Ở chương 1 của luận văn, khi đề cập đến cơ sở lý luận, tác giả đã trình bày rất cụ thể về quy trình chuẩn trong đánh giá hiện nay. Theo đó, quy trình đánh giá được tiến hành theo trình tự 6 bước. Sang chương 2, nghiên cứu về thực trạng công tác đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Vĩnh Linh, quy trình được tiến hành theo 5 bước như đã trình bày, có thể dễ dàng để nhận ra được sự khác nhau giữa hai quy trình này. Việc đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn hiện nay chưa đạt hiệu quả như mong muốn một phần cũng phụ thuộc vào yếu tố quy trình, so với quy trình chuẩn đã đưa ra, quy trình đánh giá công chức của UBND huyện Vĩnh Linh đang áp dụng nhìn chung chưa đảm bảo yêu cầu. Quá trình đánh giá còn khép kín trong nội bộ, chưa thống nhất, thiếu sự mở rộng dân chủ, chưa thống nhất nên đã làm giảm tính nghiêm túc, cũng như không phát huy trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến công tác đánh giá công chức. Bởi vậy, thực tế cho thấy cần thiết phải nghiên cứu xây dụng một quy trình đánh giá công chức toàn diện hơn.
Từ những ghi nhận và nghiên cứu của mình, tác giả xin đề xuất xây dựng quy trình đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Vĩnh Linh như sau:
Bước 1: Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá và chính sách đánh giá
Như đã trình bày ở phần cơ sở lý luận, trong quy trình đánh giá chung, việc xây dựng một hệ thống những tiêu chuẩn, tiêu chí và chính sách đánh giá là việc làm có vai trò hết sức quan trọng. Các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá này là căn cứ để so sánh giữa những kết quả mà công chức đạt được trên thực tế với những chuẩn mực đã được xác lập. Do đó, nó đảm bảo sự chính xác, chặt chẽ cho công tác đánh giá công chức. Khi xây dựng phải hướng đến sự cụ thể, chi tiết cho từng chức danh công chức trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện bởi mỗi vị trí công việc sẽ có những chức năng, nhiệm vụ riêng, tính đặc thù của từng công việc,…
Đồng thời, việc xây dựng các chính sách đánh giá phù hợp với tình hình của UBND huyện sẽ tạo ra sự công bằng trong đánh giá cho mọi công chức. Chính sách đánh giá công chức sẽ quy định cụ thể về: khen thưởng, kỷ luật, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, thời điểm đánh giá công chức,…
Bước 2: Công chức tự nhận xét, đánh giá
Công chức viết vào phiếu tự nhận xét, đánh giá về những ưu, nhược điểm của bản thân trong quá trình công tác và rèn luyện của mình theo các tiêu chí cụ thể như: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị; đạo đức, lối sống lành mạnh, tác phong và lề lối làm việc; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tinh thần học tập nâng cao trình độ; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; thái độ phục vụ nhân dân.
Đối với các công chức giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan chuyên môn, cần xem xét đánh giá thêm ở các mặt:
- Kết quả hoạt động của cơ quan được gioa lãnh đạo, quản lý, phụ trách;
- Tầm nhìn chiến lược;
- Khả năng ra quyết định;
- Khả năng giao tiếp, thuyết trình;
- Khả năng am hiểu con người; - Khả năng phân công công việc;
- Khả năng giải quyết mâu thuẫn nội bộ;
- Uy tín với đồng nghiệp, cấp trên và nhân dân; - Tinh thần sáng tạo trong công việc.
Bước 3: Thu thập ý kiến nhận xét, đánh giá
Đây là một việc làm hết sức cần thiết, cũng là một phần trong phương pháp đánh giá 360 độ. Ý kiến nhận xét ở đây có thể là ý kiến nội bộ trong cơ quan hoặc từ những ý kiến nhận xét, đánh giá của người dân trên địa bàn đã từng làm việc và trực tiếp tiếp xúc với các công chức, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở các đơn vị liên quan.
Ý kiến đóng góp của các đối tượng “khách hàng” này có ý nghĩa rất quan trọng nhưng thời gian vừa qua lại chưa được quan tâm thực sự, nhất là đối với công tác đánh giá công chức. Ở giải pháp này, ngoài việc hoàn thiện quy trình đánh giá, tác giả đã còn đưa ra giải pháp triển khai người dân tham gia vào quá trình đánh giá nhằm hạn chế việc đánh giá khép kín, nội bộ như hiện nay. Đồng thời cũng thể hiện tinh thần công khai, minh bạch, tinh thần dân chủ trong đánh giá công chức. Khi đó, “khách hàng” nhận thấy mình được tôn trọng và hài lòng, còn bản thân mỗi công chức sẽ tự biết cố gắng phấn đấu hơn trong công tác, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Tại phòng tiếp dân có thể sử dụng phiếu đánh giá, hòm thư công vụ, cổng thông tin điện tử của huyện, phần mềm dân đánh giá M-Score… để người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện việc đánh giá. Đối với công chức giữ chức vụ
lãnh đạo, thực hiện việc lấy ý kiến nhận xét của đồng chí Thường trực UBND huyện phụ trách trực tiếp, của cấp ủy nơi cư trú, của Ban thường vụ Huyện ủy nhằm đảm bảo kết quả đánh giá được toàn diện, khách quan và chính xác hơn.
Người hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tổng hợp biên bản, phiếu lấy ý kiến đánh giá, phân loại công chức lập thành hồ sơ, báo cáo Trưởng phòng, Chủ tịch UBND huyện xem xét.
Bước 4: Thủ trưởng trực tiếp nhận xét, đánh giá và công khai kết quả đánh giá
Trưởng phòng, Chủ tịch UBND huyện sẽ căn cứ vào các tiêu chí, tiêu chuẩn; phiếu tự nhận xét, đánh giá của công chức; ý kiến đóng góp của tập thể công chức; ý kiến đánh giá của “khách hàng” …. với ý kiến cá nhân của mình về công chức đó để tổng hợp lại và đưa ra quyết định về kết quả đánh giá và phân loại. Kết quả này được thông báo công khai toàn thể công chức được biết, phản hồi ý kiến.
Bước 5: Giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền
Công chức không tán thành về nhận xét, đánh giá và kết quả đánh giá, phân loại đối với bản thân mình thì có quyền khiếu nại nhưng phải chấp hành kết luận, nhận xét, đánh giá của cấp có thẩm quyền.
Nếu có khiếu nại về đánh giá, xếp loại công chức thì Trưởng phòng, Chủ tịch UBND huyện có trách nhiệm xem xét, kết luận và thông báo (bằng văn bản) đến người khiếu nại. Kết luận này là kết quả cuối cùng về việc đánh giá, xếp loại đối với công chức. Trong bước này, Trưởng phòng hoặc Chủ tịch UBND huyện nên làm thêm một nhiệm vụ là trao đổi trực tiếp với cá nhân công chức để tìm kiếm thông tin phản hồi. Và phản hồi lại các thông tin cho đối tượng được đánh giá để cùng trao đổi cụ thể về dự kiến kết quả đánh giá để tạo ra tâm lý thoải mái, thõa mãn cho đối tượng được đánh giá.
Bước 6: Hoàn thiện hồ sơ đánh giá công chức
Căn kết quả đánh giá, phân loại công chức và kết quả giải quyết khiếu nại (nếu có), Trưởng phòng, Chủ tịch UBND huyện hoàn thiện hồ sơ đánh giá công
chức thông qua việc ghi ý kiến đánh giá, phân loại loại và ký tên vào “Bản tự nhận xét đánh giá công chức”.
Bước 7. Lưu hồ sơ, gửi kết quả
Lưu và gửi quyết định công nhận kết quả đánh giá, xếp loại công chức, các thủ tục khen thưởng, kỷ luật và đề nghị khen thưởng, kỷ luật (nếu có).
Việc tuân thủ quy trình này sẽ mất thời gian hơn so với quy trình đang thực hiện. Chính vì vậy người đứng đầu cơ quan cần sắp xếp thời gian một cách khoa học, hợp lý để đảm bảo công tác đánh giá đạt kết quả tốt.