khác nhau và chênh lệch nhau rất nhiều. Việc xét tuyển viên chức trong tuyển dụng cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng đặc biệt là tính khách
quan và công bằng trong xét tuyển và phải đáp ứng yêu cầu của công việc cần tuyển. Tại Điều 11, Mục 2, Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ: Xét tuyển viên chức căn cứ vào kết quả học tập và điểm tốt nghiệp của người dự tuyển; kiểm tra, sát hạch thông qua phỏng vấn hoặc thực hành về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.
Đối với những trường hợp được xét tuyển đặc cách cũng được quy định rất rõ tại Điều 14, Mục 2, Nghị định 29/2012/NĐ-CP:
- Người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 3 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng;
- Những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng, trừ các trường hợp mà vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp cần tuyển dụng yêu cầu trình đồ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ;
- Những người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành nghề truyền thông;
- Việc tuyển dụng viên chức luôn là vấn đề nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, vì vậy pháp luật cần có quy định cụ thể và rõ ràng về thi tuyển và xét tuyển.
Hình thức xét tuyển có ưu điểm là nhanh chóng, dễ dàng đáp ứng nhu cầu viên chức cho tổ chức. Tuy nhiên xét tuyển không tạo được sự cạnh tranh giữa các ứng viên mà chủ yếu dựa vào các tiêu chí như bằng cấp, kinh nghiệm….vì vậy, không đảm bảo chất lượng của công tác tuyển dụng. Thông thường các ĐVSNCL kết hợp giữa hai hình thức thi tuyển và xét tuyển để tuyển dụng viên chức. Trong đó thi tuyển là hình thức chủ yếu để bổ sung nhân lực.
Cả hai hình thức tuyển dụng là thi tuyển và xét tuyển đều có thể được áp dụng khi tuyển dụng. Tuy nhiên thi tuyển luôn được sử dụng rộng rãi hơn. So với xét tuyển thì thi tuyển có ưu điểm nổi trội, việc tổ chức thi tuyển sẽ tạo ra được sự cạnh tranh giữa các ứng viên dự thi đồng thời nhà tuyển dụng có thể đánh giá được năng lực thực tế của ứng viên qua bài thi. Tuy nhiên, để phát huy được những ưu điểm của tuyển dụng thông qua thi tuyển ĐVSNCL ngành thông tin và truyền thông cần tổ chức kỳ thi nghiêm túc nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan, cạnh tranh để có thể tuyển
dụng được những người đủ đức, đủ tài, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng phục vụ cho sự nghiệp thông tin và truyền thông của đất nước.